10/01/2017 11:56 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là lời nhắn nhủ dành cho các fan quần vợt xứ sở kanguru, bởi thực tế, Nick Kyrgios vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của họ tại Australian Open 2017.
Kyrgios và câu chuyện niềm tin
Trong số những người la ó Kyrgios, liệu có ai để ý đầu gối anh phải quấn băng rất chặt, có để ý anh bước tập tễnh sau mỗi pha bóng? Kyrgios thua khá chóng vánh, nhưng vẫn đáng được ca ngợi vì anh đã phải nén đau mà thi đấu. Nếu đó là Nadal hay Federer, có lẽ trên khán đài sẽ là những tiếng vỗ tay, nhưng đó lại là Kyrgios, một gã trai hư của làng banh nỉ, người thường xuyên có những hành động cũng như lời nói coi thường đối thủ và khán giả.
Chắc chắn nhiều người chưa thể quên những gì diễn ra ở vòng 2 Thượng Hải Masters trong trận thua đáng xấu hổ của Nick Kyrgios trước tài năng trẻ Mischa Zverev. Chỉ vì không hài lòng với một quyết định của trọng tài, Kyrgios phản ứng theo kiểu rất trẻ con: Cố tình giao bóng nhẹ để Zverev đánh trả dễ dàng, thậm chí cố tình bước ra ngoài không đỡ bóng. Thái độ coi thường khán giả ấy dĩ nhiên khiến Kyrgios mất điểm trong mắt người hâm mộ.
Nhưng sẽ thật là cố chấp nếu chúng ta, đặc biệt là người hâm mộ quần vợt Australia, quay lưng hoàn toàn với Kyrgios, nhất là khi anh đã thể hiện nỗ lực. Không gì tuyệt vời hơn là được khán giả cổ vũ nồng nhiệt ở Grand Slam đầu tiên trong năm, diễn ra trên sân nhà. Mà không yêu anh thì người Australia còn biết đặt niềm tin vào ai? Bernard Tomic (27 ATP), Jordan Thompson (75), hay John Milman (82) chăng?Kyrgios từng khiến người hâm mộ phật lòng khi tuyên bố chẳng thiết tha với ngôi số một thế giới, nhưng đó là điều không đến nỗi quá khó hiểu với một cậu bé mãi đến năm 14 tuổi mới quyết định theo đuổi quần vợt, chứ không phải bóng rổ - môn thể thao anh chơi rất khá. "Tôi chả thích gì môn thể thao này", Kyrgios đã thẳng thừng tuyên bố như thế sau thất bại trước Andy Murray ở vòng 4 Wimbledon. Vài tháng sau, anh nói với tờ New York Times rằng "Nếu tôi mà giành Grand Slam, tôi cũng nói như thế mà thôi".
Cần học cách yêu Kyrgios
Dù giành 3 danh hiệu ATP trong năm 2016, nhưng sau những gì đã diễn ra ở Thượng Hải, tất cả đều thấy Nick Kyrgios chẳng yêu gì quần vợt thật. Anh thích chơi bóng rổ, thích Playstation, selfie trên Instagram hơn là đuổi theo trái bóng màu vàng trên sân quần. Anh cũng từng tuyên bố sẽ cân nhắc giải nghệ sau 4, 5 năm nữa. Các tay vợt ai cũng có thời điểm khủng hoảng trong sự nghiệp, nhưng với Kyrgios thì đó rõ ràng không phải vấn đề. Anh mới 21 tuổi nhưng đã xếp thứ 13 thế giới, đã có hơn 3,5 triệu USD tiền thưởng, và không rõ số tiền từ quảng cáo là bao nhiêu.
Hầu hết những hành vi ngang ngạnh của Kyrgios là không thể bào chữa: Lăng mạ trọng tài, hét lên với những cậu bé nhặt bóng, và tệ hại nhất là khi anh thì thầm vào tai Stan Wawrinka về cô bạn gái Donna Vekic của tay vợt người Thụy Sĩ rằng "Kokkinakis ngủ với bạn gái của anh đấy".
Nhưng Kyrgios đã đúng khi nói rằng anh chẳng "nợ" người hâm mộ điều gì cả. Anh nợ nhà tài trợ, gia đình, HLV và các quan chức, những người đã ủng hộ anh, chứ không có nghĩa vụ thi đấu tận lực vì những người đã la ó anh. Có thể so sánh là hơi khập khiễng, nhưng trong chương đầu của cuốn tự truyện Open xuất bản năm 2009, Andre Agassi từng viết: "Tôi chơi quần vợt để kiếm sống dù tôi rất ghét nó". Thực tế thì Agassi dưới thời HLV Nick Bollettierri (1983-1993) chửi thề có lẽ còn nhiều hơn Kyrgios ở thời điểm hiện tại.
Kyrgios hành động như một đứa trẻ
Người ta đã nói khá nhiều đến việc Kyrgios cần thuê một HLV đẳng cấp, một người truyền cảm hứng, nhưng với tính cách bất cần, anh chả quan tâm đến điều ấy. Còn những khán giả, để không phải chứng kiến Kyrgios sa đà vào những bê bối, có lẽ họ sẽ phải cố gắng học cách để yêu sự thẳng thắn đầy chất bụi của anh.
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất