17/12/2015 21:39 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, cả Roger Federer và Madison Keys đều lần lượt chia tay những HLV tên tuổi (Stefan Edberg, Lindsay Davenport) để lựa chọn người dẫn dắt ít tiếng tăm hơn.
Muôn màu “siêu HLV”
Cả Federer và Keys đều không giành được một danh hiệu lớn nào dưới sự dẫn dắt của những HLV họ vừa chia tay. Tương tự là Kei Nishikori với ông thầy Michael Chang. Jimmy Connors chỉ dẫn dắt Maria Sharapova đúng 1 trận trước khi đường ai nấy đi. Radwanska cũng chia tay Martina Navratilova chỉ sau vài tuần.
Tất nhiên không phải vị siêu HLV nào cũng vô duyên với các danh hiệu lớn. Ivan Lendl là một minh chứng. Ông đã giúp Andy Murray giành Grand Slam lần đầu tiên tại US Open 2012, chấm dứt cơn khát 77 năm của Vương quốc Anh tại Wimbledon 20013. Ngoài ra còn phải kể đến tấm HCV đơn nam tại Olympic London 2012. Kể từ khi chia tay Lendl hồi tháng Ba năm ngoái, Andy Murray không giành thêm một danh hiệu lớn nào nữa.
Lendl và Murray là minh chứng rõ rệt nhất cho sự hợp lý của xu thế “siêu HLV”. Sau này, Novak Djokovic cũng đi theo xu hướng này khi thuê Boris Becker, và ông đã giúp anh rất nhiều về mặt tinh thần, để chiến thắng trong những thời điểm quyết định. Trong hai mùa 2012-13, thành tích của Djokovic ở chung kết Grand Slam là 2 thắng - 4 thua. Còn từ khi có Becker, thành tích của anh là 4 thắng - 2 thua. Cả hai trận thua ấy đều diễn ra ở Roland Garros (2014 trước Vua đất nện Nadal, 2015 trước Wawrinka).
Cũng có những siêu HLV thành công, nhưng không thể duy trì lâu. Goran Ivanisevic chẳng hạn. Ông dẫn dắt Marin Cilic từ năm 2013 và đã giúp người đồng hương trẻ tuổi bất ngờ đăng quang ở US Open 2014, nhưng kể từ đó, Cilic liên tục gặp vận đen vì chấn thương. Cilic vẫn đáng sợ, nhưng thiếu ổn định. Nishikori, bại tướng của Cilic ở Flushing Meadows năm ngoái là một ví dụ tương tự. Sau khi mời Michael Chang vào đội ngũ huấn luyện, Nishikori đã từ một tay vợt ngấp nghé Top 20 thế giới lên một kẻ cạnh tranh tại các Grand Slam. Nhưng mùa này, phong độ của anh khá tệ khi chỉ đạt thành tích tốt nhất là vào đến tứ kết Australian Open và Roland Garros.
Những lý do khách quan và chủ quan
Rất khó để định nghĩa thật rõ ràng mối quan hệ giữa Federer với các HLV bởi thật ra, bản thân tay vợt người Thụy Sĩ đã là một HLV tuyệt vời, thậm chí là tốt nhất cho mình. Những “siêu HLV” như Edberg giống với vai trò của một cố vấn hơn.
Mối quan hệ ấy thường mang đến thêm sự tinh tế và đẳng cấp cho lối chơi của Federer cũng như thường xuyên chú trọng vào phong cách tấn công. Annacone cũng mang đến một lối chơi quyết liệt hơn, song chỉ đến khi Edberg gia nhập, lối chơi tấn công của Federer mới trở thành một tuyệt kỹ có tên SABR (Sneak Attack by Roger). Chỉ có điều trong 24 tháng gắn bó ấy, Edberg vẫn không thể mang lại điều mà Federer mong muốn nhất - giành thêm một Grand Slam. Ljubicic khá hiểu Djokovic, và đó là điều mà Federer rất cần bây giờ.
Cuộc chia tay mới nhất giữa Keys và Davenport cũng rất đáng chú ý. Tay vợt trẻ người Mỹ đã tạm biệt huyền thoại đồng hương (từng giành 3 Grand Slam và là cựu số một thế giới), dù đã leo lên hạng 18 cao hơn 13 bậc so với hồi năm ngoái.
Thật ra, lý do của Keys là Davenport không thể cùng cô đi khắp các giải đấu do đã là mẹ của 4 đứa con và kiêm vai trò bình luận viên truyền hình. “Vấn đề không phải chúng tôi ghét nhau”, Keys nói trên WTA, “Dĩ nhiên chúng tôi muốn tiếp tục làm việc với nhau, nhưng bà ấy có quá nhiều thứ phải quan tâm”.
Ngoài ra, việc thuê một HLV ít tiếng tăm cũng là một cách để giảm bớt áp lực của sự kỳ vọng. Với Keys, việc thuê Levine, người sẵn sàng đi cùng cô tới mọi giải đấu, là phương án tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Liệu đó có phải sự khởi đầu của một xu thế mới?
Phương Chi (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất