13/10/2012 06:10 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - Những gì Liên đoàn bóng đá Anh (FA) cần làm, họ đã làm. Nhưng những gì Chelsea phải làm, họ chưa chịu làm. Chừng nào chưa đưa ra những án phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp như của John Terry và Ashley Cole, chừng đó Chelsea chưa trở thành một đội bóng được yêu mến trên toàn cầu, điều mà ông chủ Roman Abramovich luôn ước ao.
Tại sao họ "coi trời bằng vung"?
Nếu FA là cơ quan quyền lực nhất bóng đá Anh thì John Terry và Ashley Cole đã "coi trời bằng vung". Terry lên tiếng chỉ trích FA đã dồn ép anh, khiến anh phải đi đến quyết định "tự nguyện" từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế dù trên thực tế Terry xứng đáng bị loại khỏi đội tuyển Anh vì hành động phân biệt chủng tộc đối với Anton Ferdinand. Qua trang mạng xã hội Twitter, Cole thậm chí dùng từ rất tục để chửi FA, gọi các quan chức của cơ quan này là "một lũ ngu đần".
Terry từng là thủ quân của tuyển Anh. Trước scandal Twitter, Cole từng được huấn luyện viên Roy Hodgson cân nhắc cho vai trò đội trưởng khi anh chinh phục cột mốc 100 trận quốc tế. Ở đội tuyển Anh, vị trí của họ là bất khả xâm phạm suốt nhiều năm qua. Vị thế của họ là ước mơ của bao cầu thủ. Nhưng họ vẫn "lộng ngôn". Đâu là nguyên nhân?
Cole và Terry trong màu áo Chelsea
Tháng 12 tới đây, John Terry sẽ tròn 32 tuổi. Cole kém Terry một tuổi. Như vậy, ở giải đấu lớn nhất sắp tới là World Cup 2014, họ được xem là quá già, nhất là đặt trong bối cảnh tuyển Anh đang trẻ hóa mạnh mẽ, khi Hodgson mạnh dạn quay lưng với Rio Ferdinand và một số lão tướng khác. Đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, không có gì đảm bảo Terry và Cole sẽ đóng vai trò quan trọng ở tuyển Anh ở World Cup 2014. Hodgson hiện sở hữu rất nhiều trung vệ triển vọng, trẻ hơn, khỏe hơn Terry như Gary Cahill, Chris Smalling, Phil Jones. Ở vị trí hậu vệ trái, Cole từng không có đối thủ ở tuyển Anh. Nhưng hiện tại, Leighton Baines của Everton (27 tuổi) được đánh giá rất cao trong khi Ryan Bertrand (23 tuổi) hoàn toàn có thể thay thế Cole ở Chelsea và tuyển Anh trong vòng một, hai năm nữa.
Tóm lại, khi đã ở giai đoạn cuối của sự nghiệp quốc tế, Terry và Cole sẵn sàng thể hiện thái độ, quan điểm "bất cần" tuyển Anh, không ngần ngại chỉ trích, xúc phạm FA. Tất nhiên, nếu mọi chuyện êm đẹp thì họ sẽ không làm như thế. Nhưng khi scandal phát sinh, họ lập tức thể hiện thái độ. Cole đã đá 98 trận, Terry cũng đã 78 lần khoác áo tuyển Anh. Các giải lớn EURO hay World Cup, họ cũng đã tham dự rồi. Đúng là họ chưa gặt hái được danh hiệu gì với đội tuyển quốc gia, nhưng bản thân họ đủ tỉnh táo để nhận ra rằng việc tuyển Anh làm nên kỳ tích ở World Cup 2014 trên đất Brazil là nhiệm vụ bất khả thi.
Chelsea đã quá dung túng?
Đá cho đội tuyển quốc gia thường có nghĩa danh vọng hơn là tiền bạc. Dù không phủ nhận vai trò quan trọng to lớn ở đội tuyển Anh sẽ mang lại nhiều hợp đồng quảng cáo giá trị, không phải FA mà chính Chelsea mới là phía trả lương tuần, nuôi sống, làm giàu cho Terry và Cole. Vì lẽ đó, cầu thủ chắc chắn sợ ông chủ của câu lạc bộ hơn là liên đoàn. Những án phạt từ FA, như tước băng đội trưởng hay loại khỏi đội tuyển Anh, là chưa đủ mạnh để ngăn chặn những scandal. Nếu Chelsea làm mạnh tay, mọi chuyện sẽ khác. Tiếc thay là cho đến thời điểm này, Chelsea vẫn bao che những hành động đáng lên án do cầu thủ họ gây ra. Tất nhiên câu lạc bộ nào cũng muốn bảo vệ cầu thủ của mình. Nhưng bảo vệ và bao che là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Trong những năm qua, John Terry đã gây ra hàng loạt scandal trong và ngoài sân cỏ. Nhưng Chelsea chưa một lần trừng trị anh thích đáng. Tuyển Anh đã hai lần tước băng đội trưởng của Terry, nhưng Chelsea vẫn xem anh là biểu tượng, là thủ lĩnh, là huyền thoại. Đừng nói là hành động, ban lãnh đạo và các huấn luyện viên Chelsea thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến việc tước băng đội trưởng của Terry. Với trường hợp của Cole, ban lãnh đạo Chelsea đã quyết định phạt 240.000 bảng, tương đương hai tuần lương. Nhưng mức phạt đó vốn chỉ mang tính lấy lệ chứ không có tác dụng trừng trị, ngăn ngừa tái phạm. Như Terry, tiếp tục gây ra vụ phân biệt chủng tộc sau khi scandal tình ái của anh được Chelsea bỏ qua.
Gần 18 năm về trước, bóng đá Anh đã chứng kiến scandal liên quan đến Eric Cantona, với cú kung-fu nhắm vào một cổ động viên Crystal Palace. Manchester United ngay lập tức phạt tiền và cấm Cantona nghỉ thi đấu đến hết mùa 1994-1995 (về sau họ không hề phản đối khi FA nới rộng án phạt lên thành tám tháng treo giò). Vai trò của Cantona đối với M.U thời điểm ấy quan trọng hơn nhiều so với Terry đối với Chelsea hiện tại. Cũng chính vì cấm Cantona thi đấu, M.U đã mất chức vô địch Premier League vào tay Blackburn. Nhưng mất mát đó chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn, M.U được rất nhiều, gặt hái cả núi danh hiệu, trở thành câu lạc bộ được hâm mộ nhiều nhất trên thế giới.
Không đội bóng nào muốn trừng phạt nặng cầu thủ của mình cả. Nhưng trong một số hoàn cảnh nhất định, họ cần phải ra tay vì lợi ích lâu dài, lớn lao của đội bóng.
Danh hiệu, đá đẹp chưa đủ
Trong kỷ nguyên của Roman Abramovich, Chelsea là câu lạc bộ thành công thứ hai ở nước Anh, chỉ kém M.U. Họ đã đoạt mọi danh hiệu, trong đó có Champions League mùa trước và ba chức vô địch Premier League. Đội hình của họ luôn tràn ngập ngôi sao đẳng cấp thế giới. Nhưng họ không được hâm mộ rộng rãi, kém xa M.U, Liverpool và Arsenal, dù hai đội bóng sau chẳng giành được danh hiệu gì to lớn trong bảy năm qua.
Abramovich có lẽ không muốn dừng lại ở những chiếc cúp đơn thuần, mà còn ôm tham vọng biến Chelsea thành đại gia của bóng đá châu Âu đúng nghĩa, đại gia từ sân cỏ đến hậu trường. Chelsea từng công bố một dự án có thời hạn 15 năm, mà mục tiêu lớn nhất là được hâm mộ bậc nhất trên toàn thế giới.
Chelsea đá đẹp và có danh hiệu nhưng vẫn chưa đủ
Sự thực là Chelsea đã hành động để hướng đến mục tiêu to lớn ấy. Sau khi gặt hái những thành công tột bậc, họ thay đổi phong cách thi đấu nhằm chinh phục trái tim người hâm mộ. Từ thời Jose Mourinho cho đến giai đoạn tạm quyền của Roberto Di Matteo ở mùa trước, Chelsea chủ yếu gặt hái những thành công nhờ thứ bóng đá thực dụng, có phần xấu xí và tiêu cực. Nhưng mùa này, sau khi chi một đống tiền để mua những ngôi sao trẻ đá thiên về kỹ thuật cá nhân, lối chơi của Chelsea giờ giàu tính trình diễn hơn, đẹp mắt và quyến rũ hơn. Nếu cứ tiếp tục đá thế này, Chelsea sẽ nhanh chóng thu hút nhiều người hâm mộ.
Nhưng để vươn lên tầm "được hâm mộ bậc nhất thế giới", danh hiệu và lối chơi vẫn chưa đủ. Họ cần tạo dựng một môi trường trong sạch hơn, đặc biệt khi Chelsea không giàu truyền thống như Liverpool hay M.U. Không thể chinh phục trái tim người hâm mộ trên khắp thế giới nếu đội bóng bị mang tiếng là nơi chứa chấp những scandal, là nơi dung túng cho những cầu thủ có hành vi phân biệt chủng tộc hay dùng lời lẽ rất tục để chỉ trích liên đoàn. Các bậc cha mẹ chắc chắn không muốn con mình lấy mẫu cầu thủ như John Terry hay Ashley Cole làm tấm gương.
Tình yêu và sự hâm mộ không hề gói gọn trong chuyện tình cảm. Với các câu lạc bộ, đó chính là nguồn thu, là tiền bạc. Càng được yêu mến nhiều, họ sẽ bán được nhiều vé, thu nhiều tiền từ áo đấu, các dịch vụ xung quanh. Và quan trọng không kém là các bản hợp đồng tài trợ đắt giá.
Nếu không giành được chức vô địch Champions League mùa giải vừa qua, Chelsea đã có thể mất nhà tài trợ Samsung. Mãi đến tháng trước, Samsung mới đồng ý gia hạn hợp đồng thêm ba năm, nhưng Chelsea "chỉ" thu về 15 triệu bảng/năm. Con số này vẫn thấp hơn nhiều so với bản hợp đồng mà Liverpool, một đội bóng trắng tay tại giải vô địch quốc gia Anh suốt 21 năm qua, ký với ngân hàng Standard Chartered, và quá nhỏ bé khi đặt bên cạnh bản hợp đồng mới của M.U với Chevrolet, trị giá đến 50 triệu bảng/mùa (kéo dài bảy năm).
Tất nhiên những nhà tài trợ lớn thường tìm đến các câu lạc bộ thành công, gặt hái nhiều danh hiệu. Nhưng họ rất coi trọng hình ảnh của đội bóng mà mình tài trợ. Samsung hay hàng chục đối tác làm ăn khác của Chelsea chắc chắn đã rất lo lắng khi thương hiệu của họ lại bị vạ lây, gắn với những cầu thủ phân biệt chủng tộc, lộng ngôn.
Bất cứ cầu thủ nào cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng câu lạc bộ cần phải hành động để thể hiện mình không dung túng cho những sai lầm, scandal, bê bối. Với những nỗ lực, đầu tư của ông chủ Abramovich, Chelsea không đáng bị gọi là câu lạc bộ của những scandal.
Hành động thôi, Chelsea!
Chelsea: Scandal nối tiếp scandal Từ thời chủ cũ Ken Bates, Chelsea đã bị mang tiếng là đội bóng của những scandal. Suốt thời gian dài, họ thuộc nhóm câu lạc bộ có cổ động viên hung dữ, với những hooligan chuyên gây rối, bên cạnh Leeds United, West Ham và Millwall. Số vụ gây rối, bạo lực của cổ động viên Chelsea thời ấy bỏ xa số danh hiệu mà họ giành được. Có một vụ tai tiếng xảy ra vào năm 1999. Khi ấy, Chelsea được dẫn dắt bởi Ruud Gullit và người trợ lý của ông là Graham Rix, 41 tuổi. Rix đã phải nhận án tù 12 tháng vì tội giao cấu với trẻ vị thành niên. Ngồi tù sáu tháng, Rix được thả ra. Chủ tịch Ken Bates lúc bấy giờ đã có hành động gây tranh cãi và bất bình trong dư luận: lập tức phục chức cho Rix ngay khi ông ra tù. Ở Chelsea, scandal nối tiếp scandal. Thủ môn Mark Bosnich đã không thể vượt qua cuộc kiểm tra doping. Hay đến thời Abramovich, Adrian Mutu bị sa thải vì dùng cocaine. Cole, Gerrard và câu lạc bộ 100 Thêm hai trận nữa thôi, Ashley Cole và Steven Gerrard sẽ gia nhập câu lạc bộ 100 trận của đội tuyển Anh. Gerrard đá cho tuyển Anh từ năm 2000 và một năm sau đó, Cole ra mắt màu áo Tam sư. Trong lịch sử tuyển Anh, chỉ có năm người chinh phục và vượt qua cột mốc 100 trận. TT Cầu thủ Giai đoạn Số trận 1 Peter Shilton 1970-1990 125 2 David Beckham 1996-2009 115 3 Bobby Moore 1962-1973 108 4 Bobby Charlton 1958-1970 106 5 Billy Wright 1946-1959 105 |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất