24/12/2022 10:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Không khí Tết Nguyên đán đang rộn ràng trên khắp con phố Hà Nội nhưng bên cạnh đó, không ít bạn trẻ tất bật với công việc còn bộn bề cùng những lo toan mua sắm cho dịp quan trọng nhất năm.
Tốt nghiệp đại học và đi làm được một năm, Phương Ly (23 tuổi) hiện làm việc tại văn phòng ở Hà Nội và đang độc thân. Như bao người khác, Phương Ly bắt đầu đi làm vào khoảng 7h30 và tan sở lúc 17 giờ, đôi khi công việc bận rộn khiến cô tăng ca vào cả thứ 7 và chủ nhật.
Ngay khi bước sang tháng cuối cùng của năm, Phương Ly đã rục rịch chuẩn bị danh sách mua sắm đồ cho Tết Nguyên đán để tránh bị độn giá, đồng thời có thể tham khảo giá ở nhiều cửa hàng.
"Hiện tôi sống cùng cha mẹ và gia đình anh trai. Công việc chuẩn bị đồ Tết đã có mẹ tôi lo vì mẹ biết cách trả giá hợp lý. Nhưng dù mới đi làm được một năm, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm trong việc mua sắm, chuẩn bị đồ Tết phụ cả nhà. Thế nên từ đầu tháng 12 tôi bắt đầu tìm mua đồ điện tử, cây trồng trong nhà, quần áo, thực phẩm rồi quà biết Tết", Phương Ly chia sẻ.
Khi được hỏi liệu 10 triệu đồng có đủ sắm Tết, Phương Ly khẳng định không. So với ngày còn là sinh viên, nhu cầu mua sắm và sử dụng của cô gái 23 tuổi hiện tăng cao. Năm nay, số tiền Phương Ly chi cho dịp Tết dao động 15-20 triệu đồng. Trong đó, cô dành ra khoảng 5-10 triệu đồng để mua sắm bánh kẹo, đồ trang trí, quà biếu… hỗ trợ cha mẹ.
"Những năm trước vì còn là học sinh sinh viên nên tôi chưa thể lì xì cho nhiều người. Nhưng giờ đi làm rồi, tôi dành nửa tiền lương thưởng để mua sắm rồi biếu cha mẹ tiền Tết và lì xì mọi người. Tôi còn để riêng khoản tiền phục vụ cho việc chi tiêu hay mua sắm thêm đồ trong và sau Tết", Phương Ly tâm sự.
Ngoài ra, Phương Ly cho biết không có khoản nào bị phát sinh và mức tiêu này vẫn nằm trong khả năng chi trả. Tuy nhiên, trong trường hợp các hạng mục chi tiêu vượt quá khả năng chi trả, Phương Ly sẽ cần đến chiếc thẻ tín dụng để thanh toán trước.
Can Đăng (28 tuổi, Hà Nội) cũng dành khoản tiền lên đến 8 con số cho dịp đầu năm. Cụ thể, anh chi khoảng 30 triệu đồng (tương ứng ½ thu nhập trong tháng 12) để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Trong số đó, anh trích một phần để mang tiền về cho mẹ. "Dù sao mẹ mua sắm cũng dễ dàng và đẩy đủ hơn. Còn công việc của tôi khá bận rộn nên tôi không có thời gian ra ngoài ngó nghiêng, chỉ có thể đặt đồ trực tuyến cho nhanh".
Anh còn dành thêm 10-15 triệu đồng để chuẩn bị đồ biếu đối tác bạn bè. "Ngoài việc chuẩn bị cho Tết, tôi còn khá nhiều cuộc hẹn gặp gỡ anh em, liên hoan tất niên nên cũng có chút 'vung tay quá trán' so với dự tính. Nhưng hàng tháng tôi đều tiết kiệm một phần thu nhập nên cũng không lo lắng lắm. Số tiền đó đủ để tôi chi tiêu trong và sau kỳ nghỉ Tết", Can Đăng chia sẻ.
Hiện, Can Đăng điều hành studio chuyên chụp ảnh quảng cáo và có kinh nghiệm 5 năm trong lĩnh vực này. Anh cho biết từ đầu tháng 10, nhiều doanh nghiệp bắt đầu có kế hoạch chụp ảnh cho dịp Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm studio của anh khá bận rộn, thậm chí từ chối nhận thêm dự án để duy trì chất lượng công việc.
Do vậy bên cạnh công việc mua sắm đồ Tết cho cá nhân và gia đình, Can Đăng còn cần tập trung duy trì công việc cho các nhân sự tại studio, đảm bảo họ có thu nhập đủ để đón Tết ấm no.
Trái với trường hợp của Phương Ly và Can Đăng, Tú Oanh (24 tuổi, Hà Nội) cho biết cô chờ đến ngày 27-28 âm lịch mới bắt đầu sắm sửa cho Tết Nguyên đán. Bởi lúc này cô mới nhận được tiền thưởng để mua bánh kẹo và đồ biếu.
Tú Oanh hiện làm quản lý cho cửa hàng đá quý ở Hà Nội. Khi mới bước sang giai đoạn tuổi 20, cô đã quyết tâm sống tự lập và thuê nhà ở riêng, tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nhưng nhờ đó, cô học được cách quản lý tài chính cá nhân và đang hướng đến mục tiêu tiết kiệm tiền để xây dựng gia đình với bạn trai.
"Vì ở một mình nên tôi không quan trọng chuyện trang trí nhà cửa. Điều tôi quan tâm là thể hiện sự tri ân của mình đến những người thân yêu. Nên tôi dành khoảng 2-3 triệu đồng cho việc mua hoa và bánh kẹo Tết để mang biếu", Tú Oanh nói. Vì có nhiều hạng mục cần lo toan, cô phải cân đối thu chi để mọi thứ luôn trong tầm kiểm soát.
Trong khi đó, Vy Nguyễn (23 tuổi, nhân viên công ty du lịch tại Hà Nội) tiết lộ rằng trung bình cô chi khoảng 5-10 triệu đồng cho Tết Nguyên đán. "Cả năm đi làm vất vả rồi, chỉ có mấy ngày Tết quây quần bên gia đình nên tôi muốn trang hoàng nhà cửa sao cho đẹp mắt còn đón phúc lộc về nhà. Hơn nữa, cả gia đình cùng nhau trang trí nhà cửa còn giúp tăng sự kết nối và tinh thần đoàn kết", cô chia sẻ với nét mặt hân hoan.
Nếu vài năm trước, Vy Nguyễn chỉ tập trung mua quần áo, đồ trang trí và quà biếu, Tết Nguyên đán 2023 của cô có nhiều mối quan tâm hơn. Cách đây vài tháng, cô và bạn trai tổ chức đám cưới và họ chính thức về chung nhà. Cận kề ngày Tết, vợ chồng Vy Nguyễn càng bận rộn hơn khi cần mua sắm đồ cho hai bên gia đình.
"Quan điểm của tôi Tết là dịp quan trọng nhất năm nên có thể chi tiêu mạnh tay hơn mọi khi, tự thưởng cho bản thân những món quà mình mong muốn. Nhưng đây cũng là thời điểm để mình báo hiếu cha mẹ. Vợ chồng tôi vừa mua quà Tết vừa biếu cha mẹ mỗi bên 5 triệu đồng. Chúng tôi còn để riêng khoảng 4 triệu làm tiền lì xì", cô nói.
Vy Nguyễn cho biết vì là năm đầu lập gia đình, vợ chồng cô đều muốn mọi thứ được chuẩn bị chu đáo và cẩn thận. Do vậy, họ đã dự trù kinh phí dành cho dịp này từ sớm và tích góp từ tháng trước đó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất