23/04/2017 08:29 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Sống chung với mẹ chồng, bộ phim truyền hình “siêu hot"với những nội dung kịch tính về cuộc chiến giữa mẹ chồng nàng dâu đang được phát sóng (lúc 20h45 các ngày thứ 4,5,6 trên kênh VTV1) đã và đang nhận được nhiều phản hồi từ khán giả.
Xung quanh bộ phim này, Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có mặt tại trường quay của báo Thể thao & Văn hóa và chia sẻ về những hiện tượng “gây bão” trong phim dưới góc nhìn xã hội.
Thạc sĩ Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh tại trường quay báo Thể thao & Văn hóa
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh chia sẻ:
- Cá nhân tôi và gia đình xem bộ phim Sống chung với mẹ chồng ngay từ những tập đầu tiên. Tôi cũng không hiểu cơ duyên làm sao, nhưng ngay từ cái tên phim đã tạo được sự hấp dẫn rồi. Và tôi rất thích vai mẹ chồng của NSND Lan Hương…
* Nhưng ngay từ những tập đầu tiên của bộ phim, đã có một số tình tiết hơi bị cường điệu quá so với thực tế, như cảnh mẹ chồng tự tiện xông vào phòng riêng, không cho con dâu ngồi lên người con trai…
- Nói là cường điệu thì tôi có thể đã hình dung ra vì mỗi một người làm phim đều có sự tư duy khác nhau. Trong bộ phim này, tôi nhận thấy từ khâu biên kịch cho đến đạo diễn là muốn đi vào trọng tâm, đi vào những mâu thuẩn xảy ra hàng ngày thành điển hình, do đó khán giả đôi khi cảm thấy cường điệu vì những tiết tấu kịch tính của phim được đẩy nhanh hơn. Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ rằng, nó không hoàn toàn là sự cường điệu vì trong cuộc sống những sự việc đó rất thật…
Một cảnh trong phim Sống chung với mẹ chồng. Nguồn: VTV
* Mẹ chồng nàng dâu là đề tài không hề mới, vậy dưới góc độ xã hội, tại sao khi đưa lên phim nó lại gây được sự chú ý đến vậy, thưa anh?
- Mẹ chồng nàng dâu là một mối quan hệ rất khác biệt, từ xưa đến nay, trong xã hội truyền thống đã có rất nhiều sự bình luận. Đến ngày nay, đề tài này không quá mới, nhưng tôi lại cho rằng cách tư duy của bộ phim là mới, vì khi đưa đề tài này vào phim trong cuộc sống của xã hội hiện đại, nó mang hơi thở của xã hội hiện đại, hoàn toàn không phải hơi thở của mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong truyền thống nữa.
Ở đây, bộ phim thể hiện sự giao thời, vừa có tính chất truyền thống, vừa có tính chất hiện đại, nó phản ánh đúng mối quan hệ của gia đình hiện nay trong xã hội hiện đại, khi cá nhân có cái tôi lớn hơn, họ không quan niệm rằng gia đình là cái nơi trói buộc họ. Khi gặp những gia đình hơi truyền thống một chút, họ sẽ có những sự đấu tranh, tương tác. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu ở đây thể hiện giữa cái truyền thống và hiện đại.
Tôi cho rằng, gia đình hạnh phúc là tất cả thành viên trong gia đình đều cảm thấy hạnh phúc, yêu gia đình, nhưng đồng thời cái tôi của họ phải được thỏa mãn, sự cam chịu từ ngày này sang ngày khác sẽ làm mâu thuẫn lớn dần…
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Thủy Trang (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất