Dịch cúm A/H1N1: Đừng để chết vì chủ quan

15/03/2011 12:48 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch cúm A/H1N1 đã xuất hiện tại 30 tỉnh/thành phố trong cả nước. Có 7 trường hợp tử vong tại 6 địa phương. Trong thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một số ổ dịch lớn với hàng chục người mắc.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, nguy cơ tái bùng phát dịch cúm A/H1N1 rất cao, do đó người dân không nên chủ quan vì đây là thời điểm thuận lợi cho virus cúm phát triển và phát tán trong cộng đồng.

Thời tiết đang giúp virus cúm A/H1N1 lây lan mạnh

Theo kết quả giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ đầu năm đến nay đã ghi nhận sự xuất hiện của 3 phân týp virus cúm là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B, trong đó 78% mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với virus cúm là cúm A/H1N1. Tỉ lệ này trên toàn thế giới cũng chiếm đến 63,6%.

Thời gian gần đây đã ghi nhận một số ổ dịch cúm với hàng chục người mắc cúm A/H1N1 ở trường học, khu dân cư tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Phun thuốc sát khuẩn chống cúm A/H1N1 tại ĐH Kinh tế TP.HCM


Các ổ dịch tập trung này cho thấy, virus cúm A/H1N1 vẫn có khả năng lây lan nhanh, mạnh ra cộng đồng nếu công tác dự phòng, khoanh vùng dập dịch không kịp thời.

Theo TS Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, qua theo dõi và phân tích mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân cúm A/H1N1 tại phòng thí nghiệm cho thấy virus cúm A/H1N1 chưa có sự biến đổi hay kết hợp với virus cúm A/H5N1. Các trường hợp bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 cũng đều có bệnh mãn tính kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp, bị khối u trung thất, bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm ruột hoại tử... Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi các bệnh cúm thông thường cũng có thể đe dọa đến tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là những người đang có bệnh mãn tính, người bị suy giảm sức đề kháng, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Hiện mỗi năm trên thế giới có khoảng 250.000- 500.000 người tử vong do cúm mùa.

Theo TS Nguyễn Văn Bình, hiện thời tiết lạnh ẩm tạo thuận lợi cho virus cúm A/H1N1 lây lan mạnh. Để phòng bệnh và tránh gieo rắc bệnh cúm lây lan thành dịch, người bị bệnh nên đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống, tránh lây lan bệnh dịch trong cộng đồng. Đặc biệt, với phụ nữ có thai lại càng cần lưu ý hơn.

Mọi người phải tự phòng…

Tại TP.HCM đã có 1 trường hợp bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong vào ngày 1/3, đó là bệnh nhân Đ.V.H (52 tuổi) từng điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi nên đưa tới BV Nhiệt Đới trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc BV Nhiệt Đới TP.HCM cho biết: Từ đầu năm cho đến nay, BV Nhiệt Đới đã tiếp nhận 11 bệnh nhân nhiễm virus cúm A/H1N1. Hiện tại còn 2 bệnh nhân đang được điều trị tại BV.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP.HCM cho biết: đến nay chưa hề ghi nhận có sự biến đổi về virus cúm A/H1N1 và tỉ lệ tử vong rất thấp chỉ dừng ở mức 0,1%. Tuy nhiên nhóm nguy cơ dễ bị tử vong nhất là trẻ em, người già, phụ nữ có thai và người mắc các bệnh mãn tính.

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ khẳng định: “Để virus cúm A/H1N1 không bùng phát thành dịch thì cần phải có sự chung sức của cộng đồng. Ngoài những biện pháp mà ngành y tế đang triển khai để đối phó với cúm A/H1N1, Sở Y tế TP.HCM đã nhiều lần nhắc nhở Sở GD&ĐT, các xí nghiệp trong KCN - KCX phải cẩn thận và yêu cầu các trường học, xí nghiệp phải chuẩn bị những phương tiện, thực hiện các biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh. Khi có người nhiễm cúm thì phải cho nghỉ học hoặc nghỉ làm ngay và báo cho cơ sở y tế. Còn đối với người mắc bệnh cúm bất kỳ cũng không được chủ quan mà phải đến cơ sở y tế để điều trị”.

“Chính tôi đã từng đi phòng dịch tại các xí nghiệp. Tôi nhận thấy có nhiều ông chủ của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài lại rất lơ là, không quan tâm việc phòng chống dịch bệnh” - bác sĩ Thọ khẳng định.

Lý giải nguyên nhân, theo bác sĩ Thọ, một phần bởi các doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến sản xuất và người lao động thì bị áp lực kiếm sống. Mặt khác, chế tài xử lý khi các doanh nghiệp lơ là với việc phòng chống dịch bệnh hiện vẫn chưa đủ mạnh. Bác sĩ Thọ cho biết: Luật truyền nhiễm từ tháng 7/2007 có qui định chế tài cho những hành vi giấu dịch, ngăn cản phòng chống dịch... nhưng việc áp dụng luật lại rất khó khăn.

Một vấn đề đáng lo ngại là hầu hết người dân đều có thói quen tự mua thuốc điều trị khi có những triệu chứng cảm cúm mà không tới các cơ sở y tế để điều trị. Có trường hợp tử vong do phát hiện dương tính với virus cúm A quá muộn, đồng thời làm tăng nguy cơ lây lan thành ổ dịch.

Anh Đức - Thanh Xuân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link