16/12/2010 15:12 GMT+7 | Âm nhạc
“Rock hóa” nhạc đỏ: không chỉ mình tôi “điên rồ”
* Chị chia sẻ thế nào về sự im lặng suốt một thời gian dài và sự trở lại bằng một album có thể gây choáng từ ý tưởng “rock hóa” nhạc đỏ?
- Mọi người cũng biết, tôi đã dành một khoảng thời gian khá dài chăm sóc con cái. Nhưng đó không phải là lý do chính dẫn tới sự im lặng kéo dài. Thực tế, tôi đã rất lận đận vì album này, nó đã lấy của tôi quá nhiều chất xám, công sức và thời gian. Tôi phải tự đóng vai giám đốc sản xuất, tự biên tập... Tôi từng trăn trở từ rất lâu ý tưởng “làm mới” nhạc đỏ vì bao năm qua, nhạc đỏ vẫn chỉ được thể hiện một cách như thế. Thậm chí có chương trình truyền hình “nhép” lại bản thu từ nhiều năm rồi, nhiều bản phối khí đơn giản và cũ kỹ đến nhàm chán.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, đó là một sự lười nhác, mà cũng khó để nói chính xác lỗi tại ai? Tôi nghĩ, bài hát có thể “sống” hàng trăm năm nếu người ta tạo được cho nó không gian “sống”. Dân gian có câu “bình mới rượu cũ” và đôi khi có ý coi thường những sự việc có tính chất như vậy. Thôi thì rượu cũ thật nhưng nếu cho vào bình mới mà làm người thưởng thức ngon mắt ngon miệng hơn thì tôi nghĩ cũng nên làm.
* Làm mới nhạc đỏ, chị không ngại sẽ... đụng chạm?
- Tôi biết điều đó có thể xảy ra, nhất là rất hồi hộp không biết các thầy mình sẽ phản ứng thế nào khi nghe những ca khúc trong album Bộ đội này. Một vài người bạn thân trong nghề khi nghe tôi chia sẻ cách làm mới nhạc đỏ đều can ngăn và khuyên tôi đừng có “hâm”.
Tình cờ theo dõi một talkshow phát sóng trên truyền hình, trong đó nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nói về nhạc đỏ, nói về ý tưởng tại sao không “rock hóa” ca khúc Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!, tôi đã sung sướng reo lên như bắt được vàng. Mừng quá! Hóa ra không phải một mình tôi “điên rồ” như thế. Đúng là album ra đời, tôi phải cám ơn anh Thụy Kha, vì một sự đồng cảm âm thầm mà lại vô cùng quan trọng, đã chắp cánh cho mong ước của tôi mạnh dạn bay lên.
* Và chị đã “bay lên” bằng cách nào trong việc “rock hóa” nhạc đỏ?
- Trong dự án này, nhạc sĩ phối khí đóng vai trò vô cùng quan trọng. Yêu cầu đưa ra, phải là một người hiểu và yêu nhạc đỏ, nhưng đồng thời lại phải có máu rock và có khả năng phối khí ở thể loại rock. Thật là quá khó bởi hai dòng nhạc quá đối lập nhau, một bên mô phạm chỉn chu với một bên thường bị cho là “nổi loạn”...
Một khó khăn tiếp theo là, kho tàng nhạc đỏ thì nhiều, nhưng chọn ra bài nào phù hợp lại là cả một vấn đề. Không phải bài nào cũng có thể mặc áo mới. Ví dụ những bài mang âm hưởng dân ca, hay tiết tấu hành khúc quá rõ thì khó để “rock hóa” lắm! Bên cạnh đó, chủ trương của tôi là có làm mới thì cũng phải thật tự nhiên, hợp lý, nhất định không “gồng” lên, không ép, không khiên cưỡng.
Nâng lên đặt xuống mãi thì cũng chốt được danh sách cuối cùng là 9 bài. Trong đó có thể kể đến Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! - chưa bao giờ có giọng nữ hát. Có thể tôi sẽ bị cho là quá liều lĩnh khi cover ca khúc này, nhưng tôi tự tin vào mình. Ngoài ra còn có Dậy mà đi, Hát cho dân tôi nghe, Hò kéo pháo... Đặc biệt một ca khúc rất đáng yêu có tuổi đời gần 60 năm: Lỳ và Sáo của Nguyễn Văn Chung nhưng lại rất ít người biết đến. Tôi cho rằng đây chính là ca khúc già nhất mà trẻ nhất của album này.
Không nghĩ sẽ mãi đơn thân
* Những “lận đận” như chị vừa nói là có thật, chứ không phải chị đã có một bước đệm rất tốt là Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH)?
- Thực ra, khi tham gia SM-ĐH, tôi đã đi hát chuyên nghiệp 5 năm. SM-ĐH đã là “nấc thang” nào đó rồi, chứ không phải là xuất phát điểm của tôi.
Có một điều rất buồn cười là từ bé, tôi đi thi hát thì không có giải gì đáng nói, nhưng giải thưởng về văn nghệ cao nhất lại là một giải Nhất trong hội thi tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, với trích đoạn Tùng lò gạch mà tôi vào vai Tùng của chính chú Xuân Hinh. Thi vào nhạc viện thì ba năm mới đỗ. Thi Giọng hát hay Hà Nội, rồi Tiếng hát truyền hình TP.HCM đều chỉ lĩnh giải Tư. Tôi đã nếm đủ mùi lận đận rồi.
* Thế còn những “lận đận” trong cuộc sống, chị chiêm nghiệm về nó như thế nào?
- Nếu chị định nói rằng, việc tôi sinh bé Thái An trong khi tôi và con ở nhà tôi, còn bố của con tôi vẫn ở nhà anh ấy là chuyện lận đận thì tôi lại không cho là như vậy! Theo quan điểm riêng của tôi, lận đận là những gì mình phải chịu, không kiểm soát được, mà dân gian thường có câu là “số nó thế”. Còn chuyện tôi chọn cuộc sống của bà mẹ đơn thân là chính tôi chủ động như thế, chẳng có số phận gì ở đây cả.
* Chị và bố của con gái vẫn ai ở nhà nấy, nhưng có lúc nào hai người cùng mơ về một tổ ấm, giản dị như bất kỳ đôi lứa nào?
- Bố của con gái tôi vẫn ở nhà anh ấy và làm việc của anh ấy. Nhà tôi có công việc gì thì anh ấy sẽ có mặt... Nếu đủ cả ba người mà vẫn vui như hiện tại thì tốt nhất. Nhưng nếu 2 + 1 mà không yên ấm thì tốt nhất cứ là 2 và 1 thì hơn.
* Thời nay, những nữ nghệ sĩ giấu người đàn ông của mình trong... bóng đêm và nuôi con một mình không hiếm. Nhưng theo quan niệm phương Đông, điều đó vẫn chưa hẳn được nhiều người đồng tình, nhất là từ phía gia đình, người thân...
- Tất nhiên là vậy rồi, tôi còn trẻ lắm mà, còn chưa đi hết nửa cuộc đời. Tôi còn lạc quan và yêu đời, yêu người lắm!
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất