20/07/2014 08:57 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysia Airlines bị rơi ở Ukraine, có nguồn tin tình báo Mỹ nói rằng nó đã bị tên lửa bắn hạ. Tuy nhiên việc máy bay dân sự bị bắn nhầm không phải chuyện hiếm và bản thân nước Mỹ cũng từng gây ra một thảm kịch hàng không vì nhầm lẫn.
Thảm kịch diễn ra cách đây 26 năm, ít khi được thảo luận ở Mỹ hay dạy trong các trường học của nước này. Tuy nhiên vụ bắn rơi một chiếc Airbus A300 của Iran tại Vịnh Ba Tư vào ngày 3/7/1988 chắc chắn sẽ lại nhận được sự chú ý trong thời gian tới đây.
Bi kịch người Mỹ muốn quên
Sự kiện bi thảm này diễn ra vào thời điểm cuộc chiến Iran-Iraq đẫm máu đang đi dần tới hồi kết sau 8 năm xung đột, khiến hơn 1 triệu người ở cả hai bên thiệt mạng. Khi lãnh đạo Iraq là Saddam Hussein phát động cuộc chiến, Mỹ đã ủng hộ và bí mật viện trợ cho Iraq trong cuộc xung đột.
Mỹ còn điều các tàu chiến tới Vịnh Ba Tư để bảo vệ các tuyến đường mà tàu chở dầu hoạt động, vốn thường bị cả hai phe tấn công (cuộc chiến đó chứng kiến 520 vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu của nhiều nước). Tuy nhiên năm 1987, một chiếc máy bay Iraq mang theo tên lửa Exocet đã tấn công nhầm tàu chiến Mỹ USS Stark, vì tưởng nó là tàu chở dầu Iran. Vụ tấn công làm 37 thủy thủ đoàn người Mỹ thiệt mạng.
Sự kiện khiến Mỹ đã tăng cường phòng thủ quanh các tàu chiến của mình. Một ngày trước thảm kịch liên quan tới , Hải quân Mỹ đã cảnh báo khả năng bị máy bay quân sự của Iran tấn công. Ngày 3/7/1988, tàu USS Vincennes và USS Montgomery đang đuổi theo vài tàu pháo nhỏ của Iran, khi Vincennes phát hiện một máy bay lạ cất cánh từ sân bay Bandar Abbas.
Đó là chiếc Airbus A300 mang số hiệu IR655 của hãng Air Flight. Nó xuất phát từ thủ đô Tehran của Iran, với điểm dừng chân tạm thời là Bandar Abbas, trước khi đến điểm đáp cuối là Dubai, thành phố lớn thứ 2 ở Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Màn hình rađa của Vincennes thấy rằng chiếc máy bay lạ bay theo lộ trình quen thuộc của máy bay dân sự. Tuy nhiên do Bandar Abbas là sân bay hỗn hợp, được cả máy bay dân sự và quân sự của Iran sử dụng, nên cũng có khả năng nó là một chiếc chiến đấu cơ đang cố gắng đánh lừa tàu Mỹ.
2 phút sau khi thấy IR655 trên rađa, thuyền trưởng tàu Vincennes là William C. Rogers III đã bắt đầu phát đi các tín hiệu cảnh cáo, trên các dải sóng dân sự và quân sự. Vì một số lý do, tàu Vincennes tiếp tục nhận diện nhầm chiếc Airbus của Iran Air, lúc đó đang tăng độ cao, là máy bay chiến đấu F-14 và đang hạ độ cao để tấn công nó.
Lúc 10 giờ 24 phút, Rogers hạ lệnh cho Vincennes bắn 2 quả tên lửa về phía chiếc máy bay chở khách, sau khi tin rằng nó là máy bay chiến đấu của đối phương. Ít nhất một quả trong số đó đã đâm thẳng vào IR655. Chiếc máy bay nổ tung, biến thành một quả cầu lửa khổng lồ, lao thẳng xuống vùng nước ngoài khơi Vịnh Ba Tư. Toàn bộ 290 người trên khoang đều thiệt mạng.
Vết nhơ khó xóa
Dù các hộp đen của IR655 không được tìm thấy, dữ liệu ghi âm ghi lại từ Vincennes cho thấy IR655 đã gửi tín hiệu tới tàu Mỹ khẳng định nó là phương tiện bay dân sự. Tuy nhiên vì nhiều lý do, thủy thủ đoàn tàu Mỹ vẫn nhận diện nó là máy bay quân sự.
Sau sự kiện, Tổng thống Mỹ Ronald Regan đã gọi đây là “thảm kịch con người tồi tệ” và nói thêm “chúng tôi rất lấy làm tiếc trước bất kỳ mất mát sinh mạng nào”. Mỹ khẳng định vụ bắn hạ IR655 là “hiểu lầm” và Phó Tổng thống George H.W. Bush còn lên án các ý tưởng cho rằng Mỹ cố tình bắn máy bay Iran là “xúc phạm, đáng phẫn nộ”.
Ông Bush cũng nói rằng việc để một máy bay chở khách rời sân bay tiến vào một cuộc chiến đang diễn ra trên biển là trách nhiệm của phía Iran. "Họ để một máy bay dân sự đầy hành khách tiến về phía một tàu chiến đang tham chiến” – Bush nói – “Đó là một hành vi thiếu trách nhiệm, một sai lầm nghiêm trọng”.
Về phần mình, Iran đã kiện Mỹ lên tòa án quốc tế. 8 năm sau thảm kịch, Mỹ đồng ý bồi thường Iran số tiền 61,8 triệu USD, tức 213.103 USD cho mỗi hành khách đi trên IR655. Số tiền này chỉ bằng 1/30 khoản bồi thường mà Mỹ lấy được từ Libya sau vụ đánh bom chiếc máy bay trên bầu trời Lockerbie, Scotland trong cùng năm đó.
Nhưng ngoài tuyên bố ban đầu của ông Reagan, Mỹ không bao giờ đưa ra lời xin lỗi, cũng như nhận trách nhiệm chính thức vì bắn hạ chiếc máy bay chở khách Iran. Chính quyền Iran tin rằng, Mỹ đã cố tình bắn hạ IR655, như một tín hiệu cho thấy nước này công khai đứng về phía Iraq trong cuộc chiến.
Tới ngày hôm nay, sự kiện IR655 vẫn ít khi được nhắc tới trong các hoạt động ngoại giao của Mỹ với Iran. Giới quan sát đánh giá sự kiện là một trong những lý do vì sao chính quyền Iran không bao giờ tin tưởng hoàn toàn nước Mỹ.
Tường Linh (Theo CS Monitor)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất