Thảm kịch từ đường dây buôn người: Hành trình sinh tử

29/10/2019 21:46 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ phát hiện thi thể 39 người di cư trong chiếc xe chở container đông lạnh ở gần London (Anh) vừa qua là một vụ việc đáng báo động, lặp lại nhiều thảm kịch về nhập cư bất hợp pháp trong những năm gần đây ở châu Âu, mặc dù nhiều nước đã áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn.

Nhìn từ vụ phát hiện 39 thi thể tại Anh: báo động đỏ về tình trạng buôn người trên thế giới

Nhìn từ vụ phát hiện 39 thi thể tại Anh: báo động đỏ về tình trạng buôn người trên thế giới

Những ngày qua, dư luận nước Anh nói riêng và châu Âu cũng như thế giới nói chung đã bị chấn động bởi thông tin cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể trong một xe container.

Hành trình nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu có thể coi là "hành trình sinh tử", nơi tính mạng của những người muốn "đổi đời" luôn bị đe dọa, nguy hiểm rình rập từ mọi phía. Kể cả đặt chân được tới châu Âu, số phận của những người nhập cư bất hợp pháp cũng hết sức mù mịt. Chùm bài "Thảm kịch từ những đường dây buôn người" của nhóm tác giả Linh Hương (phóng viên TTXVN tại Pháp) và Đình Thư (phóng viên TTXVN tại Anh) gồm 2 bài, cung cấp bức tranh tổng quan về vấn đề đang gây rúng động toàn thế giới này.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Anh phong toả container 

  Bài 1- Hành trình sinh tử

Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) từ năm 2016 ước tính rằng hơn 90% người di cư, trên hành trình đi tìm "miền đất hứa", đã ít nhất một lần sử dụng "dịch vụ" của những kẻ buôn người. Cảnh sát Pháp cho rằng 100% người nhập cư bất hợp pháp đều thông qua các mạng lưới buôn người, được tổ chức chặt chẽ và thay đổi liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu và đối phó với các biện pháp kiểm soát của cảnh sát.

Các con đường chính để vào châu Âu hiện nay không thay đổi nhiều so với trước kia. Số người nhập cư đến bằng đường hàng không vẫn rất ít. Đại đa số tiếp cận châu Âu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính. Tuyến đường trung tâm, nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy, hoạt động mạnh nhất vào năm 2016 và 2017. Nhưng vì hành trình dài và nguy hiểm, nên số người di cư qua ngả này ngày càng giảm, với khoảng 12.000 người trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuyến đường phía Tây, nối Maroc và Tây Ban Nha, được sử dụng nhiều hơn: trên 17.000 người đã đến Andalusia (An-đa-lu-xia, Tây Ban Nha) từ đầu năm. Tuyến đường phía Đông với Hy Lạp là điểm đến đầu tiên vẫn luôn đông đúc nhất, với con số 40.000 người di cư trong năm 2019. Ngoài ra có một số ngả đường khác, đi qua Nga hoặc Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp Bắc Âu và Scandinavia, thường được sử dụng để đưa những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Á vào Anh. Hồi đầu năm, tòa án Anh đã kết án 7 thành viên của một băng nhóm buôn người tổng cộng hơn 30 năm tù vì tội "âm mưu đưa các công dân nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh", trong đó có cả người Việt Nam.

Europol chỉ ra rằng những kẻ buôn người hoạt động mạnh ở trong cũng như bên ngoài châu Âu. Sau Hy Lạp, những người di cư mơ ước đặt chân đến Đức, Thụy Điển và Anh tìm mọi cách vào Liên minh châu Âu (EU) qua ngả Croatia hoặc Bulgaria. Họ nhanh chóng rơi vào tay những đường dây chuyên tổ chức các chuyến vượt biên trái phép đi sâu vào lục địa. Những mạng lưới này có nhiều hình thức hoạt động. Đó có thể chỉ là cá nhân nhận tiền để đưa người qua biên giới, cho đến các hệ thống quy mô lớn và được tổ chức chặt chẽ. Các đường dây lớn có thể huy động sự tham gia của khoảng 40.000 người, từ lái xe đến người môi giới làm giấy tờ giả hoặc những kẻ dẫn đường, phần lớn cắm chốt tại Đông Âu như Bulgaria, Hungary hoặc tại Iraq.

Thời gian gần đây, Hy Lạp trở thành trung tâm làm giấy tờ giả mạo tại châu Âu. Được trang bị những máy móc và dụng cụ tân tiến nhất, các nhóm tội phạm có thể cung cấp tất cả các loại giấy tờ như chứng minh thư, hộ chiếu, giấy phép cư trú, giấy chứng nhận kết hôn, giấy công nhận quan hệ cha con, hồ sơ bệnh án, giấy bảo lãnh nơi ở và giấy chứng nhận lương. Cảnh sát Pháp và Hy Lạp mới đây đã phát hiện 500 chứng minh thư và hộ chiếu làm giả như vậy.

Đặc biệt, các đường dây đưa người di cư sang Anh từ Calais (Ca-le, Pháp) và các cảng biển của Bỉ và Hà Lan thực sự là một vấn đề lớn, bởi Anh được xem là “miền đất hứa” đối với nhiều người ở các nước đang phát triển có hy vọng "đổi đời". Theo Chính phủ Anh, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng nước này đã ngăn chặn hơn 1.000 người nhập cư bất hợp pháp. Còn số người nhập cư bất hợp pháp "thành công" thì chưa rõ. Lần cuối cùng, Chính phủ Anh cố gắng ước tính số lượng người nhập cư bất hợp pháp ở nước này là năm 2005, với con số được báo cáo là 430.000 người, song theo nhiều nhà quan sát, số thực tế cao hơn rất nhiều.

Về phía Pháp, việc tăng cường kiểm soát trong năm 2018 đã giúp cảnh sát phát hiện hơn 33.000 người trốn trong các xe tải dọc bờ biển để tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh, tăng 13% so với năm 2017. Kết quả là những kẻ đứng đầu đường dây buôn người tìm kiếm các khu vực tiếp nhận người di cư ở xa hơn và khó bị phát hiện hơn. Theo cảnh sát Pháp, thủ đoạn của những kẻ buôn người ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Mạng lưới buôn người do các đối tượng người Albania cầm đầu thậm chí còn áp đặt luật lệ hà khắc tại một số trại người di cư và cắm chốt các địa điểm chuyển người di cư lên xe tải tại khắp miền Bắc nước Pháp. Trong khi đó, những tội phạm người Kurd tỏ ra nguy hiểm hơn cả, khi quyết tâm chiếm lấy "thị phần", đôi khi đánh bật đối thủ người Albania với các loại vũ khí như kiếm, súng lục và dao rựa trong bãi đậu xe ở phía Bắc và phía Đông nước Pháp.

Các mạng lưới buôn người châu Âu thường hợp tác chặt chẽ với những băng nhóm tội phạm tại các quốc gia khởi hành hoặc quá cảnh. Chúng sử dụng các tuyến đường tương tự như cho các hoạt động bất hợp pháp khác. Theo Liên hợp quốc, tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp đã trở thành hoạt động sinh lời nhất sau buôn bán ma túy. Europol ước tính buôn người tạo ra một "sản nghiệp" trị giá 3-6 tỷ euro/năm (3,3-6,7 tỷ USD/năm) trên lục địa.

Số tiền khổng lồ thu được từ việc đưa người qua biên giới bất hợp pháp thúc đẩy lòng tham của những kẻ tội phạm. Việc cảnh sát gia tăng kiểm soát dọc bờ biển Manche để ngăn chặn hoạt động nhập cư bất hợp pháp vào Anh khiến cho "công việc đưa người" này trở nên phức tạp hơn, và do đó đắt hơn: từ 2.000 đến 5.000 euro mỗi người. Với số lượng 20 người di cư mỗi đêm, những kẻ buôn người có thể kiếm tới 100.000 euro trong vòng 24 giờ. Trong các cuộc vây ráp những đối tượng buôn người tại Romania vào tháng 6 vừa qua, cảnh sát Pháp và Romania đã phát hiện trong một số ngôi nhà 500.000 euro tiền mặt. Đây có lẽ chỉ là một phần nhỏ lợi nhuận thu được từ việc đưa hơn 300 người trái phép từ Iran sang Anh, liên quan đến khoảng 60 lái xe người Romania.

Hoạt động tội phạm này cũng ngày càng tinh vi hơn. Một số mạng lưới thậm chí còn cung cấp dịch vụ VIP "từ cửa đến cửa", ví dụ từ Iraq đến Anh, với chỗ nằm thoải mái trong cabin xe tải và hệ thống thanh toán từ xa. Ở mỗi giai đoạn của cuộc hành trình, những kẻ buôn người gửi tin nhắn để thông báo rằng người di cư đã đi qua thành công và gia đình người đó có thể trả số tiền đã thỏa thuận. Theo Europol, toàn bộ hành trình có thể có giá từ 10.000 đến 20.000 euro (22.000-33.000 USD).

Tuy nhiên, hầu hết người di cư không thể đủ khả năng chi trả cho một dịch vụ "VIP" bất hợp pháp như vậy. Họ tìm đến các phương tiện và con đường rẻ hơn, đầy bất trắc và nguy hiểm đến tính mạng. Báo cáo thường niên năm 2018 của Europol nêu rõ, nhằm đối phó với việc cảnh sát biên giới siết chặt kiểm soát, những kẻ buôn người thường chọn nơi ẩn nấp cho người di cư trong xe tải chở hàng. Trong số 6.600 chuyến đi dọc theo tuyến đường Balkan (Ban-căng) được Europol ghi nhận năm 2018, khoảng 80% người di cư đã được vận chuyển bằng ô tô tải và container trong các khoang chứa bí mật "rủi ro cao".

Đơn cử như hành trình của những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh theo các đường dây buôn người. Tùy vào số tiền bỏ ra, những người này sẽ được đưa đi theo các con đường khác nhau. Những người ít tiền có thể sẽ phải mất một vài tháng, thậm chí là lâu hơn và phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nguy hiểm, luôn phải trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan quản lý các nước để di chuyển bằng đường bộ từ Nga, các nước Đông Âu qua Đức, đến Pháp hay Bỉ. Những người nhiều tiền có thể xin thị thực Schengen và bay thẳng đến Pháp, Đức hay Bỉ.

Dù đi bằng con đường nào thì cuối cùng những người muốn thực hiện “giấc mơ Anh” cũng phải trốn trên các con thuyền cao su nhỏ bé và mong manh hoặc trong các container để vượt qua eo biển Manche vào Anh bất hợp pháp. Trong vụ 39 nạn nhân thiệt mạng vừa qua, ông Richard Burnett (Ri-sác Bơ-nét), Giám đốc Hiệp hội Vận tải đường bộ Anh, cho biết nhiệt độ trong các container đông lạnh tương tự như chiếc vừa bị phát hiện có thể thấp ở mức âm 25 độ C. Các đối tượng buôn người sử dụng  loại container này nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng khi kiểm tra bằng máy tầm nhiệt, tầm khí CO2 hay chó nghiệp vụ.

Đây không phải thảm kịch đầu tiên của những người nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Tháng 6/2000, nhân viên hải quan cảng Dover (Đông Nam nước Anh) phát hiện 58 người chết ngạt trong một chiếc xe container được đăng ký tại Hà Lan và đã đi phà từ cảng Zeebrugge của Bỉ. Năm 2014, một người nhập cư Afghanistan được tìm thấy đã chết trong một container tại cảng Tilbury, Essex. Năm 2015, thi thể 2 người được tìm thấy trong một thùng gỗ ở Branston, Staffordshire. Năm 2016, một thanh niên nhập cư 18 tuổi đã bị cán chết khi đu bám dưới gầm xe tải ở Banbury, Oxfordshire. Cũng năm nay, ở Kent, một thi thể được phát hiện trên thùng một chiếc xe tải từ Pháp tới.

Tháng 8/2015, cảnh sát Áo đã phát hiện một chiếc xe tải đông lạnh bị bỏ bên cạnh đường cao tốc ở Parndorf, gần biên giới Hungary, trong đó có 71 thi thể người di cư.

Linh Hương - Đình Thư (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link