Thăm vùng văn hóa Kinh Môn

22/02/2018 16:30 GMT+7 | Du lịch

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về thăm Kinh Môn, vùng đất địa linh nhân kiệt của tỉnh Hải Dương, nơi có những danh thắng nổi tiếng, trong đó, tiêu biểu nhất là quần thể di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích An Phụ, động Kính Chủ và khu di chỉ khảo cổ Nhẫm Dương.

Dãy núi An Phụ nằm trong vòng cung Đông Triều, chạy từ Đông sang Tây, có đỉnh An Phụ cao 246 mét. Trên đỉnh núi có đền An Phụ, chùa Tường Vân và tượng anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Đền An Phụ, còn gọi là đền Cao, thờ An Sinh Vương Trần Liễu (1211-1251), anh của Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của nhà Trần và là thân phụ của anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vùng đất này chính là nơi Trần Liễu được ban ấp và phong làm An Sinh Vương. Ngày mất của Trần Liễu (1/4 Âm lịch) trở thành ngày hội hàng năm của đền Cao.

Chú thích ảnh

Liền bên đền Cao là chùa Tường Vân cổ kính, cũng còn gọi là chùa Cao, nằm dưới bóng những hàng cổ thụ yên tĩnh. Chùa thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chùa có giếng cổ hình bán nguyệt, dù trên cao nhưng nước luôn đầy và trong vắt. Phía Đông của chùa có Bàn Cờ Tiên: An Phụ có cái bàn cờ/ Trông xuống hạ giới mờ mờ xa xa.

Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt về phía xa để chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, sông suối uốn quanh, ruộng vườn trù phú, làng mạc đầm ấm.

Tượng đài Trần Hưng Đạo thấp hơn đền Cao khoảng 50 mét, ở bên cạnh đường lên đền. Tượng cao 13 mét, được dựng năm 1993 do đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt phiến đá đầu tiên. Hình ảnh Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn trên sườn núi cao, một tay để lên đốc kiếm, một tay cầm cuốn thư hướng về phía biên cương Đông Bắc là một hình tượng đẹp về người anh hùng dân tộc với những chiến thắng bảo vệ tổ quốc lẫy lừng. Khu vực tượng đài còn có phù điêu vằng đất nung, dài 45 mét, mô tả cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông của quân và dân Đại Việt.

Khác với khu đền Cao, động Kính Chủ, nằm trong dãy đá vôi Dương Nham, cách An Phụ không xa, là một kỳ quan thiên nhiên đặc sắc, được coi là "Đệ lục động" dưới trời Nam. Động nằm ở sườn phía nam của núi với ba cửa hang lớn, ăn sâu vào lòng núi với nhiều nhũ thạch kỳ thú. Người xưa đã dựng trong động chùa để thờ Phật. Từ hang chính ngược lên phía trên còn có miếu cô Tiên, xuống phía dưới có hang Ngũ Nước, hang Vang, hang Luồn...

Động Kính Chủ là nơi sinh thời, Phạm Sư Mạnh (1300-1377), một vị quan và học giả nổi tiếng thời Trần hay đến đọc sách. Vì thế bên trái động còn ghi dòng chữ "Ván Thạch Thư thất" (Nhà sách Vân Thạch). Điểm đặc sắc nhất ở động Kính Chủ là hơn 40 bài thơ của các nhà văn hoá các thời kỳ tạc trên vách đá. Trong đó, có bài thơ "Đề Kính Chủ động" của vua Lê Thánh Tông (1422-1497), người khởi xướng hội Tao Đàn, khi nhà vua xa giá nơi đây:

Ta leo lên núi Thạch Môn,
Động non cao ngất, tâm hồn thảnh thơi.
Chùa Phật hiện giữa động trời,
Vách non cao ngất, cây thời biếc xanh.
Chẳng phải quỷ thần đẽo thành,
Công phu khéo léo trời dành từ xưa.
Bốn phương tám hướng bao la,
Trời xanh bát ngát, non xa núi gần.
Cửa động không khép quanh năm,
Riêng tầng trời đẹp để dành riêng ta.
Tâm như vàng mới luyện mà,
Ta người bình đẳng như là chân non.
Sông xanh tựa mắt sa môn,
Đầu Phật tóc tốt, xanh um cây ngàn.
Khác nào vườn Thụ cõi tiên,
Như thành Xá Vệ giữa miền trời Tây.
Chim mỏi cánh đậu rừng cây,
Mây nhàn sà xuống nơi đây, vô tình.
Gió đông thổi, nắng nhạt dần.
Mấy điểm mây khói như gần như xa.
Tạm xong việc võ, nhởn nhơ,
Suốt đời say đắm, bây chừ tỉnh ra.

(Bản dịch của nhóm dịch giả Mai Xuân Hải- trong tập Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông-Nxb Văn Học-2003)

Chú thích ảnh
Tác giả (phải) dưới chân Tượng đài Trần Hưng Đạo

Khu vực Nhẫm Dương nổi tiếng với các hang động núi đá vôi rất đẹp, gắn với những di chỉ khảo cổ về sự có mặt của con người từ thời tiền sử. 26 hang động ở đây là những kiệt tác của thiên nhiên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở trong các hang động những di cốt hoá thạch của con người thời cổ, các công cụ lao động thời đồ đá có niên đại cách đây từ 3 đến 3,5 vạn năm.

Nhẫm Dương còn có một ngôi chùa cổ từ thời Trần, chốn tổ của thiền phái Tào Động. Chùa còn lưu giữ được hai tháp cổ, chứa xá lỵ của các vị tổ thiền sư của thiền phái này. Ngày mất của Thánh tổ Thủy Nguyệt là ngày lễ hội chùa hàng năm (từ mồng 5 -7 tháng Ba âm lịch), với nhiều nghi thức trang trọng và nhiều trò chơi, diễn xướng dân gian độc đáo, thu hút du khách gần xa.

Chú thích ảnh
Khu vực núi An Phụ, đền Cao và tượng đài Trần Hưng Đạo

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
Chùa Tường Vân

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh
Động Kính Chủ

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

Chú thích ảnh

 

Vãng cảnh chùa Nôm - Tuyệt phẩm kiến trúc Đồng bằng Bắc bộ

Vãng cảnh chùa Nôm - Tuyệt phẩm kiến trúc Đồng bằng Bắc bộ

Chúng tôi về thăm chùa Nôm ở xã Đại Đồng- Văn Lâm, Hưng Yên. Chùa có tên Nôm vì nằm ở làng Nôm. Tên tự của chùa là Linh Thông Cổ Tự, do từ xa xưa vốn nằm giữa một rừng thông cổ thụ. Chùa xây dựng vào năm 1680, được trùng tu vào thế kỷ 18. Chùa Nôm nổi tiếng với nhiều nét kiến trúc đặc sắc của văn hoá Việt và nhiều đồ thờ, di vật quý báu.

Bài và ảnh : Trần Mai Hưởng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link