17/10/2017 12:55 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Thống kê sơ bộ cho thấy đảng Nhân dân (OVP) với chủ trương hạn chế người nhập cư do ông Sebastian Kurz đứng đầu đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Áo ngày 15/10. Cuộc bầu cử tại đất nước 8,7 triệu dân này đã phác họa những đặc điểm mới trong cục diện chính trị châu Âu.
Chủ nghĩa dân túy chưa tàn lụi
Trong năm nay, kết quả cuộc bầu cử tại Pháp và Hà Lan dường như báo hiệu cái kết của làn sóng chủ nghĩa dân túy tại châu Âu.
Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tại Đức với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), theo đường lối dân túy phản đối người nhập cư và Hồi giáo, lần đầu tiên có ghế trong quốc hội nước này và kết quả từ cuộc bỏ phiếu tại Áo ngày 15/10, sự đánh giá đã có phần thay đổi.
Trong cuộc bầu cử tại Áo, đảng Nhân dân (OVP) giành được khoảng 31% số phiếu, đảng Dân chủ Xã hội (SPO) đứng ở vị trí thử hai với 27% cử tri ủng hộ, đảng Tự do (FPO) phản đối nhập cư đã quay trở lại chính phủ Áo sau 12 năm vắng mặt với 25,9% số phiếu.
Tờ Guardian (Anh) cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Áo, hai đảng cánh hữu cùng tăng được số ghế trong quốc hội mà không cần giành giật số phiếu của nhau.
Kết quả tại Áo cho thấy khủng hoảng người tị nạn năm 2015 đã để lại vết hằn lớn trong lòng các cử tri châu Âu, đặc biệt là những quốc gia “nằm ở giữa cơn bão”. Tuy số người xin tị nạn tại Áo đã giảm mạnh trong năm qua nhưng chủ đề người nhập cư vẫn chiếm lĩnh trong cuộc bầu cử tại nước này.
Chuyên gia chính trị Cas Mudde tại Đại học Georgia (Mỹ) nhận định: “Cuộc bầu cử tại Đức đã mang chủ nghĩa dân túy quay lại trung tâm tranh cãi và cuộc bầu cử tại Áo sẽ làm gia tăng điều này”.
Trung hữu và cực hữu hội tụ
Cuộc bầu cử tại Áo cho thấy ranh giới giữa đảng phái trung hữu và cực hữu tại châu Âu đang mờ dần.
Ông Kurz đang trở thành biểu tượng cho thay đổi này và sự thành công của chính khách 31 tuổi người Áo còn khích lệ những đảng trung hữu khác tại châu Âu học tập theo chiến thuật.
Trong thời gian vận động tranh cử, ông Kurz không đồng tình với “văn hóa đón chào” người tị nạn trong năm 2015. Ông Kurz đồng thời cho rằng những người nhập cư được cứu giúp tại Địa Trung Hải nên quay trở về châu Phi.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong tháng 3 đã đánh bại đối thủ là lãnh đạo cực hữu Geert Wilders sau khi đi theo hướng ủng hộ mạnh tay hơn với nhập cư.
Trong khi những đảng trung hữu chuyển hướng cứng rắn hơn với người nhập cư thì các đảng cực hữu như FPO tại Áo và Mặt trận Quốc gia Pháp đều hạ giọng hơn với châu Âu, giảm bớt đe dọa rút khỏi EU.
Tuy vẫn có khác biệt về chính sách kinh tế nhưng sự biến đổi đang khiến các đảng phái trung hữu và cực hữu tại một số quốc gia châu Âu tiến dần tới tình trạng không thể phân biệt.
Khó khăn cho bà Merkel và ông Macron
Liên minh giữa đảng OVP và FPO tại Áo sẽ biến Vienna trở thành đối tác rắn mặt đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi họ đang nỗ lực cải tổ Eurozone và chính sách nhập cư tại châu Âu.
Ông Kurz từng ca ngợi Thủ tướng Hungary Viktor Orban về việc xây dựng hàng rào dọc biên giới để ngăn chặn người nhập cư. Trong khi đó, lãnh đạo đảng FPO đề nghị Áo nên gia nhập khối Visegrad (gồm Hungary, Séc, Slovakia và Ba Lan) cùng hợp lực phản đối hạn ngạch nhập cư châu Âu mà Đức đề xuất.
Luồng gió tuổi trẻ
Ông Kurz nhiều khả năng sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất ở châu Âu khi mới 31 tuổi. Những cái tên khác cũng thuộc làn sóng này tại “Lục địa già” là ông Macron (39 tuổi) và chủ tịch đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP) Christian Lindner (38 tuổi).
Reuters đánh giá cả ông Kurz và Lindner đều cho thấy những gương mặt trẻ có thể tăng cường động lực cho các đảng lâu đời đã mất tín nhiệm với cử tri.
Ông Kurz đổi tên OVP thành đảng Nhân dân Mới đồng thời đổi màu đại diện đảng từ đen sang ngọc lam. Về phần ông Lindner, chính khách 38 tuổi này sử dụng poster vận động tranh cử màu đen và trắng đang là xu hướng với hình ảnh ông nhìn vào điện thoại thông minh, đây được coi là biện pháp để làm mới hình ảnh của FDP.
Tổng thống Pháp Macron đã tự lập ra đảng phái chính trị và chứng tỏ được bản thân là một người khác biệt mặc dù từng phục vụ 4 năm dưới thời chính quyền đảng cánh tả của ông Francois Hollande.
Tại Italy, nơi sẽ diễn ra cuộc bầu cử vào năm 2018, trong các ứng cử viên cũng xuất hiện những nhân vật trẻ tuổi như ông Luigi Di Maio (31 tuổi) của Phong trào 5 Sao và cựu Thủ tướng Matteo Renzi (42 tuổi).
Theo Hà Linh - Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất