17/10/2011 10:39 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày hôm nay (17/10), cuộc biểu tình Chiếm phố Wall ở Mỹ đã diễn ra tròn một tháng. Nhưng sức mạnh của nó vẫn không hề suy giảm mà còn phát triển mạnh hơn, với việc làn sóng biểu tình đã vượt biên giới Mỹ lan ra toàn cầu.
Phố Wall nằm cách Melbourne hơn 10.000km, song điều này không ngăn cản được Alex Gard, một thanh nhiên Australia mới 24 tuổi muốn thể hiện sự cảm thông với sự phẫn nộ của người biểu tình Mỹ.
Vượt biên giới Mỹ
"Thật tuyệt vời khi có những cá nhân dám đứng lên chống lại một bộ phận thiểu số người dù được hưởng đặc quyền nhưng vẫn muốn đè đầu cưỡi cổ tất cả những người khác" - Gard thổ lộ - "Tôi muốn cùng đứng lên với người biểu tình Mỹ và tuyên bố: thế là quá đủ rồi".
Gard là thành viên ban tổ chức phong chào "Chiếm Melbourne", một nhóm biểu tình thành lập trên mạng Facebook giờ có hơn 2.000 thành viên và họ muốn biểu tình kéo dài ở quảng trường thành phố trong nhiều tuần tới. Trên khắp Australia, với các tổ chức biểu tình tương tự như "Chiếm Brisbane", "Chiếm Perth" và "Chiếm Sydney" cũng ra đời. "Chúng tôi được truyền cảm hứng bởi những gì đang diễn ra ở Phố Wall và đã giữ một số liên lạc với nhau. Nhưng các phong trào này hoàn toàn không được tổ chức theo một cách thức tập trung nào" - Gard giải thích về tính tự phát của hoạt động biểu tình.
Làn sóng biểu tình Chiếm phố Wall lan mạnh ra toàn cầu có sự giúp sức không nhỏ
của các trang mạng Internet như Facebook
Gard và các phiên bản Australia của phong trào "Chiếm phố Wall" không phải là những ngoại lệ duy nhất. Trên Facebook đã xuất hiện những lời kêu gọi tổ chức biểu tình toàn cầu ở hàng loạt thành phố trên 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trải dài từ Hong Kong qua Buenos Aires (Argentina) sang Dublin (Ireland) và tới Madrid (Tây Ban Nha).
Một số trang mạng hô hào biểu tình kiểu này chỉ có vài chục người tham gia, song số khác lại lên tới cả ngàn người.
Tây Ban Nha và Italia, những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính và vấn đề nợ của Liên minh Châu Âu, có đông người biểu tình tham gia mạng Facebook nhất, với các con số lần lượt là hơn 42.000 và hơn 20.000.
Biểu tình "Chiếm phố Wall" bắt đầu từ ngày 17/9 và giờ đã lan ra nhiều thành phố dọc trên đất Mỹ. Người biểu tình cũng lấy cảm hứng từ làn sóng biểu tình tại thế giới Arab và xuống đường để chống lại tình trạng bất bình đẳng về phân chia các lợi ích kinh tế với nhóm 1% những người giàu có nhất trong xã hội. Khẩu hiệu của họ, "Chúng tôi là bộ phận 99%", giờ cũng được người biểu tình toàn cầu sử dụng.
Chia sẻ sự phẫn nộ
Câu hỏi đặt ra là vì sao biểu tình Chiếm phố Wall lan ra toàn cầu. Gard nói rằng trong khi nền kinh tế Australia tăng trưởng vấn khá tốt trong cuộc suy thoái tài chính, nhiều người dân cảm thấy rằng họ không được hưởng các lợi ích kinh tế tương xứng với đóng góp của mình.
"Nhìn mà xem, Australia không phải là nơi lâm vào cảnh tồi tệ nhất trên thế giới. Nhưng chúng tôi đang chứng kiến việc các ngân hàng thu lợi nhuận kỷ lục, giá thuê nhà tăng điên loạn còn giá mua bán nhà thì chỉ có tăng và tăng. Thổ dân đang bị đuổi khỏi mảnh đất cha ông của họ để phục vụ cho các công ty khai khoáng. Mọi thứ đều đã lên tới đỉnh điểm của giới hạn" - anh nhận xét.
Sau khi đi vòng quanh thế giới, làn sóng biểu tình tiếp tục quay trở lại mạnh hơn trên đất Mỹ
"Các ông chủ nhà băng đã vượt qua khó khăn mà chẳng chịu lấy một vết xước còn những người dân của đất nước này đang bị trừng phạt vì một cuộc khủng hoảng mà họ không tạo ra" - nhóm biểu tình "Chiếm Sàn giao dịch chứng khoán London" tuyên bố. Nhóm này hiện đã có hơn 6.000 thành viên và họ có kế hoạch tổ chức biểu tình ở quảng trường Paternoster tới ngày 12/12 năm nay.
"Các đặc điểm mà chúng tôi có chung với người biểu tình Mỹ là cùng thuộc về bộ phận 99%, cùng muốn đặt con người lên trên lợi nhuận kinh doanh, muốn tiếng nói của chúng tôi chống lại sự tham lam và tham nhũng vì một xã hội công bằng và dân chủ phải có người nghe" - nhà tổ chức James Alexander Fancourt cho tờ Telegraph biết - "Và một điều giống nhau nữa là chúng tôi đều biểu tình theo cách thức hoà bình và phi bạo lực".
Điều này thực tế không đúng lắm ở Rome, Italia. Những người biểu tình đeo mặt nạ và có vũ trang thuộc nhóm "Khối đen" đã châm lửa đốt cháy nhiều xe hơi, tấn công các ngân hàng và ném gạch đá vào cảnh sát, gây hỗn loạn trong ngày 15/10. Tình trạng hỗn loạn khiến tờ La Stampa phải thốt lên ngán ngẩm: "Ngày hôm qua, một lần nữa chúng ta đã cho thế giới thấy sự dị thường của Italia, để hôm nay chúng ta phải xấu hổ". Thị trưởng Rome, ông Gianni Alemanno, thì nói rằng thủ đô Italia giờ sẽ hứng chịu những "tổn thất về mặt đạo đức" do vụ bạo loạn gây ra.
Nhưng ngoài vụ bạo loạn ở Italia, người biểu tình châu Âu nhìn chung ưa chuộng hình thức đấu tranh hoà bình và họ tham gia tuần hành khá đông. Đơn cử như ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha đã có tới 20.000 người biểu tình, Đức có khoảng 5.000 người kéo tới Berlin, Hy Lạp có khoảng 4.000 người còn tại Paris là 1.000 người.
Biểu tình lan rộng nhưng gắn bó mật thiết
Các hãng tin phương Tây nói rằng sóng biểu tình Chiếm phố Wall cũng lan tới khu vực châu Á, nhưng chỉ hơi gợn lên chứ không mạnh mẽ như người ta tưởng. Ở Singapore, chẳng có gì diễn ra sau khi có một lời kêu gọi tụ tập biểu tình ở khu vực Raffles Place. Tờ Sunday Times ủng hộ chính phủ đã đắc thắng đăng một tấm ảnh mô tả cảnh 3 viên cảnh sát nhàn rỗi tuần tra Raffles Place gần như không có người qua lại và đặt đấu hỏi: "Có gì thiếu trong bức tranh này?".
Chỉ một nhóm nhỏ người biểu tình tụ họp ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. "Chống chủ nghĩa tư bản không phải là mục đích của tôi, nhưng chống sự độc đoán thì rõ là điều tôi theo đuổi. Với tư cách công dân... chúng tôi tới đây đấu tranh vì quyền của mình" - Wong Chin Huat, một người biểu tình 38 tuổi nói. Tại Tokyo, nhiều người khác cũng xuống đường biểu tình, nhưng là để phàn nàn về việc... rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện Fukushima.
Giới phân tích chỉ ra rằng người biểu tình châu Á không thể thấu hiểu được những vấn đề mà cư dân Bắc Mỹ và châu Âu phải chịu đựng. Điều này xuất phát từ thực tế là châu Á vẫn đang bùng nổ kinh tế và phần lớn các nước châu Á hiện không phải chịu các gánh nặng nợ nần đang khiến Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, phải đương đầu.
Tuy nhiên việc vẫn có người biểu tình châu Á hưởng ứng làn sóng “Chiếm phố Wall” cũng cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của cuộc biểu tình, vốn được phát tán mạnh nhờ truyền thông và Internet.
"Hoạt động biểu tình dù diễn ra lan rộng nhưng vẫn gắn bó mật thiết. Có việc liên lạc giữa người biểu tình thế giới qua mạng Twitter, Facebook và qua những người bạn quan tâm tới nhau" - Jesse LaGreca, một lãnh đạo của phong trào Chiếm phố Wall đã nhận xét về quá trình toàn cầu hoá của nó - "Nhưng chính bản chất của phong trào đã gắn kết các cuộc biểu tình với nhau và đó là điều người ta không thể chối bỏ".
Tường Linh (Theo Reuters)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất