Tìm HLV Nhật Bản cho ĐT Việt Nam: Không hề là nghịch lý!

31/03/2014 09:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều ý kiến được nêu lên sau khi tân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định muốn mời HLV Nhật Bản cho ĐT Việt Nam. Ý kiến ủng hộ có, ý kiến phản đối cũng có, và rất nhiều trong số đó là sự băn khoăn, bởi Nhật Bản dù đang là nền bóng đá số một châu lục, nhưng có rất ít HLV người Nhật Bản gặt hái thành công với các ĐTQG châu Á, và ngay cả ĐT Nhật Bản nhiều năm nay cũng không sử dụng HLV người bản địa.

Lần gần nhất một HLV người bản địa dẫn dắt ĐT Nhật Bản là Takeshi Okada, khi ông trở lại ĐT Nhật Bản vào tháng 12/2007 thay thế HLV Ivica Osim sau khi ông này bị đột quỵ. Trước đó, HLV Okada từng dẫn dắt ĐT Nhật Bản trong giai đoạn 1997-1998.

Sau khi kết thúc World Cup 2010, HLV Okada chia tay ĐT Nhật Bản và vị trí HLV trưởng đội bóng xứ sở mặt trời mọc thuộc về HLV Alberto Zaccheroni từ đó cho tới giờ. Tuy làm việc ở ĐT Nhật Bản trong thời gian không dài, nhưng HLV Okada vẫn được đánh giá cao, bởi dưới sự dẫn dắt của ông, ĐT Nhật Bản đã thể hiện lối chơi rất kỹ thuật, mềm mại nhưng không kém phần hiệu quả.

Cũng nhờ thành tích đưa ĐT Nhật Bản giành được vị trí thứ 9 tại World Cup 2010, nên HLV Okada đã được CLB Hangzhou Greentown mời sang dẫn dắt ở Chinese Super League từ cuối năm 2011, nhưng sau hơn 2 năm làm việc ở đây, HLV Okada đã rời vị trí vào cuối năm 2013.

Từ trường hợp của HLV Okada có thể thấy không phải là LĐBĐ Nhật Bản không có niềm tin vào HLV bản địa và cũng không phải các HLV Nhật Bản không đủ năng lực dẫn dắt ĐTQG, mà vấn đề ở đây có lẽ chỉ là vì LĐBĐ Nhật Bản muốn nâng tầm chất lượng ĐTQG, và nếu thế thì việc mời một HLV đến từ nền bóng đá phát triển hơn là yêu cầu bắt buộc.

Từ nhiều năm nay, việc các ĐTQG châu Á luôn được đặt dưới sự dẫn dắt của những ông thầy ngoại quốc, chủ yếu đến từ châu Âu, là điều đã trở nên quá quen thuộc. Nếu chỉ giới hạn mục tiêu ở sân chơi châu lục thì những đội bóng như Nhật Bản hay Hàn Quốc chỉ cần sử dụng HLV bản địa cũng làm được việc này, nhưng nếu muốn vươn ra tầm thế giới thì Nhật Bản, Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc lựa chọn HLV ngoại.

Thực tế là thành tích nổi bật nhất của các ĐT châu Á tại những kỳ World Cup gần đây như ĐT Hàn Quốc với vị trí hạng 4 ở World Cup 2002, hay việc ĐT Australia suýt gây bất ngờ trước ĐT Italia ở vòng 1/8 World Cup 2006 đều gắn liền với vai trò của HLV Guus Hiddink, nhà cầm quân kỳ cựu người Hà Lan.

Không chỉ bóng đá châu Á, các ĐTQG châu Phi cũng thường xuyên phải mời HLV ngoại tới từ châu Âu, dù rằng bóng đá châu lục đen đã sản sinh ra không ít ngôi sao tầm cỡ thế giới, điều mà đến nay bóng đá châu Á vẫn chưa thể làm được.

Như vậy, có thể thấy rằng việc những đội bóng hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc vẫn phải sử dụng HLV ngoại chủ yếu là bởi họ muốn khẳng định vị trí và tên tuổi của mình ở bình diện thế giới, và chất xám của các HLV ngoại quốc được xem là yếu tố cần thiết để cầu thủ châu Á nâng cao trình độ tư duy chiến thuật, bởi nếu xét về thể lực và sức vóc bây giờ thì cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc đều không thua kém là mấy so với các đồng nghiệp châu Âu hay châu Mỹ.

Từ góc nhìn như vậy, sẽ không có gì là bất thường nếu như ĐT Việt Nam được đặt dưới sự dẫn dắt của một HLV Nhật Bản, bởi trong khi bóng đá Nhật Bản đã là số một châu Á từ nhiều năm nay thì bóng đá Việt Nam chưa bao giờ được xem là anh cả của khu vực trong hơn 20 năm qua, và giữa bóng đá Nhật Bản và bóng đá Việt Nam vẫn là một khoảng cách rất xa, mà bằng chứng là thất bại 0-7 của ĐT U19 Việt Nam trước ĐT U19 Nhật Bản ở giải tứ hùng Cúp Nutifood hồi đầu năm nay.

Vì thế, nếu một ĐTQG chưa phải là số một Đông Nam Á được dẫn dắt bởi một HLV đến từ nền bóng đá số một châu Á thì có gì là nghịch lý?!

Mai An
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link