Chuyện Vũ Công Lập: Bóng đá Đức đang ở đoạn mở đường

22/05/2013 08:46 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Premiere League là giải vô địch quốc gia hấp dẫn và mạnh mẽ nhất trong những năm gần đây. Tây Ban Nha nổi lên như một nền bóng đá mang tính thống trị. Nhưng, năm nay vào chung kết Champions League lại là 2 đội bóng Đức. Vì sao?

Chúng ta vừa chia tay HLV Fergusson và Beckham, những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử bóng đá thế giới, đã làm được những kỳ công mà cả trước lẫn sau họ khó ai có thể làm nổi. Đó chính là sản phẩm của một nền bóng đá thượng thặng.

Trong 5-6 năm trở lại đây, Tây Ban Nha thống trị cả ở cấp độ CLB lẫn ở bình diện đội tuyển quốc gia. Họ mang lại cho bóng đá một bản sắc mới, với những trận đấu, những đường bóng, những bàn thắng nhiều khi trở thành mê hoặc. Trong các cuộc bình chọn cầu thủ xuất sắc nhất hàng năm của FIFA, các cầu thủ chơi ở La Liga luôn chiếm hết những vị trí dẫn đầu.

Nhưng, năm nay vào chung kết Champions League lại là 2 đội bóng Đức. Vì sao?


Premier League và La Liga đều hùng mạnh, nhưng vào chung kết Champions League năm nay lại là hai đại biểu Bundesliga

Không phải là ngẫu nhiên, vì Dortmund đã thắng cả nhà vô địch Anh và Tây Ban Nha, cũng như nhà vô địch Hà Lan và Ukraina. Còn Bayern thì 4 năm tới 3 lần có mặt trong trận chung kết. Họ vượt qua Juventus và Barcelona với 4 trận toàn thắng, ghi 11 bàn mà không bị thủng lưới lần nào. Nhất là cái cách Bayern vượt qua Barca, cái cách đã khiến tất cả phải ngạc nhiên đến bàng hoàng. Không phải ngẫu nhiên, nhưng cũng không phải là tất định, vì sang năm mọi sự lại bắt đầu từ đầu và có thể kết thúc sẽ khác.

Người lạc quan thì bảo: "Năm nay cúp danh giá nhất của CLB thuộc về bóng đá Đức". Phía ngược lại thì bảo: "Trận chung kết này chắc chắn một đội Đức sẽ bị thua". Cả hai đều đúng! Và đúng là Đức đã trở thành ngang hàng với các cường quốc bóng đá khác. Họ đã vượt qua giai đoạn tìm tòi và đào tạo, bây giờ họ bắt đầu con đường đỉnh cao. Chỉ mới bắt đầu thôi. Con đường còn rất dài, lúc nào cũng đầy thử thách.


Thomas Mueller là một trong những người di chuyển nhiều nhất ở Champions League mùa này

Chúng ta nói đến hơn 10 năm Đức lấy đào tạo trẻ làm nền tảng phát triển. Chúng ta nói đến phương châm xây dựng các CLB Đức, có gốc rễ sâu xa trong xã hội, có nền tài chính ổn định, có cấu trúc vững chắc... Có rất nhiều yếu tố được nhắc đến. Và đều đúng Trên tạp chí Spiegel (Tấm gương), nhà báo Dirk Kubjuweit có viết một bài đoản văn rất xúc tích mang tên "Nước Cộng hòa Bóng đá Đức". Ông nói rằng, trận chung kết tới đây là một lịch sử, mà cũng là một bài học. Có 3 bài học lớn, về giáo dục, về kinh tế và về xã hội. Bài học lớn nhất chính là bài học về giáo dục, cái bài học mà bóng đá Đức đã làm nhanh hơn và tốt hơn cả xã hội Đức. Vì giáo dục làm ra con người, nhân tố quyết định.

Sự cơ động của cầu thủ Đức

(Quảng đường di chuyển sau 10 trận ở Champions League)

Marcel Schmelzer          134.334 m
Marco Reus                  131.578 m
Thomas Mueller            126.983 m
Lukasz Piszcek             125.782 m
Robert Lewandovski     123.079 m

Mueller chơi ít hơn Schmelzer 125 phút. Cho nên, nếu chia ra thì Mueller là người chạy khỏe nhất: 133,17 m trong 1 phút. Nhưng Grosskreuz chỉ chơi 561 phút mà chạy 80.207 m, tức là đạt kỷ lục 143 m/phút. Bạn hãy thử hình dung xem. Đây là 5 cầu thủ hàng đầu của tất cả các đội ở Champions League mùa này.

D. Kubjuweit tỏ ý khâm phục vì bóng đá Đức đã đào ra cả một thế hệ cầu thủ trẻ trung với những đặc tính mới. Không chỉ là sắt thép hay khỏe mạnh, gây nên nỗi sợ hãi kiểu những chiếc xe tăng, mà là những tài năng có lòng say mê, có kỹ thuật và có chiến thuật, đủ sức  tạo ra sự hào hứng và hấp dẫn. Đôi chân bóng đá Đức không còn thô kệch mà cũng đã rất dịu dàng. Và ông nhớ tới chuyện các ông thầy Đức đã đi học hỏi ở Pháp hay ở Hà Lan, chuyện DFB bắt buộc các CLB phải có các Trung tâm bóng đá trẻ... Cuối cùng, Kubjuweit kết luận: "Thắng lợi trên sân Wembley sẽ là thành tựu quốc tế đầu tiên của những người đàn ông kiểu mới trên đất Đức". Đây là thời gian của những tư duy tập thể.

Kubjuweit nhấn mạnh, dù có những cầu thủ tài năng, nhưng bóng đá hiện đại trước hết dựa vào một tập thể của những cầu thủ, "mà mỗi cá nhân trong họ cần phải biết cách làm tất cả, phòng ngự, tấn công, kiểm soát bóng, mở các hướng đột phá". Mỗi người là một trạm trung chuyển trong các miếng phối hợp, và do vậy chẳng còn cần một cá nhân nào biết tất cả, thống trị tất cả. Không chỉ trong bóng đá, ngay cả trong xã hội hiện đại Đức ngày nay cũng như vậy. Ấy là chưa kể, Kubjuwai nhấn mạnh thêm, ngay cả Michael Ballack cũng đã thua nhiều trận chung kết lớn đấy thôi? Con đường đi lên như vậy, phát triển như vậy là một tất yếu trong xã hội.

Cầu thủ hàng đầu thế giới Lionel Messi là một tài năng vĩ đại, nhưng anh cũng không đối xử với các cầu thủ khác ở Barca theo kiểu "thống trị". Anh là một mắt xích, quan trọng nhất, trong cả hệ thống. Anh không đứng ngoài hay đứng trên hệ thống. Rồi chính Messi phi thường ấy đã bó tay trong thế trận của Bayern, một thế trận dựa trên tư duy tập thể, hành động tập thể.

Quay trở về những con số. Cả Dortmund và Bayern đều dựa vào lối đá lấy cơ động làm chính. Cơ động để pressing và phản pressing, cơ động để thực hiện khẩu hiệu: Tất cả phòng ngự, phòng ngự từ tuyến tấn công, cơ động để nhanh chóng chuyển thế trận từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại. Muốn vậy, phải chạy rất khỏe, và xử lý tốt chiến thuật, kỹ thuật trong từng bước chạy ấy. Điều đó lại dựa vào kết quả của công tác đào tạo trẻ, điều ấy dựa vào những cá nhân đủ khả năng trong một tập thể hài hòa trong cách nghĩ và trong cách chơi.

Vũ Công Lập

Đón đọc "Chuyện Vũ Công Lập: Bayern hay Dortmund" trên Thethaovanhoa.vn vào lúc 08h00 sáng mai, thứ Năm ngày 23/5/2013.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link