25/05/2017 07:22 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, Bộ sẽ triển khai thí điểm không để giáo viên là công chức, viên chức. Thay vào đó, Bộ sẽ áp dụng chế độ hợp đồng "có ra- có vào" với chế độ đãi ngộ lớn.
Từ đó, các giáo viên cũng sẽ chấp nhận cuộc chơi chung của thị trường lao động. Giáo viên tốt sẽ được nhiều trường săn đón. Giáo viên chuyên môn không cao sẽ bị thị trường đào thải.
Dù chưa triển khai ngay mà sẽ tiến hành có lộ trình, thông tin từ phía Bộ GD&ĐT lập tức nhận được nhiều sự phản hồi từ dư luận. Bởi, nó trực tiếp tác động tới đời sống của rất nhiều giáo viên và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục quốc gia.
***
Tôi muốn điểm lại một số câu chuyện cũ của ngành giáo dục trong gần một năm qua.
Cuối năm 2016, hơn 600 nhân viên, giáo viên tại huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã bị huyện đồng loạt cắt hợp đồng lao động. Nhiều thầy cô, đặc biệt là người có tuổi sững sờ khi hay tin mình phải nghỉ việc ngay đầu năm học mới. Cảm giác chung, họ thấy mình bị bạc đãi sau nhiều năm công tác.
Đầu năm 2017, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thừa 500 giáo viên sau 2 đời chủ tịch huyện ký tuyển dụng. Tình hình trớ trêu đến nỗi, trường đã phải xếp có những lớp có 5 em học sinh để... các thầy cô có học sinh để dạy!
Rồi gần nhất, vụ cô hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) liên quan tới tai nạn gây gãy chân một học sinh khiến nhiều người bức xúc. Họ bức xúc, trước số liệu được công bố trước truyền thông rằng 100% giáo viên, cán bộ và học sinh trường xác nhận không có vụ tai nạn. Sau này, khi dũng cảm tố cáo những "uốn éo" trong việc khảo sát, có giáo viên cho biết rằng có những người trong trường đã phải lúng túng khi lựa chọn giữa việc bảo vệ sự thật và... kế sinh nhai.
Tất cả những câu chuyện ấy đều ít nhiều liên quan tới câu hỏi: Thước đo nào dành cho chất lượng giáo viên? Ai là người có quyền đánh giá về chất lượng của đội ngũ "trồng người"? Liệu giải pháp trên có tăng quyền lực cho những người trực tiếp "cầm cân nảy mực ?
***
Những nỗi lo ấy không phải không có lý. Nhưng, không có nghĩa là vì vậy, chúng ta tiếp tục cổ súy cho việc "công chức hóa" giáo viên. Bởi thực tế, hàng chục năm qua, chúng ta đã áp dụng chế độ biên chế, công chức, viên chức với ngành giáo dục nhưng hàng loạt bất cập vẫn tồn tại – nếu không nói những câu chuyện buồn về nhân sự giáo dục xuất hiện ngày một nhiều.
Và, khi làm đi làm lại một điều gì đó mà kết quả không thay đổi, chúng ta phải thay đổi cách làm. Rõ ràng, điều giáo dục cần không phải là các cán bộ biên chế rất... khó sa thải. Giáo dục cần hơn nữa đội ngũ giáo viên có chất lượng, được chắt lọc bởi sự khốc liệt của thị trường lao động. Giáo dục cần những con người năng động, thích ứng để truyền cảm hứng cho học sinh chứ không cần những cỗ máy giảng bài với "công việc ổn định". Giáo dục cần xây thành từ nền tảng của những giáo viên tự tin với thị trường chứ không phải những con người "sợ đủ thứ".
Bởi thế, bên cạnh thí điểm được đề xuất, ngành giáo dục cũng phải thực hiện giải pháp song song để tránh những trường hợp oái oăm liên quan tới nhân sự: tạo hệ thống giám sát quyền lực tới những người có quyền đưa ra quyết định. Những "mắt xích" liên quan tới sự giám sát ấy có thể đến từ học sinh, giáo viên, phụ huynh, từ các cơ quan ngôn luận. Và tất nhiên, của chính ngành giáo dục.
Mà thực tế, minh bạch thông tin và sòng phẳng trong các thang đo liên quan tới sa thải - tuyển dụng là điều ngành giáo dục không chỉ cần ở việc chấm dứt "công chức hóa"giáo viên sắp tới. Điều đó cần ngay với việc lựa chọn đội ngũ giáo viên của ngày hôm nay.
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất