19/07/2020 08:08 GMT+7 | Giải trí
(Thethaovanhoa.vn) - Sau một chặng đường dài thành công, người ta thường thích nhìn lại những ngày đầu. Đó có thể là những vấp váp ngây ngô thuở sơ khai, nhưng đôi khi, lại là dấu ấn không phai suốt chiều dài lịch sử. Refrain của Lys Assia, ca khúc đầu tiên thắng giải Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu (Eurovision), nằm trong trường hợp thứ hai.
Lys Assia năm đó 32 tuổi, đang ở độ chín muồi cả về tài năng và nhan sắc, đã giành trọn trái tim của Ban giám khảo Eurovision 1956. Nhưng nếu chỉ dừng lại trên đỉnh vinh quang thì đã không có câu chuyện lịch sử được kể mãi về bà.
Tranh cãi về hệ thống chấm điểm
Trong một buổi họp tại Monaco năm 1955, các thành viên của Liên đoàn Phát thanh châu Âu đã thảo luận về ý tưởng tổ chức một cuộc thi âm nhạc toàn châu Âu, lấy cảm hứng từ Liên hoan Âm nhạc Sanremo của Italy. Từ buổi họp đó, Eurovision đã ra đời. Họ cũng quyết định sẽ tổ chức năm đầu, 1956, tại Lugano, khu vực nói tiếng Italy lớn nhất ngoài Italy, nằm ở phía Nam Thụy Sĩ.
Trong năm đầu này, có 14 quốc gia tham gia. Chương trình có thời lượng khoảng 1giờ 40 phút, chủ yếu phục vụ cho phát thanh. Chỉ các nghệ sĩ solo mới được phép tham gia với 2 ca khúc (điều sau này bị bỏ) và mỗi ca khúc dài không quá 3 phút rưỡi. Đi kèm với họ là dàn nhạc gồm 24 nhạc công do Fernando Paggi chỉ huy, cùng với 4 chỉ huy khách mời.
Gây tranh cãi nhiều nhất là phần bỏ phiếu. Mỗi quốc gia tham gia được chỉ định 2 thành viên bỏ phiếu, ngoại trừ Luxembourg năm đó không thể cử người qua. Liên đoàn tổ chức bỏ phiếu bí mật với hệ thống cho phép các giám khảo bỏ phiếu cho cả 2 ca khúc đại diện cho nước mình, cũng như cho phép Thụy Sĩ bỏ phiếu hộ Luxembourg. Những quy định này được cho là dẫn tới chiến thắng của Thụy Sĩ năm đó. Hệ thống này sau đó không bao giờ bị lặp lại. Từ năm sau, các quốc gia không được bỏ phiếu cho chính mình và kết quả được công khai.
Về sau, nhiều người nỗ lực dựng lại bảng điểm năm đầu bằng cách phỏng vấn các giám khảo nhưng từ đó tới nay, sau hơn 60 năm, vẫn chưa có kết quả xác đáng. Tuy vậy, một ngày sau cuộc thi, ngày 25/5/1956, tờ La Stampa của Italy đăng bài cho biết mỗi giám khảo chấm điểm cho các ca khúc theo thang từ 1 tới 10, nghĩa là mỗi ca khúc có thể đạt tối đa 120 tới 140 điểm, tùy thuộc vào việc giám khảo đó có bầu chọn cho 2 ca khúc của nước mình không. Ca khúc thắng cuộc năm đó, Refrain, đạt tổng cộng 102 điểm, tức trung bình khoảng 7,3 điểm trong trường hợp đã được giám khảo Thụy Sĩ bỏ phiếu.
Nhưng dù không biết điểm số, có một cách chính xác hơn để thuyết phục khán giả: Nghe lại màn biểu diễn ca khúc Refrain của Assia. Quả là may mắn trong lịch sử bởi cuộc thi khi đó dù được chiếu và ghi lại cho truyền hình ở một số nước châu Âu (vì TV thời đó vẫn còn khá lạ lẫm) nhưng tới nay, không còn bản sao nào tồn tại, ngoại trừ phần biểu diễn lại của Lys Assia ở cuối cuộc thi.
Nhưng Refrain và Assia sẽ không thể trở thành huyền thoại của Eurovision nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở chiến thắng năm 1956.
“Đệ nhất Phu nhân” Eurovision
Lys tên thật là Rosa Mina Scharer, sinh năm 1924 tại Rupperswill, phía Bắc Thụy Sĩ. Bà khởi nghiệp năm 16 tuổi và là một vũ công. Khi đang hoạt động tại đoàn ballet Riva, bà lại được để ý tới bởi giọng ca trong vắt và nhờ đó, có được hợp đồng thu âm đầu tiên năm 18 tuổi. Bà chính thức tạo được danh tiếng trên thế giới với ca khúc năm 1950 O Mein Papa. Hình ảnh của bà cũng tỏa hào quang với gương mặt điện ảnh, chiếc váy đen thương hiệu và đi cùng luôn là chú chó nhỏ mang tên Cindy.
Thế nên, không ngạc nhiên khi bà được chọn là đại diện của Thụy Sĩ tại Eurovision đầu tiên. Tại cuộc thi năm đó, bà biểu diễn 2 ca khúc và thắng ở ca khúc thứ 2, Refrain.
Refrain, do Emile Gardaz viết lời và Geo Voumard viết nhạc, nó là bản tình ca buồn về mối tình tuổi đôi mươi nay đã tuột khỏi tầm tay, chỉ còn để lại những u sầu và tiếc nuối. Và Assia đã tái hiện được chính xác tinh thần của ca khúc: Giọng hát của bà tha thiết, man mác buồn, lãng đãng trôi và đẹp vô cùng, y như khi ta nhìn lại một quá khứ xa mờ đẹp đẽ.
Chiến thắng một cuộc thi toàn châu Âu là điều rất hoành tráng nhưng Assia không có ý định dừng lại: Bà đã trở lại cuộc thi 2 lần nữa. Nỗ lực năm 1957 không thành công dù bà mang tới y nguyên đội ngũ năm ngoái. Tới năm 1958, cùng với ca khúc Giorgio, bà về thứ 2, trên cả Volare của Domenico Modugno - ca khúc sau này sẽ làm thay đổi lịch sử biểu diễn Italy và giành giải Ca khúc của năm đầu tiên trong lịch sử Grammy.
Dù không lặp lại được lịch sử, Assia vẫn tiếp tục là người ủng hộ trung thành của Eurovision, là khách mời danh dự thường xuyên tại nhiều sự kiện, như ở Gothenburg năm 1985 khi Eurovision kỷ niệm 30 năm ra mắt, hay Congratulations năm 2005, kỷ niệm 50 năm Eurovision.
Năm 2003, bà gửi lời chào tới hàng triệu khán giả qua liên kết vệ tinh ở Cyprus, chúc các thí sinh gặp nhiều may mắn trong vòng chung kết ở Riga. Khi người dẫn chương trình Marie N. - đồng thời là người chiến thắng năm ngoái - hỏi rằng, bà cảm thấy thế nào về cuộc thi năm 1956, bà đã trả lời: “Nó rất vui - Tôi đã thắng!”.
Nhiều người hâm mộ đặc biệt nhớ tới màn biểu diễn ca khúc chiến thắng Refrain tại Euroclub năm 2009 ở Moskva với cảm giác thời gian đã bị bỏ quên từ khi bà chiến thắng. Điều này có thể hiểu được, bởi như bà từng nói: “Ca hát giúp tôi trở lại với niềm vui sống”.
Năm 2013, chỉ vài ngày trước Eurovision tổ chức tại Malmo, Assia phải nhập viện vì viêm phổi nặng. Không chỉ người hâm mộ Eurovision lo lắng cho bà, bản thân Assia cũng nghĩ mình không qua khỏi. Nhưng sau tất cả, bà đã bình phục và tức tốc tới Malmo.
Tại Stockholm, chỉ vài ngày trước khi thành phố tổ chức cuộc thi năm 2016, bà đã tham gia một sự kiện đặc biệt dành cho người hâm mộ và báo chí. Tại đây, bà chia sẻ những kỷ niệm quý giá bằng nhiều ngôn ngữ - bà nói trôi chảy được ít nhất 6 thứ tiếng - và chụp ảnh với tất cả những người hỏi bà. Ai tin nổi là trước đó ít tháng, bà bị thương nặng, phải khâu 18 mũi. Nhưng chỉ sau một đêm nằm viện, bà đã về nhà sau khi nói với bác sĩ: “Tôi không có thời gian cho việc này”.
Cũng năm 2016, khi châu Âu rơi vào khủng hoạng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, Assia viết trên Twitter: “Trong thời chiến, giữa khủng hoảng và bất an, Eurovision đã mang các quốc gia và con người lại gần nhau để chung vui, đừng bao giờ quên điều đó”.
Trong sự nghiệp ca hát thành công và bền vững của mình, Assia từng biểu diễn trước Nữ hoàng Elizabeth II, Vua Ai Cập Faruk và Đệ nhất phu nhân Argentina Eva Peron. Điều này, cùng với vai trò đại sứ của bà suốt chiều dài lịch sử Eurovision, khiến bà được nhiều người tôn là “Nữ hoàng Eurovision” còn bản thân cuộc thi gọi bà là “Đệ nhất Phu nhân”.
Trong những năm cuối đời, bà gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn. “Đời quá ngắn để tiêu phí cho những thứ không quan trọng” - bà nói với báo chí Đức. “Thật không may, người ta thường chỉ nhận ra điều đó khi nhìn lại. Đời tôi rất hạnh phúc. Chúng ta đừng bao giờ ghen tị với hạnh phúc của người khác”. Bà ra đi vào năm 2018 tại Zurich trong sự nhớ thương của đông đảo khán giả Eurovision. Có thể nói, cuộc thi không thể tìm được chiến thắng mở màn nào hoàn hảo hơn Refrain của Lys Assia.
2 lần làm thí sinh ở tuổi gần 90 Năm 2011, ở tuổi 87, Lys Assia quyết định trở lại sân khấu Eurovision với tư cách một thí sinh! Bà lọt vào vòng tuyển chọn quốc gia ở Thụy Sĩ năm 2012, trở thành một trong những người được khán giả yêu thích nhất khi thể hiện ca khúc đầy hoài niệm C’était Ma Vie (It Was My Life), viết bởi những người thắng cuộc Eurovision Ralph Siegel và Jean-Paul Cara. Tiếc là năm đó bà không được chọn làm đại diện của Thụy Sĩ. Không bỏ cuộc, năm sau bà tiếp tục đi thi với ca khúc All In Your Head, biểu diễn cùng nhóm New Jack nhưng không lọt chung khảo trong nước. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất