Ngày 15-6, chồng một bệnh nhân đã gọi điện đến PV nhờ “giải cứu” vợ anh bị phòng khám bệnh y học TQ (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) “giam lỏng” từ ngày 10-6 vì không có tiền đóng.
Sáng 16-6, theo chỉ dẫn qua điện thoại của anh Nguyễn Thái Bảo - chồng
bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (34 tuổi, ở Q.Thủ Đức, TP.HCM), chúng tôi
đến khách sạn Sơn Lâm (139/2 Phan Đăng Lưu, P.2, Q.Phú Nhuận) - nơi anh
Bảo cho biết chị Hạnh đang bị “giam lỏng” - hỏi thuê phòng. Một bảo vệ
khách sạn nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét và trả lời nhát gừng: “Hết
phòng rồi”.
Báo giá vài trăm ngàn, thu hàng chục triệu
Kế hoạch xâm nhập khu “giam lỏng” bệnh nhân không thành, chúng tôi vào
vai người nhà của chị Hạnh đi thẳng vào phòng khám hỏi xem chị Hạnh còn
phải đóng bao nhiêu tiền mới được cho về. Một nhân viên mặc áo hồng lấy
bệnh án của chị Hạnh ra cho chúng tôi cùng xem.
|
Bác sĩ phòng khám Trung Quốc khai báo với Công an. |
Trong hồ sơ có “đơn xin gia hạn thanh toán viện phí”, trong đó điền tên,
tuổi chị Hạnh. Đơn này in sẵn chữ “do bệnh tình nghiêm trọng cần phải
tiến hành điều trị ngay, nhưng tạm thời chưa mang đủ tiền, nay xin văn
phòng khám bệnh y học Trung Quốc cho phép gia hạn thanh toán phí điều
trị. Kính mong phòng khám xem xét và chấp nhận”.
Trong đơn ghi những khoản tiền mà chị Hạnh phải trả: điều trị viêm loét
cổ tử cung 19.800.000 đồng, trị liệu u nang cổ tử cung 8.800.000 đồng,
kiểm tra thông ống dẫn trứng không đau 6.800.000 đồng, truyền thuốc
1.560.000 đồng, soi máy CT 30 phút 2 triệu đồng.
Tổng cộng là 38.960.000 đồng.
Chúng tôi đề nghị được lên thăm chị Hạnh thì được một nhân viên dẫn đi
cổng sau của phòng khám để sang khách sạn Sơn Lâm và lên phòng 401.
Gương mặt chị Hạnh còn thất thần sau nhiều ngày bị “giam lỏng” tại đây.
Chị Hạnh kể luôn có nhân viên theo dõi chị. Chị không thể ra ngoài được
vì xuống tầng trệt đã có người chặn ngay ở cổng, không cho ra. Không có
tiền nên nhiều ngày chị chỉ được phòng khám cho ăn một bữa cơm. Chị lo
lắng, khóc suốt, năn nỉ mãi nhưng cũng không ai cho về.
Theo chị Hạnh, vợ chồng chị chung sống sáu năm nay nhưng chưa có con.
Gần đây, xem trên truyền hình thấy quảng cáo phòng khám này có thể chữa
được bệnh vô sinh nên chị đã tìm đến điều trị. Hai vợ chồng chị đều làm
công nhân, phải thuê nhà ở, thu nhập mỗi tháng được khoảng 5 triệu đồng.
Lúc
đi cầu thang bộ lên lầu 4, nơi chị Hạnh đang bị ”giam lỏng” ở phòng 401
khách sạn Sơn Lâm, chúng tôi thấy nhiều phòng mở cửa và có nhiều bệnh
nhân và người nhà bệnh nhân ngồi, nằm trên giường. Bệnh nhân tên Tân cho
biết anh được chuyển sang đây để điều trị bệnh trĩ từ ngày 15-6. Phòng
khám nói phải đóng mười mấy triệu đồng nhưng anh mới đóng được 6 triệu
đồng. Anh Tân thở dài, phàn nàn: “Điều trị gì mà mắc thế không biết!”.
|
Trước khi điều trị, chị Hạnh đã cẩn thận gọi điện trước hỏi bệnh của chị
điều trị tốn bao nhiêu tiền. Nghe nhân viên phòng khám trả lời tùy từng
loại bệnh, nhưng chỉ tốn khoảng vài trăm ngàn đồng nên sáng 10-6 chị
mới tìm đến đây chữa bệnh. Sau đó, khi khám xong bác sĩ đưa ra bốn mức
giá để điều trị bệnh cho chị. Chị Hạnh chỉ dám chọn mức thấp nhất là hơn
17 triệu đồng vì cao hơn sẽ không có khả năng trả.
Nhưng bác sĩ nói bệnh của chị phải chọn ở giá cao nhất là hơn 35 triệu
đồng mới tốt. Khi chị Hạnh nói không có tiền điều trị giá cao thì bác sĩ
lại nói cứ yên tâm điều trị, mai mốt về lấy tiền trả sau. Thế nhưng,
thực tế phòng khám tính tiền lên đến gần 39 triệu đồng. Chồng chị xoay
xở đủ cách, tháo cả chiếc nhẫn đang đeo ở tay nhờ người bà con bán giùm
mới đóng được cho phòng khám này gần 12 triệu đồng.
Sau đó, bác sĩ chích thuốc loại gì chị Hạnh không nhớ (giá 2 triệu
đồng/mũi). Bác sĩ chích thuốc cho chị được hai ngày, thấy chị hết tiền
nên không chích gì nữa. Những ngày sau, chị Hạnh bị “giam lỏng” chứ
không được điều trị gì thêm. Nhiều lần chị Hạnh năn nỉ xin được về nhà
để chạy tiền đóng nhưng bác sĩ nhất quyết không cho. Sau nhiều ngày thấy
chị Hạnh khóc lóc, thậm chí không có tiền để ăn cơm, phòng khám mới
giảm một nửa viện phí cho chị, còn 20 triệu đồng.
Ngày 15-6, gia đình chị Hạnh có báo công an về vụ việc này nên giám đốc
phòng khám đã đến gặp chị Hạnh và nói sẽ giảm một nửa viện phí, tức là
nộp 6 triệu đồng nữa sẽ được về. Tuy nhiên, nhân viên phòng khám nói với
chúng tôi rằng “coi như phòng khám đã điều trị miễn phí” cho chị Hạnh.
Giấy phép: “sẽ cung cấp sau”
Hơn 13g ngày 16-6, chị Hạnh được phòng khám cho về. Khoảng 15g cùng
ngày, chị Hạnh đến Công an P.2, Q.Phú Nhuận viết đơn tường trình sự
việc. Công an P.2 sau khi lấy lời khai của chị Hạnh đã cử hai cán bộ
công an cùng vợ chồng chị Hạnh đến làm việc với người có trách nhiệm của
phòng khám.
|
Phòng khám bệnh y học Trung Quốc, số 141 Phan Đăng Lưu, P.2, Q.Phú Nhuận - nơi chị Hạnh điều trị |
Tại đây, ngoài người thư ký kiêm phiên dịch Lý Mỹ Trúc còn có người quản
lý chi nhánh phòng khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, Q.Phú
Nhuận) tên Hoa và bác sĩ Dương Diễm Hồng - người điều trị trực tiếp cho
chị Hạnh. Hỏi tên họ đầy đủ của ông Hoa là gì thì phiên dịch không trả
lời.
Khi đề nghị ông Hoa cho xem giấy phép phòng khám thì được trả lời sẽ
cung cấp sau. Khi hỏi bác sĩ Dương Diễm Hồng có giấy phép hành nghề tại
phòng khám này không thì cũng được trả lời sẽ cung cấp sau. Vì sao phòng
khám không có giường điều trị nội trú nhưng lại giữ bệnh nhân ở lại
điều trị? Bà Diễm Hồng cho rằng do bệnh nhân mới điều trị không nên đi
lại nhiều nên phòng khám có thuê khách sạn cho bệnh nhân ở để hằng ngày
qua phòng khám điều trị cho tốt!
Theo Công an P.2, Q.Phú Nhuận, đây không phải là lần đầu tiên công an
phường tiếp nhận đơn thư phản ảnh của bệnh nhân về phòng khám này mà đã
có 4-5 trường hợp tương tự. Đây là vấn đề mà các cơ quan có trách nhiệm
là Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM phải kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh.
Theo Tuổi trẻ