Thế giới phản ứng thận trọng với thuế quan đối ứng của Mỹ

03/04/2025 14:53 GMT+7 | Tin tức 24h

Các mức thuế quan mới sâu rộng do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 đã vấp phải những phản ứng ban đầu khá thận trọng từ các đối tác thương mại chủ chốt. Điều này cho thấy không ai muốn leo thang tình hình thành một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Ông Trump đã trình bày các loại thuế nhập khẩu, mà ông gọi là "thuế quan đối ứng", dao động từ 10% đến 49%, một cách đơn giản: Mỹ sẽ đối xử với các đối tác thương mại của mình như những gì mà ông cho rằng họ đã làm với Mỹ trong hàng chục năm. Tổng thống Trump cam kết rằng các mức thuế quan này sẽ giúp Mỹ lấy lại việc làm và hoạt động sản xuất. Ông còn nhấn mạnh đây không chỉ là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề an ninh quốc gia.

"Không ai muốn một cuộc chiến thương mại"

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, Chính phủ Vương quốc Anh cho biết Mỹ vẫn là "đồng minh thân cận nhất" của Anh. Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds cho biết Anh hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại để "giảm thiểu tác động" của mức thuế 10% đối với hàng hóa của Anh do ông Trump công bố. Ông Reynolds nói: "Không ai muốn một cuộc chiến thương mại và ý định của chúng tôi vẫn là tìm kiếm một thỏa thuận. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ bất kỳ biện pháp nào và chính phủ sẽ làm mọi thứ cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh".

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Thế giới phản ứng thận trọng với thuế quan đối ứng của Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng, ngày 2/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni mô tả mức thuế 20% mới đối với Liên minh châu Âu (EU) là "sai lầm", cho rằng chúng không có lợi cho cả hai bên. Trong bài đăng trên Facebook, bà Meloni cho biết: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ nhằm tránh một cuộc chiến thương mại".

Chính phủ Brazil cho biết đang xem xét đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và sau đó Quốc hội Brazil đã nhất trí thông qua dự luật đối ứng cho phép chính phủ trả đũa bất kỳ quốc gia hoặc khối thương mại nào áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Brazil.

Giảm thiểu thiệt hại

Các nước châu Á, nằm trong số những nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ, đã cam kết sẽ hành động nhanh chóng để hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô và những doanh nghiệp khác có thể bị ảnh hưởng.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết ông Han Duck-soo, người đang giữ chức quyền Tổng thống Hàn Quốc, đã yêu cầu các quan chức làm việc với những tập đoàn doanh nghiệp để phân tích tác động tiềm tàng của mức thuế 25% mới nhằm "giảm thiểu thiệt hại".

Còn tại Trung Quốc, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ "kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình", mà không nói rõ những biện pháp cụ thể. Trung Quốc đã phản ứng với các vòng tăng thuế quan trước đó bằng cách áp đặt thuế cao hơn đối với hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu những khoáng sản quan trọng về mặt chiến lược được sử dụng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao như xe điện.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết: "Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngay lập tức hủy bỏ các biện pháp thuế quan đơn phương và giải quyết những bất đồng với các đối tác thương mại của mình một cách đúng đắn thông qua đối thoại bình đẳng".

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Thế giới phản ứng thận trọng với thuế quan đối ứng của Mỹ - Ảnh 2.

Ô tô nhập khẩu tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh: Getty Images/TTXVN

"Không có cơ sở logic"

Một số quốc gia đã lên tiếng phản đối các tính toán về thuế quan đối ứng của Nhà Trắng. Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết mức thuế mà Mỹ áp đặt đối với nước này là hoàn toàn không chính đáng, nhưng Australia sẽ không trả đũa. Thủ tướng Albanese cho rằng việc ông Trump gọi đây là thuế quan đối ứng là không đúng. Theo ông, nếu là đối ứng thì mức thuế phải là 0%, chứ không phải 10%. Ông nhấn mạnh Mỹ và Australia có hiệp định thương mại tự do, và cán cân thương mại song phương giữa hai nước đang nghiêng về Mỹ.

Ông Trump cho biết Mỹ đã mua 3 tỷ USD thịt bò của Australia vào năm ngoái, nhưng Australia đã không chấp nhận nhập khẩu thịt bò của Mỹ. Ông Albanese cho biết lệnh cấm đối với thịt bò của Mỹ là vì lý do an toàn sinh học.

New Zealand cũng phản đối cách tính thuế quan của ông Trump. Bộ trưởng Thương mại Todd McClay cho biết nước này không áp mức thuế 20% với Mỹ như ông Trump nói. Quan chức này nói thêm rằng New Zealand có "một chế độ thuế quan rất thấp" và con số chính xác là dưới mức cơ bản 10% mà Mỹ áp dụng cho tất cả các quốc gia.

THEO DÒNG SỰ KIỆN: Thế giới phản ứng thận trọng với thuế quan đối ứng của Mỹ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay. Nguồn: Stuff.co.nz

Về phản ứng, ông cho biết New Zealand sẽ không tìm cách trả đũa vì điều đó sẽ làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ, và gây lạm phát.

Được miễn trừ khỏi vòng thuế quan mới nhất này là Mexico và Canada, đối với những hàng hóa đã đủ điều kiện theo Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Tuy nhiên, mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu được công bố trước đó dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4 (giờ địa phương).

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 2/4 cho biết bà sẽ đợi đến ngày 3/4 (giờ địa phương) để hành động khi biết rõ tuyên bố của ông Trump sẽ ảnh hưởng đến Mexico như thế nào. Bà nhấn mạnh rằng Mexico không đặt nặng việc "ăn miếng trả miếng" về thuế quan, mà chú trọng đến việc tăng cường nền kinh tế nước này.

Không ai có lợi

Khi ông Trump công bố danh sách thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, ông liên tục nói rằng ông không đổ lỗi cho các nước về những rào cản thương mại mà họ áp đặt để bảo vệ các doanh nghiệp của mình, "nhưng chúng tôi sẽ làm điều tương tự ngay bây giờ".

Phát biểu từ một diễn đàn kinh doanh ở Ấn Độ, Tổng thống Chile (Chi-lê) Gabriel Boric cảnh báo rằng các biện pháp như vậy, ngoài việc gây ra sự bất ổn, còn thách thức "các quy tắc được thống nhất chung" và "các nguyên tắc chi phối thương mại quốc tế".

Tổng thống Colombia Gustavo Petro, cho rằng thuế quan đã đánh dấu sự chấm hết cho các chính sách tự do thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng không có nhiều lợi ích từ một cuộc chiến thương mại toàn diện, cả ở Mỹ và các nước khác.

Ông Matteo Villa, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế của Italy, nhận định rằng một lần nữa, ông Trump đã đặt châu Âu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông Villa nói thêm rằng nếu ông Trump thực sự áp đặt thuế quan cao, châu Âu sẽ phải đáp trả, nhưng nghịch lý là sẽ tốt hơn cho EU nếu không làm gì cả, vì khối EU phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn.

Nhưng dù về mặt kinh tế, EU có thể thiệt hại nếu đáp trả bằng các biện pháp trả đũa, nhưng nếu không làm gì cả thì ông Trump sẽ không chịu nhượng bộ, nên có thể lựa chọn đáp trả mạnh mẽ là cần thiết, dù có rủi ro.

Khánh Ly/TTXVN (Theo AP, AFP)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link