06/02/2015 19:44 GMT+7 | Thế giới Sao
(Thethaovanhoa.vn) - Là chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), Clarke Carlisle từng tiên phong trong chiến dịch giúp đỡ cựu cầu thủ vượt qua chứng trầm cảm. Nhưng chính anh lại ngập trong căn bệnh trầm kha đó, và muốn kết liễu đời mình 3 ngày trước lễ Giáng sinh.
Kết thúc 16 năm chinh chiến sân cỏ, trải qua 500 trận trong màu áo 9 CLB, Carlisle đảm nhiệm vai trò Chủ tịch PFA. Là một người có tư tưởng “tân tiến”, Carlisle đã tiên phong trong nhiều chiến dịch gây tiếng vang. Anh kêu gọi cộng đồng, các tổ chức bóng đá nỗ lực hơn nữa để ủng hộ giới cầu thủ.
Giúp người khác mà quên đi chính mình
Trong vai trò đại sứ của chiến dịch Kick It Out, Carlisle đến từng trường học để tuyên truyền về nạn kỳ thị chủng tộc trong bóng đá. Anh cũng là thành viên của phái đoàn được cử đến gặp mặt Thủ tướng Anh David Cameron để bàn về vấn đề này.
Nhưng chiến dịch anh dành nhiều tâm huyết nhất là căn bệnh trầm cảm đang hủy hoại cầu thủ và cựu cầu thủ tại Anh. Carlisle tới nhà của từng cầu thủ, cựu cầu thủ thu thập ý kiến để lập báo cáo. Anh bỏ nhiều thời gian trò chuyện với những người đã từng rơi vào trạng thái trầm cảm và chia sẻ bí quyết để đánh bại nó.
Carlisle cũng xuất hiện trên chương trình tài liệu có tên Football's Suicide Secret (Bí mật về những vụ tự vẫn trong bóng đá) của đài BBC, nói về nguy cơ cầu thủ phải đối mặt với chứng trầm cảm.
“Là một cầu thủ chuyên nghiệp, bạn sống trong hào quang của một ngôi sao mà quên đi những bóng đen đang ẩn hiện muốn nuốt chửng mình. Bóng đá đem đến những điều huyền diệu nhưng nó cũng có thể đẩy bạn xuống tăm tối. Là một cầu thủ, tôi từng trải qua thăng trầm của cuộc chơi. Nhưng có một điều cấm kỵ chẳng ai muốn nói đến: căn bệnh về tinh thần”.
Bi kịch của những Robert Enke, Dale Roberts... vẫn còn đó đầy ám ảnh. Nhưng chỉ đến cái chết rúng động của Gary Speed năm 2011, chiến dịch của Carlisle mới thực sự được quan tâm. Một cuốn sách hướng dẫn dày 36 trang được tạo thành từ những báo cáo của Carlisle, lập tức được PFA gửi đến 50.000 cựu cầu thủ.
Kẻ thù trong bóng tối
Năm 2013, nhiệm kỳ của Carlisle ở PFA kết thúc, được thay thế bằng Ritchie John Humphreys. Khi vai trò giúp đỡ người khác bị thu hẹp, cũng là lúc Carlisle không thể giúp được chính mình.
Ngày 22/12 năm ngoái, Carlisle bước lên xa lộ A64 ở vùng York. Nhìn thấy chiếc xe tải đang trườn tới, Carlisle lao mình ra đường. Chúa đã nghe lời cầu nguyện của vợ anh. Mạng sống của Carlisle được giữ. Anh trải qua 6 tuần hôn mê trong bệnh viện.
Tuần trước, Carlisle xuất viện và về nhà. Anh thú nhận đã phải vật lộn với chứng trầm cảm trong 18 tháng. Tinh thần bị ảnh hưởng nhiều khi phải kết thúc vai trò bình luận với mức đãi ngộ 100.000 bảng/năm trên ITV Champions League, Carlisle tìm đến men rượu. Hậu quả tồi tệ hơn khi anh bị cáo buộc lái xe trong trạng thái say xỉn. Trát hầu tòa đến vào ngày 20/12, hai ngày trước khi Carlisle tự vẫn.
Khi tỉnh lại và nhận thức rằng tử thần vẫn chưa muốn đón nhận mình, cũng là lúc Carlisle muốn sống và chiến đấu hơn bao giờ hết. “Chặng đường để tôi hồi phục là vĩnh cửu”- Carlisle nói. “Nhưng tôi vui và tự tin vì căn bệnh của mình đã được chẩn đoán. Nó chỉ đáng sợ khi nằm trong bóng tối”.
“Tôi đã nghĩ rằng phải chết mới thoát khỏi mọi chuyện. Không thể chạy trốn khỏi nó. Chết là câu trả lời hoàn hảo nhất trong tình cảnh của tôi” - Carlisle đã nghĩ như thế khi nhảy ra trước mũi xe tải. |
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất