24/11/2011 10:44 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 23/11, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Khieu Samphan đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc diệt chủng nhằm vào bản thân, khẳng định mình hoàn toàn không có thực quyền và cho rằng tòa án quốc tế đang cố lấy đầu ông ta.
Cùng tham gia màn “biểu diễn” này của ông ta còn có các nhân vật cấp cao khác của Khmer Đỏ là Nuon Chea và Ieng Sary, những nhân vật đã ở tuổi gần đất xa trời vẫn phải ra tòa để trả giá cho việc đã tham gia tội ác khiến khoảng 1,7 triệu người Campuchia thiệt mạng
Khieu Samphan, người từng là cựu lãnh đạo nhà nước Khmer Đỏ, nói rằng ông ta chỉ đóng vai trò lãnh đạo tinh thần và chưa bao giờ tham dự các buổi họp bàn về chính sách quan trọng.
Tội ác và chối tội
Trong buổi nghe lời bào chữa kéo dài 1 tiếng đồng hồ, Khieu Samphan cũng nói rằng phần lớn người Campuchia ủng hộ Khmer Đỏ chống lại chính quyền Lon Nol do Mỹ dựng nên trong năm 1970. Nhân vật từng đóng vai trò số 3 trong chính quyền Khmer Đỏ này còn bác bỏ mọi cáo buộc diệt chủng, phạm tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh nhằm vào bản thân.
Khieu Samphan là người duy nhất trong các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ còn sống chịu trách nhiệm trực tiếp cho các hành động bạo tàn từng xảy ra ở Campuchia. Phía công tố nói rằng Khieu Samphan là “một trong những kẻ giết người đã tàn sát cả thế hệ người Campuchia”. Nhưng Khieu Samphan đã phản đối dữ dội cáo buộc này. “Các người có thực sự nghĩ rằng... khi tôi tới thăm các điểm lao động một mình hoặc đi cùng với quốc vương (Norodom Sihanouk) là khi các công nhân đang bị sát hại ngay trước mắt chúng tôi, với một viên đạn găm vào sau gáy họ?” - Khieu Samphan chất vấn các công tố viên - “Các người chỉ muốn nhân dân nghe những câu chuyện cổ tích do các người dựng lên. Tôi có cảm giác các người thật sự rất muốn lấy đầu tôi”.
Các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, từ trái qua là Nuon Chea, Khieu Samphan và Ieng Sary.
Các lãnh đạo khác của Khmer Đỏ cũng cố chối tội như Khieu Samphan. Nuon Chea, nhân vật số 2 trong Khmer Đỏ, khẳng định ông ta là “người yêu nước”, chỉ muốn đấu tranh để “giải phóng Campuchia khỏi việc trở thành nô lệ của các nước khác” . “Chúng tôi đã muốn xây dựng Campuchia như một xã hội sạch sẽ, độc lập, không có các vụ giết người, thảm sát” - Nuon Chea nói.
Còn Ieng Sary thì nói rằng ông ta đã được quốc vương Sihanouk ân xá trong những năm 1990 và không thể bị đưa ra xét xử. Cần biết rằng vào tháng 8/1975, theo sau chiến thắng của Khmer Đỏ trước chính quyền Lon Nol, Ieng Sary trở thành Phó Thủ tướng phụ trách Ngoại giao. Ở cương vị này, ông ta đã kêu gọi rất nhiều trí thức Campuchia ở nước ngoài trở về “giúp xây dựng đất nước”. Kết quả là có hàng ngàn người đã trở về, đều bị đưa vào trại cải tạo và có hơn 90% bị chuyển tới nhà tù S-21 khét tiếng để bị giết.
Ký ức kinh hoàng của một phụ nữ còn sống sót
Đã có quá nhiều tài liệu nói về sự tàn bạo của chế độ Khmer Đỏ, nhưng không ai có thể hiểu rõ về chúng hơn những người sống sót.
Thida Mam là một trong những người còn sống tới ngày nay. Bà kể lại rằng mình mới chỉ 15 tuổi khi Khmer Đỏ lên nắm quyền. Hầu hết người dân khi đó đều tin tưởng mù quáng rằng Pol Pot và các tay chân tin cẩn của ông ta như Ieng Sary chỉ muốn điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, rằng họ chiến đấu chống lại chính quyền thân Mỹ vốn đầy tham nhũng để thay đổi xã hội.
Nhưng tất cả đều đã bị lừa. Những gì Thida Mam kể lại thực sự khủng khiếp: “Cuộc chạm trán đầu tiên của tôi với những người Khmer Đỏ thực sự diễn ra trong bối cảnh đầy bạo lực, nghi kỵ và thù địch. Những người lính ấy, súng đạn lăm lăm trong tay, đã yêu cầu tất cả chúng tôi rời khỏi Phnom Penh, để tránh khỏi bị máy bay Mỹ ném bom. Chúng tôi hoang mang và do bị đe dọa nên đã nghe lệnh. Chỉ qua một đêm chúng tôi đã trở thành một đất nước đầy những người tị nạn không nhà cửa. Tới lúc đó tất cả đều hiểu rằng mình đã bị người ta lừa để chiếm nhà và tài sản, nhưng đã quá muộn để chống cự. Chỉ trong vòng vài ngày, chúng tôi đã hoàn toàn phụ thuộc vào Khmer Đỏ.
Pol Pot, Ieng Sary và những kẻ khác đã lợi dụng khát vọng hòa bình của chúng tôi sau nhiều năm nội chiến. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể trả mọi giá để có hòa bình. Nhưng chúng tôi không hề biết rằng cái giá đó là sự hủy diệt toàn bộ những gì chúng tôi yêu quý: gia đình, văn hóa, cuộc sống riêng tư.
Khi mọi người được thông báo rằng phải ra vùng nông thôn làm việc, giúp sản xuất lương thực, gia đình tôi đã quyết định trở lại làng cũ. 2 người họ hàng của tôi đã sốt sắng dạy tôi làm nghề nông để nhanh thích ứng với thể chế mới. Một trong số đó bị tẩy não nặng tới mức cậu ta luôn tin rằng Khmer Đỏ sẽ mang tới cuộc sống tốt và sự bình đẳng tuyệt đối cho mọi người. Nhưng chỉ 2 năm sau khi chúng tôi dọn tới làng cũ, cậu này cùng gia đình đã bị Khmer Đỏ sát hại vì một nguyên nhân: nhà cậu bị xem là địa chủ, dù thực tế họ chỉ có chút của ăn của để hơn những người khác.
Mỗi năm, cứ sau mùa cấy lúa là tới mùa giết người. Khmer Đỏ thường nói rằng chúng sẽ đưa hàng ngàn gia đình đi khai hoang đất mới. Nhưng thường thì phần lớn số họ đều bị giết hại và bị chôn ở các khu mộ tập thể nằm sâu trong rừng. Trong mùa giết chóc 1978, một lãnh đạo làng đạp xe tới một trại trồng bông nơi tôi làm việc cùng đứa cháu gái 15 tuổi của ông ta. Người đàn ông này lạnh lùng nói với đứa cháu rằng “tổ chức” cần chuyển cô ta và mẹ đẻ đi nơi khác làm. Khi ông ấy quay xe đạp bỏ đi, cả tôi, cô cháu gái và mẹ cô đều biết họ sẽ bị giết. Một ngày sau khi họ biến mất, có thêm 2 cô gái nữa trong trại trồng bông bị đưa đi.
Tôi đã cảm thấy sợ tới mức không thể thở được mỗi khi các lãnh đạo làng xuất hiện. Tôi cúm gằm mặt xuống đất, không dám đưa mắt nhìn vì sợ họ sẽ tới và nói rằng tới lượt tôi phải chết. Trong cái nắng nóng cháy da thịt, tôi lặng lẽ làm việc và cố gắng không gây chú ý. Rồi tôi nghe thấy một âm thanh của ai đó gọi cô gái khác đang làm việc cạnh mình. Đó là người mẹ của cô, đang ra hiệu gọi con tới để làm gì đó. Một ngày sau, trong lúc ăn trưa tôi mới biết mẹ con họ đã rủ nhau treo cổ dưới một cây xoài, sau khi nhận tin sẽ được “tổ chức” điều đi khai phá vùng đất mới.
Một tuần sau, lãnh đạo làng lại tới đưa cô bạn vẫn ngủ cạnh tôi đi. Khi vị trưởng làng bước ra khỏi cửa, tôi thở phào vì mình vẫn chưa chết. Nhưng rồi tôi thấy có tội trước con người bất hạnh. Tôi biết tin rằng cô gái ấy đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết. Tin ấy làm tôi kinh sợ nên tôi đã thủ sẵn một ít thuốc trừ sâu, bỏ trong túi để đề phòng có ngày tới lượt mình phải ra đi. Tôi không sợ chết, nhưng tôi không chịu được nỗi đau đớn, hay việc phải chứng kiến mẹ đẻ bị tra tấn trước khi cả hai mẹ con cùng bị giết.
Hôm ấy trời đổ mưa dữ dội và tôi thầm cảm ơn trời đất vì đã có cơ hội được khóc thỏa thích mà không sợ bị những con người của Khmer Đỏ phát hiện. Cơn ác mộng từ ấy cứ đeo bám tôi và ám ảnh tôi cho tới tận giờ. Rất nhiều người bạn Mỹ của tôi sau này đã thắc mắc Khmer Đỏ là ai, vì sao họ lại thù ghét người Campuchia, họ từ đâu tới? Mỗi lần nghe những câu hỏi ấy, tôi chỉ thấy xấu hổ bởi dù đó là những con quái vật mang trong đầu những tư tưởng bệnh hoạn, họ lại có chung dòng máu với chúng tôi”.
Công lý cho 1,7 triệu người Campuchia bị giết
Được biết kết thúc phiên xử, không một cựu lãnh đạo nào của Khmer Đỏ tuyên bố nhận trách nhiệm cho các hoạt động diệt chủng khi họ còn cầm quyền. Khoảng 1,7 triệu người, tức 1/3 dân số Campuchia dưới thời Khmer Đỏ, đã chết do bị sát hại, làm việc quá sức, đói hoặc tra tấn trong khoảng thời gian từ năm 1975 tới năm 1979.
Rất nhiều người dân đã đến dự phiên xét xử diễn ra ở Phnom Penh. Giới phân tích cho rằng, do các bị cáo quá già, yếu và có thể chết trong quá trình xét xử nên tòa án chia quá trình xét xử thành nhiều phiên tòa nhỏ với hy vọng ít nhất một bản án sẽ được tuyên. Sau khi nghe lời tự bào chữa của các bị cáo, tòa sẽ chuyển sang xem xét các chứng cứ chống lại họ, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/12 tới đây.
Tường Linh (Theo AP)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất