30/09/2018 20:58 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, chiều 30/9, người phát ngôn Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) Sutopo Purwo Nugroho (Xu-tô-pô Pu-uô Nu-grô-hô) cho biết lực lượng tìm kiếm cứu hộ các nạn nhân trong vụ động đất kèm sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi (Xu-la-uê-xi) đang tập trung nỗ lực tìm kiếm tại các tòa nhà, khách sạn bị sập trong thảm họa thiên tai này. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang tích cực và khẩn trương triển khai phương án đưa 10 sinh viên Việt Nam ở thành phố Palu (Pa-lu), Indonesia, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận động đất, sóng thần vừa qua, rời khỏi thành phố này về thủ đô Jakarta.
Khẩn trương triển khai phương án đưa 10 sinh viên Việt Nam về Jakarta
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Đại sứ quán Việt Nam đã gửi công hàm tới các cơ quan chức năng của Indonesia. Đại sứ Phạm Vinh Quang đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ điều phối các vấn đề Chính trị, Pháp luật và An ninh (cơ quan điều phối cứu trợ của Indonesia) để đề nghị giúp đỡ. Đến nay 10 sinh viên đã về tới sân bay tại Palu an toàn và được chu cấp ăn uống đầy đủ để chờ bay về Jakarta. Phía Indonesia cho biết sân bay đang bị hỏng, chưa hoạt động bình thường được, và hiện chỉ các máy bay quân đội hoạt động, cất hạ cánh bằng mắt thường. Các chuyến bay hiện được ưu tiên để vận chuyển đồ cứu trợ nhân đạo, giúp vận chuyển người bị thương, người già. Đại sứ quán vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các sinh viên và tiếp tục đề nghị phía Indonesia hỗ trợ các sinh viên Việt Nam ở mức tốt nhất có thể và thu xếp cho các sinh viên được lên chuyến bay về Jakarta sớm nhất.
Trong khi đó, Chuẩn tướng Rizerius Eko (Ri-dê-ri-út Ê-cô), Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế, Tổng cục Chiến lược, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, hiện tại, hoạt động sơ tán đang được ưu tiên cho những người bị thương nặng cần được chuyển gấp bằng đường hàng không đến Makassar (Ma-ca-sa) do các thiết bị y tế không hoạt động được ở Palu vì thành phố này bị mất điện. Theo Chuẩn tướng Eko, kế hoạch sơ tán này nhằm đảm bảo cứu được nhiều người nhất.
Tập trung cứu nạn nhân trong các khách sạn, toà nhà bị sập
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Nugroho cho biết số người chết trong vụ động đất sóng thần tại tỉnh Trung Sulawesi ngày 28/9 vừa qua, chủ yếu là do bị các tòa nhà sập hoặc bị va đập do sóng thần. Nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt trong các đống đổ nát, do vậy, ước tính số nạn nhân có thể tiếp tục tăng cao. Hoạt động tìm kiếm và sơ tán nạn nhân hiện đang tập trung vào các khách sạn bị sập như khách sạn Roa Roa, Ramayana, Talise Beach và Balaroa.
Ông Nugroho cho biết có khoảng 50-60 khách bị cho là vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát của khách sạn Roa Roa ở thành phố Palu (Pa-lu), trong đó có 1 người Hàn Quốc. Các hoạt động tìm kiếm cứu hộ gặp nhiều khó khăn do không có điện, thiếu các thiết bị máy xúc nặng...
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia SAR quốc gia (Basarnas) Syaugi (Xi-a-ghi) cho biết, vẫn còn rất nhiều khách lưu trú tại các khách sạn bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí và cứu những người sống sót.
Theo ông Nugroho, hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất và sóng thần không chỉ ở thành phố Palu và Donggala (Đông-ga-la), mà còn bao gồm Sigi (Xi-ghi) và Parigi Buton (Pa-ri-ghi Bu-tôn). Tính đến 13h30 (giờ địa phương) ngày 30/9, trận động đất và sóng thần ở tỉnh Trung Sulawesi đã khiến ít nhất 832 người thiệt mạng, trong đó 821 người ở thành phố Palu và 11 người ở Donggala; 540 người bị thương và 6.732 người phải sơ tán ở 24 địa điểm.
Tìm kiếm người thân mất tích thông qua Facebook
Trong bối cảnh quy mô thảm họa chưa được xác định, liên lạc gián đoạn và một số khu vực vẫn không thể tiếp cận, các gia đình đã đăng ảnh, chú thích miêu tả các thành viên mất tích và số liên lạc trên mạng xã hội với hy vọng có thêm thông tin.
Một người dùng đã đăng tải câu hỏi tìm người thân vào một nhóm Facebook với 6.843 thành viên: "Bạn có nhìn thấy bất kỳ thành viên nào của gia đình tôi trong những bức ảnh này không? Tôi muốn biết họ có an toàn không. Tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào cho đến lúc này. Liên lạc đã bị cắt đứt. Hãy cho tôi biết nếu bạn nhìn thấy họ".
Trong khi đó, những người khác đang cố gắng tìm kiếm bạn bè vẫn còn ở thành phố Palu (Pa-lu), nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất: "Bất cứ ai tại Palu và các khu vực gần thành phố này xin hãy giúp đỡ. Các thành viên trong gia đình bạn tôi vẫn mất tích cho đến lúc này".
Một số người dùng lại chia sẻ thông tin về người dân Palu được sơ tán về nơi an toàn. Một bài đăng ngày 29/9 đã tiết lộ tên của khoảng 53 người được sơ tán đến văn phòng của công ty điện lực quốc doanh Indonesia PLN, với lời kêu gọi giúp đỡ. Dòng trạng thái của người dùng nhấn mạnh: "Những người sơ tán tại đây đang cần thực phẩm, nước uống và điện khẩn cấp".
Trong khi đó, những người Indonesia khác lại đến với Facebook chỉ đơn thuần để cung cấp hỗ trợ. Một người dùng từ Lombok (Lôm-bốc), hòn đảo nghỉ dưỡng của Indonesia hứng chịu hàng loạt trận động đất lớn vào tháng 7 và tháng 8 vừa qua, đã gửi đi thông điệp đoàn kết: "Nỗi buồn của bạn là của chúng tôi. Lời nguyện cầu của chúng tôi luôn bên bạn".
Chiều 28/9, tỉnh Trung Sulawesi của Indonesia đã liên tục hứng chịu 2 trận động đất mạnh 6,1 độ Richter và 7,5 độ Richter, làm rung chuyển cả khu vực. Các trận động đất này đã gây ra sóng thần gây nhiều thương vong, phá hủy nhiều nhà cửa, công trình xây dựng trong khu vực.
Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia cho biết số người thiệt mạng do trận động đất kèm theo sóng thần đã tăng lên ít nhất là 832 người. Hầu hết số người thiệt mạng đều được ghi nhận tại Palu, hai ngày sau khi những đợt sóng cao 1,5 mét tràn vào thành phố có 350.000 dân trên đảo Sulawesi.
Nhân viên kiểm soát không lưu 20 tuổi hi sinh
Thời điểm một loạt các trận động đất xảy ra tại thành phố đảo Sulawesi hôm thứ Sáu vừa qua, Anthonius đang làm nhiệm vụ trong tháp kiểm soát không lưu tại sân bay Mutiara SIS Al-Jufrie của Palu. Cán bộ hãng hàng không AirNav Indonesia khẳng định Anthonius đã nhất quyết từ chối rời bỏ vị trí cho đến khi chiếc máy bay Batik Air rời khỏi mặt đất, trong khi các đồng nghiệp của ông đều đã từ chối xử lý trường hợp máy bay khởi hành.
"Khi trận động đất xảy ra, anh ấy đã điều khiển cho Batik Air cất cánh và chờ đến khi máy bay an toàn trên không trước khi rời khỏi tháp cabin ATC", ông Yohanes Harry Sirait - phát ngôn viên của AirNav Indonesia nói.
Khi nỗ lực đã hoàn thành, Agung nhảy từ đỉnh của tòa tháp bốn tầng đổ nát trong một nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát, gãy chân và bị thương nặng bên trong. Anh được đưa đến một bệnh viện gần đó với sự chăm sóc cơ bản, nhưng không may mắn qua đời trước khi một chiếc trực thăng có thể đến để đdi chuyển anh sang một cơ sở y tế được trang bị tốt hơn.
Hãng hàng không AirNav tuyên bố sẽ nâng thứ hạng của Agung lên hai cấp độ như một dấu hiệu đánh giá cao sự cống hiến đặc biệt của anh.
Thứ 6 vừa qua, đao Sulawesi của Indonesia hứng chịu trận động đất và sóng thần mạnh 7,5 độ. Theo xác nhận ít nhất đã có 832 người chết.
Hơn 800 người thiệt mạng trong trận động đất, sóng thần
Theo nguồn tin trên, cho đến nay, hầu hết số người thiệt mạng đều được ghi nhận tại Palu, hai ngày sau khi những đợt sóng cao 1,5 mét tràn vào thành phố có 350 nghìn dân trên đảo Sulawesi.
Trước đó, Cơ quan quốc gia quản lý thiên tai (BNPB) và Viện Quốc gia Hàng không và Vũ trụ Indonesia (Lapan) thông báo sẽ sử dụng ảnh vệ tinh có độ phân giải cao để nghiên cứu, xác định những ảnh hưởng nặng nề nhất do trận động đất, gây sóng thần tại Sulawesi ngày 28/9
Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, một trong những khu vực hay xảy ra động đất và núi lửa phun trào nhất trên thế giới. Hồi tháng 8 vừa qua, đảo Lombok đã hứng chịu hàng loạt trận động đất khiến khoảng 500 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.
Tổng hợp từ: TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất