(Thethaovanhoa.vn) -
Malta vừa gây sốc khi rao bán quyền công dân với giá 650.000 euro. Tuy nhiên đây không phải là nước châu Âu đầu tiên bán hộ chiếu và hoạt động này bị cho là chỉ để thu hút tài chính và giới nhà giàu về châu Âu. Đầu tuần này chính quyền Malta đã thông qua một kế hoạch gây tranh cãi nhằm thu hút những người "có giá trị cao" tới quốc đảo này, thông qua việc bán quyền công dân với giá 650.000 euro (845.000 USD) mỗi người
Giảm giá quyền công dân?Chương trình nhằm thu hút những người giàu tới từ các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Nga và Trung Quốc. Việc có hộ chiếu Malta cũng có nghĩa những người này sẽ được quyền sống và làm việc trong 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Malta đã là thành viên của EU, đã gia nhập khu vực đi lại không biên giới Schengen và có thỏa thuận miễn xin visa nhập cảnh vào Mỹ.
Ngoài lợi ích rất lớn kể trên, người nhập tịch Malta còn được hưởng các dịch vụ công cộng của đất nước như trường học và chăm sóc y tế. Nếu họ có vợ hoặc con dưới 18 tuổi, phí xin quốc tịch của những người phụ thuộc này chỉ là 25.000 euro mỗi người.
Malta đã trở thành nước mới nhất ở EU rao bán quốc tịch để có thêm tiền đổ vào ngân sách
Eric Major, Giám đốc điều hành Henley & Partners, Tổ chức quốc tế sẽ điều hành chương trình của Malta, tin rằng mỗi năm sẽ có từ 200-300 người nộp đơn tham gia. "Đây sẽ là một chương trình mở và minh bạch" - ông nói. Henley & Partners khẳng định các ứng cử viên sẽ được xem xét kỹ càng để đảm bảo chỉ những ai "được nể trọng cao" mới được cấp quyền công dân.
Tuy nhiên chương trình đã lập tức vấp phải sự phản đối của phe đối lập. Họ nói rằng tiến trình xem xét những người có tiềm năng thiếu sự minh bạch. Họ cũng không vui khi danh tính người "mua" quốc tịch không được tiết lộ.
Simon Busutil, lãnh đạo đảng Dân tộc chủ nghĩa đối lập thậm chí còn thề sẽ thu hồi các tấm hộ chiếu, nếu đảng của ông nắm quyền trở lại.
Ông Busutil, người đang lãnh đạo một ủy ban giám sát có quyền tiếp cận với tên người đăng ký mua quốc tịch, cũng đe dọa sẽ công bố danh tính và khiến những người này e ngại. "Theo quy định hiện nay, việc tiết lộ tên tuổi không phạm luật" - ông Busutil nói với tờ
Malta Today - "Hành động của chính quyền đang làm giảm giá trị quyền công dân".
Ồ oạt mở cửa đón người giàuTheo giới quan sát, lý do Malta có thái độ chào đón những người nước ngoài giàu có, chủ yếu là vì tài chính. Với quy mô dân số nhỏ chỉ hơn 400.000 dân, 30 triệu USD dự kiến thu từ đợt đầu của hoạt động bán quốc tịch rõ ràng là con số khổng lồ chảy vào ngân khố quốc gia, được dự báo sẽ giảm mạnh do chính quyền cắt giảm 25% thuế điện trong năm tới. Chính quyền Malta còn đang hy vọng sẽ tăng cường danh tiếng quốc tế của mình thông qua việc thu hút các ngôi sao thể thao và người nổi tiếng tới nhập tịch.
Và Malta không phải là nước EU đầu tiên rao bán quyền công dân. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển các nền kinh tế châu Âu hồi năm 2008, nhiều nước thành viên đã đưa ra các gói lợi ích khác nhau để thu hút giới lắm tiền nhiều của, bao gồm cả việc cấp quyền định cư và quyền công dân.
Tây Ban Nha hiện cấp quyền định cư cho bất kỳ ai tiêu ít nhất 500.000 euro (650.000 USD) vào 2 công trình bất động sản, hoặc đầu tư ít nhất 2 triệu euro (2,6 triệu USD) mua trái phiếu chính phủ.
Hungary cũng bán hàng chục ngàn tấm hộ chiếu cho những người tới từ các nước xung quanh họ, gồm Serbia, vốn chưa gia nhập EU. Đổi lại những người này phải bỏ ra 250.000 euro (325.000 USD) để mua trái phiếu. Họ cũng phải thỏa mãn 2 điều kiện duy nhất: có một ông, bà hoặc bố mẹ là công dân Hungary và có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ nước này.
Đầu năm nay, CH Síp đã triển khai quy định rằng những người nước ngoài bị thiệt hại ít nhất 3 triệu euro vì cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra tại nước này có thể làm đơn xin cấp quyền công dân. Phần lớn những người bị ảnh hưởng là dân Nga. Síp còn cắt giảm khoản tiền đầu tư cần thiết để được cấp quyền công dân nước này, từ 10 triệu euro xuống còn 3 triệu euro.
Một tài liệu đăng trên trang web Mạng di cư châu Âu xuất bản hồi tháng 11/2012 nói rằng Hà Lan cũng có kế hoạch cấp quyền định cư cho người nước ngoài có ít nhất 1,25 triệu euro trong tài khoản ngân hàng của họ. Theo Mạng di cư châu Âu, chương trình của Hà Lan nhắm tới đối tượng là những người giàu Trung Quốc đang muốn ra nước ngoài sinh sống và họ hoàn toàn có khả năng "mua" quyền định cư ở Canada, Singapore hoặc Mỹ.
Christian Kälin thuộc công ty tư vấn Henley & Partners đánh giá chương trình Giấy phép định cư vàng của Bồ Đào Nha hiện là đề nghị hấp dẫn nhất châu Âu. Người ta chỉ cần đầu tư tài chính ít nhất 1 triệu euro (1,3 triệu USD) trong vòng 5 năm hoặc mua nhà trị giá 500.000 euro hoặc tạo ra 10 việc làm là sẽ được định cư lâu dài và tương lai là nhập tịch vào nước này.
Trong khi đó Anh có chương trình đầu tư "hạng nhất". Những người tham gia chương trình này và bỏ ra hơn 1,6 triệu USD đầu tư sẽ dễ dàng được cấp phép cư trú dài hạn tại Anh.
EU không có quyền cản trở
EU đã lập tức ra tuyên bố nói rằng họ không có quyền gây ảnh hưởng lên các nước thành viên, liên quan tới việc cho phép người ngoài khối EU tới cư trú hoặc trở thành công dân. Phát ngôn viên EU Michele Cercone cho biết đây là vấn đề quốc gia và các nước thành viên sẽ tự quyết định xem ai xứng đáng là công dân của họ. |
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần