COVID-19 có thể đưa kinh tế toàn cầu vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái

16/04/2020 07:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/4 cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể tử cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch COVID-19. Nhưng IMF cũng nhận định đà tăng trưởng của năm 2021 có thể sẽ khởi sắc mạnh mẽ.

Tiêu điểm trong ngày: Đáp án cho bài toán kinh tế hậu COVID-19

Tiêu điểm trong ngày: Đáp án cho bài toán kinh tế hậu COVID-19

Thế giới chưa từng phải đối mặt với dịch bệnh nào phức tạp như đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Với khoảng 2 triệu người mắc bệnh và hơn 126.000 người tử vong tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến giữa tháng Tư, COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải phong tỏa đất nước...

COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu đảo lộn      

Đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn cuộc sống trên toàn cầu. Xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019, dịch bệnh khiến nhiều thành phố tại quốc gia này bị phong tỏa, các hoạt động giao thông đình trệ, cửa hàng ngừng hoạt động, hàng loạt nhà máy tại trung tâm sản xuất của thế giới phải đóng cửa. Khi đó, giới chuyên gia đã phần nào lo ngại những tác động kinh tế của dịch bệnh khi rất nhiều công ty lớn trên thế giới đặt nhà máy hoặc có hợp đồng sản xuất thiết bị và phụ kiện tại Trung Quốc. Nhưng tác động khi đó vẫn được đánh giá là trong ngắn hạn.   

Tuy nhiên, cục diện chuyển biến xấu khi dịch bệnh lây lan nhanh ra các quốc gia khác và hiện tại COVID-19 đang bùng phát mạnh nhất tại Mỹ và châu Âu, với số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu tăng vọt. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, trong vòng 24h qua, tính tới 8h sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận thêm 73.421 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.947 người tử vong, đưa tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu lên tới 1.997.358 người, trong đó số ca tử vong là 126.565 người.        

Hậu quả là virus SARS-CoV-2 đang “hạ gục” gần như mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu. Các ngành hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, dầu mỏ và bán lẻ mỗi ngày một "ngấm đòn" khi các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa nhà máy, cửa hàng, địa chỉ vui chơi liên tục xuất hiện. Việc "đóng cửa" đột ngột phần lớn nền kinh tế tiêu dùng kéo theo số lao động thất nghiệp gia tăng, làm giảm chi tiêu tiêu dùng, doanh nghiệp hạn chế đầu tư. Tâm lý bi quan bao trùm đẩy các thị trường chứng khoán vào chuỗi ngày lao dốc không phanh. Các cổ phiếu hàng không rớt thê thảm sau khi nhiều hãng hàng không ở châu Âu và Mỹ tuyên bố cắt giảm số lượng lớn các chuyến bay. Giá dầu mỏ cũng chịu cảnh tương tự.  

Chú thích ảnh
Các cửa hàng tại London, Anh, đóng cửa ngày 13/4/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Pháp đã phải đóng cửa mọi doanh nghiệp trong lĩnh vực không thiết yếu. Kể từ ngày 17/3, khoảng 67 triệu người dân Pháp được yêu cầu ở nhà, trừ các trường hợp như đi mua thực phẩm, đi làm, đi khám chữa bệnh hay đi thể dục một mình. Trong bối cảnh mọi hoạt động thương mại bị ngừng trệ do lệnh phong tỏa đất nước, chính phủ Pháp buộc phải tung ra để cứu vãn nền kinh tế và hậu quả trực tiếp của những gói cứu trợ kinh tế khổng lồ này khiến ngân sách quốc gia thâm hụt. Lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 cũng đã tác động xấu đến nền kinh tế Anh. Trong ngày 14/4, Văn phòng trách nhiệm Ngân sách (OBR) Anh đưa ra dự báo, trong quý 2/2020, tăng trưởng kinh tế Anh sẽ sụt giảm đến 35% do hầu hết các hoạt động kinh tế đều bị tê liệt do lệnh phong toả. Tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi, lên mức 10%.

Tại Đức, báo cáo mùa Xuân được 6 viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức công bố sáng 8/4 cho biết, nền kinh tế Đức trong quý I/2020 giảm 1,9%. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất tính theo quý kể từ năm 1970 ở Đức và giảm gấp đôi so với quý I/2009 khi khủng hoảng tài chính thế giới hoành hành. Trong khi đó, chính phủ Tây Ban Nha ngày 17/3 đã phải đưa ra gói tài chính trị giá 200 tỷ euro (tương đương 20% GDP) nhằm hỗ trợ các công ty, bảo vệ người lao động và các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Còn tại Italy, do tác động của lệnh phong tỏa toàn quốc, chi tiêu tiêu dùng tại Italy trong tháng 3 đã giảm 31,7% so với cùng kỳ năm 2019 và ước tính giảm 10,4% trong quý I/2020. Tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 cũng có thể khiến GDP của Italy giảm 13% trong tháng Tư, so với mức giảm 3,5% trong quý I/2020. Ngoài ra, chỉ số niềm tin và hoạt động kinh tế của Italy cũng giảm mạnh trong tháng 3.       

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào suy thoái. Nhận định mới nhất do Công ty Quản lý Đầu tư Thái Bình Dương (PIMCO) đưa ra cho thấy việc buộc phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh tới 20% do đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 30% trong quý II/2020. Các chuyên gia kinh tế của PIMCO nhấn mạnh, tốc độ và mức độ gián đoạn thị trường lao động tại Mỹ hiện đang diễn biến “tồi tệ” nhất từ trước tới nay, cho thấy sự suy giảm trong hoạt động tổng thể của nền kinh tế nước này có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.       

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, đồng thời cũng là trung tâm sản xuất của thế giới, mặc dù tốc độ lây lan của virus đã được kiểm soát, song tác động nghiêm trọng về kinh tế của dịch COVID-19 đã lộ rõ. Để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Trung Quốc - đã áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt và dừng các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, biện pháp này cũng đi kèm với những tác động nặng nề về kinh tế. Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 13,5% trong 2 tháng đầu năm và là lần giảm đầu tiên trong gần 30 năm qua.

Theo kết quả khảo sát của Reuters, kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 có thể giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã giáng một đòn mạnh vào khu vực tư nhân của Trung Quốc - vốn đóng vai trò ngày càng quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng tiền mặt, dẫn tới suy thoái kéo dài, buộc nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc thậm chí là đóng cửa hoạt động.   

Tại Nhật Bản, cuộc khảo sát về tình hình kinh tế Nhật Bản cho thấy, tâm lý của ngành dịch vụ sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã dẫn đến lệnh cấm du lịch và gây thiệt hại cho lĩnh vực tiêu dùng, qua đó gây cú sốc lớn cho kinh tế Nhật Bản.   

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Hàn Quốc, dịch COVID-19 đã làm gián đoạn thương mại và ngừng sản xuất. Trong 10 ngày đầu tháng 4/2020 xuất khẩu chip nhớ, một mặt hàng chủ chốt của Hàn Quốc, đã giảm 1,5% và xuất khẩu ô tô cũng giảm 7,1% so với một năm trước đó. Các thiết bị viễn thông không dây như smartphone giảm 23%, phụ tùng ô tô giảm 31%. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu thô giảm đột ngột do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu các chế phẩm dầu mỏ cũng giảm đến 47%.   

Trong khi đó, tại châu Phi, dịch COVID-19 đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực tại các nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn này. Theo Liên minh châu Phi (AU), khoảng 20 triệu việc làm tại châu lục có 1,3 tỷ dân này đang bị đe dọa bởi dịch COVID-19, đặc biệt tại các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch và khai thác dầu mỏ. Ngày 8/4, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đã ra mắt quỹ ứng phó dịch COVID-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia châu Phi các công cụ tài chính cần thiết trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kề từ cuộc Đại suy thoái   

Mặc dù cộng đồng quốc tế đã khẳng định nỗ lực trong việc giải quyết các tác động kinh tế do đại dịch COVID-19, song không giống như cú sốc ngân hàng năm 2008, khi người ta phần nào có thể định lượng được thiệt hại, thì COVID-19 vẫn còn là một "kẻ thù giấu mặt" và nền kinh tế toàn cầu còn có thể “ngấm đòn" sâu hơn khi mà các biện pháp phong tỏa cả quốc gia vẫn được duy trì. Bằng chứng là nguy cơ suy thoái là điều không thể tránh khỏi.   

Trong bối cảnh này, tối 14/4, IMF đã công bố báo cáo mới nhất cho biết kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.   

Tổ chức có trụ sở tại Washington dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1 chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết: "Rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ". IMF cũng dự báo phục hồi một phần sẽ diễn ra trong năm 2021, nhưng mức tăng trưởng GDP vẫn sẽ dưới thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.   

Về tình hình kinh tế khu vực, theo báo cáo trên, IMF dự báo Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong một đánh giá lạc quan hơn, IMF cho rằng sự hủy diệt kinh tế do đại dịch gây ra tại Eurozone sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020, khi các biện pháp chăn chặn dịch bệnh dần được gỡ bỏ. Các nước thành viên Eurzone khi đó sẽ phục hồi, nhưng ở tốc độ chậm hơn. IMF dự báo kinh tế Eurozone sẽ đạt tăng  trưởng 4,7% trong năm 2021.   

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa tại Long Beach, Los Angeles, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

IMF dự báo GDP của các quốc gia phát triển sẽ giảm 6,1% trong năm 2020. Trong khi đó, các quốc gia trong nhóm mới nổi và đang phát triển đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, trong khi dịch bệnh sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà xuất khẩu. Theo IMF, GDP của các quốc gia này sẽ giảm 1% trong năm 2020.   

Còn tại khu vực châu Á, nơi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang phần nào phát huy hiệu quả hơn cả, IMF dự báo GDP của khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng 1% trong năm nay. Song khu vực này được dự báo tăng trưởng khả quan trong năm 2021 với mức tăng 8,5%. IMF dự báo khu vực Mỹ Latinh và Caribe sẽ giảm 5,2% trong năm 2020 và tăng 3,4% năm 2021. Khu vực Trung Đông sẽ giảm 2,8% năm 2020 và tăng 4% trong năm 2021.   

IMF cũng dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế ở khu vực Nam Sahara của châu Phi sẽ giảm 1,6% trong năm nay do các lệnh phong tỏa, giới nghiêm của nhiều chính phủ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, GDP của nền kinh tế hàng đầu châu Phi như Nigeria, Nam Phi sẽ lần lượt giảm ở mức 3,4% cho đến 5,8% do dịch bệnh khiến nhu cầu trên thế giới giảm mạnh và giá hàng hóa lao dốc.   

Trong khi đó, IMF dự báo một loạt các nền kinh tế lớn như Mỹ, Brazil, Mexico, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Nga sẽ đều gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 khi chỉ tăng trưởng ở mức thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong năm 2020.   

Theo đó, kinh tế Mỹ dự báo suy giảm 5,9% trong năm 2020. Theo IMF, việc buộc phải đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh trên khắp đất nước và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh do đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm. Mặc dù Chính phủ Mỹ đã công bố các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ chưa từng có, song nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn phải đối mặt với rủi ro do các gói kích thích kinh tế này có thể không đủ lớn hoặc đủ nhanh để ngăn chặn các làn sóng phá sản của các doanh nghiệp và đại dịch COVID-19 có thể thay đổi về cơ bản hành vi tiêu dùng của người dân Mỹ. Sau đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 tại Mỹ, IMF dự kiến kinh tế Mỹ sẽ phục hồi 4,7% trong năm 2021 khi thị trường lao động cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của các lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ không đồng đều.   

Tăng trưởng GDP của Brazil, Mexico và Canada là tăng trưởng âm, lần lượt là -5,3%, -6,6% và -6,2% năm 2020.   

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể rơi xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã “chặn đứng” hoạt động của các doanh nghiệp cũng như đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng ngưng trệ. Theo IMF mức tăng trưởng trung bình đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2020 là 1,2% - thấp nhất kể từ năm 1976 - năm cuối cùng diễn ra cuộc Cách mạng Văn hóa tại Trung Quốc.   

Còn theo IMF, dự kiến kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,2% và kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 1,9 năm 2020.   

Tại các quốc gia châu Âu, IMF dự báo kinh tế Đức suy giảm 7% năm 2020, tăng 5,2% năm 2021; Pháp giảm 7,2% năm 2020 và tăng 4,5% năm 2021, Italy giảm 9.1% năm 2020 và tăng 4,8% năm 2021; Tây Ban Nha giảm 8,0%  năm 2020 và tăng 4,3% năm 2021; Anh giảm 6,5% năm 2020 và tăng 4% năm 2021 và GDP Nga dự báo giảm 5,5% năm 2020 và dự báo tăng 3,5%  năm 2021.      

Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo nợ toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới, nhấn mạnh rằng việc tái cơ cấu và giãn nợ có thể vẫn cần được duy trì sau khi kinh tế thế giới hoạt động bình thường trở lại sau các lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19.

Thanh Lâm/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link