Cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

10/07/2010 12:07 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 9/7, một chiếc máy bay Mỹ chở theo 10 thành viên của một đường dây gián điệp Nga bị an ninh Mỹ phát hiện, đã hạ cánh xuống Áo và đỗ cạnh một chiếc phản lực của chính phủ Nga chở theo 4 điệp viên đã làm việc cho các quốc gia phương Tây. Những chiếc máy bay tới đây để tham gia vào cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Mỹ thả 10, Nga thả 4

Kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay, thủ đô Vienna của Áo chưa từng chứng kiến một sự kiện nào như những gì đang diễn ra. Cánh cửa của hai chiếc máy bay phản lực cố tình bị che khuất khỏi sự chú ý của báo giới đang tụ tập tại sân bay Vienna, với hy vọng sẽ chộp được những diễn biến của cuộc trao đổi.

Nhưng hy vọng sớm trở thành thất vọng. Sau khoảng một tiếng rưỡi dừng lại để thực hiện các thủ tục, chiếc máy bay của Nga đã cất cánh, theo sau đó 10 phút là máy bay Mỹ. Giới chức địa phương hoàn toàn kín tiếng về những gì đang diễn ra. Song ai cũng hiểu cuộc trao đổi điệp viên đã kết thúc thành công.


Máy bay của Nga và Mỹ đỗ tại Áo trong quá trình trao đổi điệp viên
Kết thúc như trong phim của phi vụ trao đổi gián điệp này diễn ra sau khi các ông trùm tình báo Nga và Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Họ nhận được lệnh của các Tổng thống là không làm hỏng những đột phá ngoại giao quan trọng mà Mỹ và Nga mới đạt được. Đôi bên đi đến thống nhất sẽ tổ chức việc trao đổi 10 điệp viên Nga mới bị Mỹ bắt đổi lấy 4 người Nga đang bị giam cầm do làm việc cho phương Tây.

10 điệp viên Nga đã bị đưa ra tòa án Mỹ vào ngày 8/7. Tòa án đã đọc cáo buộc chống lại họ và tất cả bị trục xuất ngay lập tức. Ngay trong đêm, tới lượt Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký sắc lệnh ân xá cho 4 người Nga đang thụ án tại nước này vì làm gián điệp. Tiếp đó họ được đưa thẳng lên chiếc máy bay thuộc sở hữu của Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga để bay tới Áo.

Ở bên kia đại dương, 10 điệp viên Nga nối đuôi nhau lên máy bay của hãng hàng không Vision Airlines trong đêm 8/7. Đây cũng chính là chiếc máy bay đã đáp xuống Vienna vào sáng 9/7 để trao đổi điệp viên.

Mạng lưới điệp viên "nghiệp dư"

10 điệp viên Nga kể trên đồng loạt bị bắt giữ vào tháng trước. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt họ vì tình nghi làm gián điệp cho Nga.

Bản cáo trạng công khai được Bộ Tư pháp Mỹ công bố sau đó cho biết những người bị bắt là Anna Chapman, Mikhail Semenko, vợ chồng Richard và Cynthia Murphy, Vicky Pelaez, Juan Lazaro, Michael Zottoli, Patricia Mills, Donald Howard Heathfield  Tracey Lee Ann Foley và Christopher Robert Metsos. Tuy nhiên sau quá trình điều tra, cảnh sát Mỹ xác định hai điệp viên mang tên Richard và Cynthia Murphy có danh tính thực sự là Vladimir và Lydia Guryev. Trong khi đó Donald Heathfield có tên thực là Andrey Bezrukov.

Theo FBI, các điệp viên đã tiếp xúc gần với một khoa học gia đang làm việc trong dự án chế tạo bom nguyên tử xuyên phá hầm ngầm và một chuyên gia tài chính New York có nhiều quan hệ chính trị. Tuy nhiên họ vẫn chưa khai thác được thông tin quan trọng từ các nhân vật này.

FBI cũng cho biết các điệp viên có được yêu cầu thu thập thông tin về nhân sự Mỹ tham gia các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí hạt nhân, chương trình hạt nhân Iran và chiến lược quân sự ở Afghanistan trước chuyến thăm của ông Barack Obama với Nga hồi năm ngoái. Họ cũng tìm thông tin về thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và thông tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008.

FBI nhận xét nhóm điệp viên này hoạt động giống như thời chiến tranh lạnh. Họ dùng mực vô hình, mã hóa điện báo, liên lạc bằng mã vô tuyến, trao đổi thông tin tại nơi công cộng, giấu tài liệu tại nơi công cộng, trao đổi tài liệu qua ống kim loại rỗng. Họ chỉ sử dụng phương pháp hiện đại là dùng máy tính xách tay liên lạc với nhau qua mạng riêng. FBI đã theo dõi đường dây này suốt 10 năm và chỉ quyết định triệt phá vào thời gian gần đây. Hai nhân viên FBI đã giả làm điệp viên Nga để tiếp xúc với hai người trong nhóm, sau đó gài bẫy yêu cầu mỗi người chuyển một tin gián điệp về Nga. Một người đã làm theo yêu cầu.

Bất chấp việc gây ra cơn bão ngoại giao lớn sau khi bị bắt, nhóm điệp viên này được đánh giá là hoạt động khá "nghiệp dư" và không gây nhiều tác động tới an ninh Mỹ. "Không lợi ích an ninh lớn nào sẽ có được từ việc giam cầm lâu dài 10 điệp viên đó tại Mỹ" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố khi thông báo về kế hoạch trao đổi điệp viên với Nga.

Được biết lần trao đổi điệp viên lớn cuối cùng trong thời Chiến tranh Lạnh diễn ra vào năm 1985, khi hơn 20 gián điệp của hai miền Đông và Tây Đức được trao đổi trên cây cầu Glienicke nối hai nửa của thành phố Berlin.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link