Dịch COVID-19 đến sáng 25/9: Thế giới có 32.394.777 ca bệnh và 987.065 ca tử vong

25/09/2020 08:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê trên worldometers.info, tính đến 8h00 sáng 25/9, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 32.394.777 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 987.065 ca tử vong.

DịchCOVID-19: Không ghi nhận ca mắc mới, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh

DịchCOVID-19: Không ghi nhận ca mắc mới, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính từ 18 giờ ngày 24/9 đến 6 giờ ngày 25/9, Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 1.069 trường hợp mắc COVID-19.

Hiện châu Á đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có nhiều ca mắc nhất (9.935.973 ca) với 184.241 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ có 8.567.818 ca mắc và 303.981 ca tử vong. Tiếp theo là khu vực Nam Mỹ có 7.752.403 ca mắc với 244.883 ca tử vong.       

Tại châu Á, Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 5.816.103 ca mắc, trong đó có 92.317 ca tử vong. Tiếp theo là Iran với 436.319 ca mắc và 25.015 ca tử vong. Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines có số ca mắc cao nhất với 296.755 ca trong khi Indonesia ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 10.105 ca, gấp đôi con số ở Philippines.

Ngày 24/9, một ủy ban của Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đề xuất Chính phủ gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho tới hết tháng 10 nhằm đảm bảo sự hợp tác và phản ứng nhanh hơn của các cơ quan chính phủ trong cuộc khủng hoảng COVID-19. CCSA lưu ý sự gia tăng của các ca lây nhiễm ở nước láng giềng Myanmar, nơi số ca mắc mới hằng ngày đã tăng mức trên 500.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới với 7.184.801 ca mắc và 207.515 ca tử vong. Tại Bắc Mỹ, Mexico có số ca mắc cao thứ hai với 710.049 ca. Các nước như Canada, CH Dominica, Panama hiện đều ghi nhận hơn 100.000 ca mắc. Trong khi đó, tại Nam Mỹ, sau Brazil với hơn 4,6 triệu ca mắc, các nước như Colombia, Peru, Argentina đều ghi nhận hơn 670.000 ca mắc.       

Dù số ca nhiễm và tử vong tại châu Âu ít hơn nhiều so với 3 khu vực trên, song ngày 24/9, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động về tình hình dịch đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3 ở một số quốc gia thành viên. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã liệt kê Tây Ban Nha, Romania, Bulgaria, Croatia, Hungary, Cộng hòa Séc và Malta là những quốc gia đặc biệt "đáng lo ngại".  Theo đó, 7 nước trên đã ghi nhận hoặc đang có xu hướng gia tăng các trường hợp nhập viện, các ca nặng và cả số trường hợp tử vong. Tại các quốc gia khác như Pháp và Anh, tỷ lệ lây nhiễm gia tăng chủ yếu ở những người trẻ tuổi, vốn là đối tượng ít có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các nước này cũng đang ghi nhận xu hướng đáng lo ngại khi ngày càng có thêm nhiều người già nhiễm bệnh. Ủy viên EU phụ trách y tế Stella Kyriakides kêu gọi các biện pháp mới để ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ nhỏ tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Phi và châu Đại Dương là hai khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trên thế giới. Châu Phi ghi nhận tổng cộng 1.444.592 ca nhiễm và 34.758 ca tử vong. Tuy nhiên, là nơi tập trung những nước nghèo nhất thế giới, châu Phi gặp nhiều khó khăn hơn so với các nơi khác trong công tác phòng chống và ứng phó với các tác động của dịch. Ngày 24/9, nguyên thủ nhiều nước châu Phi đã kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) tăng cường đoàn kết quốc tế để đối mặt với đại dịch COVID-19, trong đó có việc hủy bỏ nợ công cho các quốc gia ở châu lục Đen và cung cấp hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Phát biểu của Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou gửi tới phiên họp cấp cao của Đại hội đồng LHQ Khóa 75 nêu rõ trong bối cảnh đối mặt với tình trạng khẩn cấp hiện nay, các nước châu Phi cần được hỗ trợ tài chính tương ứng với cuộc khủng hoảng kinh tế mà họ đang trải qua. Tổng thống CHDC Congo Félix Tshisekedi, Tổng thống Burkina Faso Marc Christian Kaboré cho rằng LHQ cần giãn nợ hoặc xóa nợ để giúp các nước đối phó với thách thức hiện nay. Tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara cho rằng các nền kinh tế lớn "hỗ trợ không đủ" và "không tương xứng với nhu cầu thực tế” của các nước châu Phi. Ông Ouattara ước tính châu Phi sẽ cần khoảng 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 3 năm tới.      

Người phát ngôn IMF Gerry Rice ngày 24/9 nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu ít u ám hơn so với dự báo đưa ra 3 tháng trước đây nhờ hoạt động kinh tế của Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến khác khả quan ngoài dự đoán, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức do dịch COVID-19 cũng như tác động của đại dịch đối với nhiều lĩnh vực kinh tế.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link