Dịch COVID-19: Đức thiết lập 'cầu không vận' để nhập thiết bị bảo hộ chống dịch

08/04/2020 21:29 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê của hãng thông tấn AFP (Pháp), tính đến 18h00 ngày 8/4 (giờ Việt Nam), hơn 750.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã được ghi nhận trên toàn châu Âu, chiếm hơn một nửa số ca nhiễm trên toàn thế giới đến nay. Tuy nhiên, AFP cho biết các số liệu chính thức này có thể chỉ phản ánh được một phần thực tế.

 Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của tình hình dịch corona tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới từ các cơ quan chức năng.

Với ít nhất 750.276 ca nhiễm, châu Âu hiện là châu lục bị tác động mạnh nhất của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Toàn thế giới hiện có 1.447.681 ca nhiễm, trong đó 83.401 ca tử vong. Italy là nước có số ca tử vong lớn nhất với 17.127 ca, trong khi Mỹ là quốc gia đơn lẻ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 400.549 ca.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Turin, Italy ngày 7/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* Tại Đức, Chính phủ liên bang đã tổ chức thiết lập “cầu không vận” để vận chuyển các trang thiết bị bảo vệ thiết yếu khẩn cấp từ Trung Quốc sang Đức. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Y tế Đức dự kiến mỗi ngày gửi 1 máy bay chở khách của hãng hàng không Lufthansa tới Thượng Hải để chở 25 tấn hàng. Ngoài ra, việc vận chuyển có thể thông qua Bộ Quốc phòng liên bang. Các biện pháp sẽ được lựa chọn để đáp ứng linh hoạt nhằm lưu thông hàng hóa. Trước đó, tối 7/4, 8 triệu khẩu trang y tế đã được chuyển từ Thượng Hải đến Müchen, bang Bayern, bằng máy bay của Lufthansa.

Các trang thiết bị bảo vệ dành cho nhân viên y tế như khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ hiện đang khan hiếm. Do đó, Chính phủ Đức đã bắt đầu mua sắm thêm các trang thiết bị bảo hộ từ nước ngoài nhằm phân phối cho các cơ sở y tế, bệnh viện và viện dưỡng lão.  

Theo số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, tính đến 11h00 ngày 8/4, nước này ghi nhận 103.228 ca nhiễm (tăng 4.003 ca so với ngày 7/4), 1.861 ca tử vong (tăng 254 ca). Giám đốc RKI Lothar Wiele cảnh báo: “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của đại dịch... dù tốc độ gia tăng đã giảm nhưng người dân phải rất cẩn thận”. 

* Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Croatia Zdravko Maric cho biết nước này cần khoảng 70 tỷ kuna (10 tỷ USD) trong vài tháng tới để tài trợ cho các biện pháp chống dịch. Trước đó, Chính phủ Croatia đã đưa ra một số biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, như giảm thuế hoặc hoãn nộp thuế trong 3 tháng tới, và hỗ trợ trả một phần lương cho lao động trong các công ty gặp khó khăn do dịch. Cuối tuần này, chính phủ dự kiến thảo luận với các nghiệp đoàn về khả năng giảm lương trong lĩnh vực công.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình N1 TV news, Bộ trưởng Maric cho biết: "Chúng tôi sẽ cần từ 65-70 tỷ kuna để đảm bảo tài chính cho các nhu cầu của chúng ta trong 3 tháng tới. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm số tiền này từ thị trường nội địa trước tiên, nhưng cũng sẽ nhờ tới các thị trường và các thể chế tài chính quốc tế".

Croatia hiện đang áp dụng phong tỏa từ giữa tháng 3 vì dịch. Nước này đã ghi nhận 1.282 ca nhiễm và 18 ca tử vong. Ngành du lịch, vốn tạo ra 1/5 thu nhập cho nền kinh tế, đã bị tác động nặng.

* Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu châu Âu (ERC) Mauro Ferrari đã từ chức nhằm phản đối cách Liên minh châu Âu (EU) ứng phó với dịch bệnh. Ông Ferrari là Chủ tịch ERC từ tháng 1 vừa qua. Phát biểu với tờ The Financial Times, ông bày tỏ "đặc biệt thất vọng" về các ứng phó của EU đối với dịch COVID-19. Một người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát ERC, xác nhận ông Ferrari đã từ chức và quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/4.

        Bích Liên - Thanh Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link