19/10/2020 22:42 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang worldometers.info, tính đến 22h ngày 19/10, thế giới ghi nhận tổng cộng 40.392.977 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.119.840 ca tử vong.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc tại đây lên 85.685 ca, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức 4.634 người. Trung Quốc đại lục đã gần như kiểm soát được tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nhờ áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Tuy nhiên, những ca mắc mới ghi nhận tuần trước ở thành phố Thanh Đảo (Qingdao) đã chấm dứt giai đoạn gần 2 tháng không có ca lây nhiễm nội địa.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới dịch COVID-19 duy trì ở mức dưới 100 trong 4 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, các ca mắc tại các ổ dịch ở các viện dưỡng lão tiếp tục gây cản trở cho những nỗ lực chống dịch. Ngày 19/10, nước này ghi nhận thêm 76 ca mắc COVID-19, trong đó có 50 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 25.275 ca. Giới chức y tế cũng cảnh báo các ca mắc mới rải rác vẫn tiếp tục được ghi nhận trên khắp cả nước, đặc biệt là các viện dưỡng lão. Tính tới ngày 19/10, một viện dưỡng lão ở phía Nam thủ đô Seoul cũng đã ghi nhận 73 ca mắc, tăng 14 ngày so với ngày trước đó.
Tại Đông Nam Á, quan chức tỉnh Tak ở miền Bắc Thái Lan đã thông báo đóng cửa biên giới với Myanmar trong vòng 1 tuần - từ chiều 18/10 đến sáng 25/10 - đối với hàng hóa quá cảnh nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19. Các cuộc xét nghiệm trước đó tại huyện Mae Sot cho thấy có 3 lái xe người Myanmar và 5 cư dân sinh sống ở gần cộng đồng Madina nhiễm COVID-19. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 18/10 đã tới Mae Sot và kêu gọi người dân địa phương không hoảng loạn. Các nhà chức trách Thái Lan cũng đang tăng cường giám sát dọc theo 542 km biên giới với Myanmar sau khi Thái Lan ngày 18/10 thông báo 7 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng giữa các công dân Myanmar ở Mae Sot; một trường hợp là một tài xế xe tải nhập cảnh từ Myanmar vào Thái Lan hôm 16/10; các trường hợp còn lại được ghi nhận trong khu cách ly. Tính đến 11h30 ngày 19/10, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.691 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 người đã tử vong
Tại châu Đại Dương, chính quyền bang Victoria của Australia thông báo thêm 4 trường hợp mắc mới COVID-19 ở bang này, trong bối cảnh các lệnh hạn chế được nới lỏng ở thủ phủ Melbourne. Sau hơn 100 ngày tuân thủ các lệnh hạn chế nghiêm ngặt, giờ đây 5 triệu người dân tại Melbourne được hoạt động ngoài trời 2 giờ đồng hồ mỗi ngày, song giới hạn trong phạm vi 25 km tính từ nhà, trong khi các cuộc tụ họp nơi công cộng vẫn bị hạn chế và các cửa hàng bán lẻ hay nhà hàng ăn hoạt động dưới hình thức cho khách mua mang về hoặc giao hàng tận nơi.
Tại Trung Đông và châu Phi, Iran thông báo thêm 337 ca tử vong vì dịch COVID-19, mức tử vong trong ngày cao nhất từng được ghi nhận tại quốc gia Trung Đông này. Bộ Y tế Iran cho biết trong những ngày gần đây, quốc gia này chứng kiến số ca tử vong tăng nhanh chưa từng có. Từ đầu tháng 9 tới nay, số ca mắc mới và tử vong trong ngày tại Iran đã vài lần chạm những mức cao mới. Kể từ khi dịch xuất hiện tại Iran hồi tháng 2 tới ngày 19/10, quốc gia này nhận 30.712 ca tử vong vì COVID-19, trong tổng số 534.631 ca mắc bệnh. Bộ Y tế Iran cho rằng dịch bệnh diễn biến xấu đi trong những ngày gần đây khi người dân lơ là cảnh giác, không tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo y tế, ý thức đeo khẩu trang chưa cao và chưa thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc.
Giới chức y tế Maroc ngày 18/10 thông báo ghi nhận thêm 2.721 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này lên 173.632 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ngày 2/3 vừa qua. Số ca tử vong cũng tăng lên 2.928 người, sau khi ghi nhận thêm 50 trường hợp trong 24 giờ qua.
Israel cho biết nước này ghi nhận 339 trường hợp mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua - con số thấp nhất trong một tháng trở lại đây, theo đó tổng số ca mắc ở nước này đến nay là 303.109 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tại Israel hiện là 2,209 trường hợp, sau khi có thêm 19 ca. Cùng ngày, Israel đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài một tháng qua để khống chế dịch bệh.
Liban đã đưa thêm 57 ngôi làng ở nước này vào danh sách phong tỏa, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng cao. Theo hãng thông tấn quốc gia Liban NNA, quyết định trên được chính phủ nước này đưa ra sau khi quốc gia Trung Đông này cùng ngày ghi nhận thêm 1.002 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại đây lên 62.286 trường hợp. Bên cạnh đó, Liban có thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do căn bệnh này lên 520 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ngày 21/2 vừa qua.
Tại châu Âu, Thị trưởng thủ đô Moskva (Nga) Sergei Sobyanin cho biết trong tuần trước đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy dịch bệnh COVID-19 đang được kiểm soát và không cần thiết phải áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hơn.Trong ngày 18/10, Nga ghi nhận 15.099 ca mắc mới, trong đó riêng Moskva có 4.610 ca mắc.
Xứ Wales (Anh) sẽ áp dụng lệnh phong tỏa toàn diện trong 2 tuần tính từ ngày 23/10 tới để kiềm chế số ca mắc mới bệnh COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng tại vùng lãnh thổ này. Theo quy định mới, mọi người dân trong vùng lãnh thổ này sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu mới được tới nơi làm việc. Người dân không được tụ tập với những thành viên các gia đình khác, trừ những người trưởng thành ở một mình hoặc bố/mẹ đơn thân. Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trên toàn vùng lãnh thổ này trong vài tuần gần đây kể cả khi chính quyền vùng đã siết chặt các biện pháp hạn chế tại nhiều địa điểm.
Slovenia cũng thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và cấm các hoạt động đi lại trong nước để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Theo đó, từ ngày 20/10, người dân được yêu cầu ở trong nhà từ 21h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, ngoại trừ những dịch vụ khẩn cấp và những người đi làm. Giới hạn số người được phép tụ tập hạ xuống mức 6 người và mọi hoạt động đi lại không cần thiết giữa 12 vùng trên cả nước cũng bị cấm. Các biện pháp mới được áp dụng trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tại quốc gia này tăng gấp đôi chỉ trong 1 tuần qua trong khi dố người cần nhập vieencj cũng tăng vượt số giường điều trị dự trữ cho các bệnh nhân COVID-19. Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Slovenia vốn kiềm chế thành công làn sóng dịch bệnh thứ nhất nhưng lại đang chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày tăng mạnh khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát.
Trong khi đó, Bỉ quyết định đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trên khắp cả nước trong 1 tháng, bắt đầu từ đêm 19/10. Đây là lần thứ hai nước này đưa ra quy định ngặt nghèo để ứng phó với dịch bệnh có chiều hướng gia tăng. Số bệnh nhân COVID-19 nhập viện để điều trị đã tăng hơn 100% trong vòng 1 tuần.
Cùng ngày, Áo công bố quy định hạn chế hoạt động tập trung đông người, theo đó cho phép tối đa 6 người trong không gian kín và 12 người ở ngoài trời. Hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Áo đã vượt cả giai đoạn dịch bệnh lên tới đỉnh điểm hồi tháng 3. Ở thời điểm hiện tại, Áo không ban bố biện pháp phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm tránh gây hoang mang cho người dân và giảm thiểu các thiệt hại kinh tế.
Tại châu Mỹ, Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris cho biết số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc đã giảm 7% trong tuần qua, và giảm 10% nếu xét trong giai đoạn 14 ngày trở lại đây. Theo ông Paris, trong 24 giờ qua, Chile ghi nhận thêm 1.759 ca mắc mới, trong đó có 47 ca tử vong. Như vậy, hiện quốc gia châu Mỹ này đã có 491.760 người mắc COVID-19 và 13.635 ca tử vong.
Trong các nỗ lực nhằm kiểm soát chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19, Chính phủ Panama đã quyết định thực hiện xét nghiệm đối với toàn bộ khách du lịch đến nước này. Nhà chức trách Panama ngày 18/10 thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm COVID-19 đối với du khách tại các sân bay chính của nước này. Quyết định trên được đưa ra gần một tuần sau khi quốc gia châu Mỹ này nối lại các chuyến bay quốc tế, sau 7 tháng tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Mỹ, Thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo đã công bố chương trình tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 gồm 5 giai đoạn. Các nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị, các nhân viên của các cơ sở chăm sóc dài hạn và những người cần được chăm sóc lâu dài sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm chủng ngay khi có vaccine ngừa COVID-19 được phê chuẩn và cung cấp cho bang này. Trong giai đoạn 2, các nhân viên trường học, nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực công và những người có nguy cơ cao do vấn đề sức khỏe sẽ được ưu tiên. Giai đoạn 3 là dành cho những người trên 65 tuổi; giai đoạn 4 bao gồm các nhân viên thuộc các lĩnh vực thiết yếu còn lại, và giai đoạn 5 là cho trẻ em và người lớn khỏe mạnh. Sự ưu tiên cũng thay đổi theo vị trí địa lý dựa trên mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Chương trình này sẽ cần tới 40 triệu liều vaccine do dân số bang New York là khoảng 20 triệu người, và các vaccine đang phát triển hiện nay có thể cần 2 liều mới hiệu quả.
Theo Đại học John Hopkins, tính đến chiều 18/10, bang New York đã có 33.347 ca tử vong do COVID-19, là bang có số tử vong cao nhất trên toàn nước Mỹ. Theo trang thống kê worldometers.info, Mỹ- quốc gia chịu tác động mạnh nhất trên thế giới- hiện có tổng cộng hơn 8,39 triệu ca nhiễm, trong đó có 224.816 ca tử vong do COVID-19.
Lê Ánh - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất