Dịch Covid-19 ngày 21/2: Thế giới có hơn 111.735.223 ca bệnh, 2.473.853 người đã tử vong

21/02/2021 22:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 tối 21/2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có hơn 111.735.223 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 2.473.853 người đã tử vong. Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là hơn 86.904.436 người, trong khi số người đang điều trị là hơn 22.299.997 ca.     

Dịch Covid-19: Indonesia ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm mới

Dịch Covid-19: Indonesia ghi nhận hơn 7.000 ca nhiễm mới

Ngày 21/2, giới chức Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 7.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 173 ca không qua khỏi.

Với 28.706.473 ca nhiễm và 509.875 ca tử vong, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10.991.651 ca mắc, trong đó có 156.339 ca không qua khỏi. Tiếp theo là Brazil với 10.139.148 ca mắc và 246.006 ca tử vong.    

Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 47.311 ca nhiễm mới và 932 ca tử vong đưa tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 33.079.380 và 790.188. Nga là nước có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất toàn châu lục, với 12.742 ca nhiễm mới và 417 người tử vong. Tính đến nay, tổng cộng đã có 4.164.726 ca mắc tại Nga, trong đó có 83.293 người không qua khỏi. Hiện nước này có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục.    

Chỉ trong hai ngày 19 và 20/2, cảnh sát thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã phát hiện tổng cộng 227 bữa tiệc vi phạm các hạn chế phòng, chống đại dịch. Những người tham gia đã không tuân thủ lệnh giới nghiêm, không đeo khẩu trang hoặc không có bất kỳ biện pháp phòng dịch nào. Do đó, cảnh sát yêu cầu người dân hợp tác và thể hiện trách nhiệm trong việc phòng, chống dịch bệnh.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Munich, Đức ngày 25/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, ông Christian Estrosi, Thị trưởng Nice, miền Nam nước Pháp đã đề nghị phong tỏa vào cuối tuần nhằm giảm thiểu lượng du khách tới thăm thành phố này. Hiện Nice đang là khu vực có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất tại Pháp, với 740 ca nhiễm mới/100.000 người dân trong 1 tuần. Theo ông Estrosi, tỷ lệ lây nhiễm tại đây đã tăng cao do lượng du khách đổ về thành phố này trong dịp Giáng sinh, các chuyến bay quốc tế tới Nice đã tăng từ 20 chuyến/ngày trước Giáng sinh lên tới 120 chuyến.    

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết trong cuối tuần này, chính phủ sẽ đưa ra quyết định về việc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tại Nice.   

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi ở nước này đã giảm, đồng thời khẳng định Anh sẽ dỡ bỏ phong tỏa theo từng giai đoạn. Theo ông, mỗi biện pháp nới lỏng được thực thi sẽ cần một vài tuần để đánh giá tác động. Trước tiên, các trường học sẽ mở cửa trở lại vào đầu tháng 3. Tuyên bố trên được ông Hancock đưa ra một ngày trước khi Thủ tướng Boris Johnson công bố kế hoạch nới lỏng hạn chế ở England.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, số ca nhiễm mới trên toàn khu vực là 31.244 người và số ca tử vong là 391.267 người. Trong 24 giờ qua, Iran là nước có số ca nhiễm mới cao nhất trên toàn châu lục, với 7.931 người. Bộ trưởng Iran cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Iraq nhằm kiểm soát dịch bệnh tại tỉnh Khuzestan, Tây Nam nước này.    

Trong khi đó, số ca nhiễm mới và tử vong tại Indonesia trong 24 giờ qua lần lượt là 7.300 và 173. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.278.653 ca nhiễm, trong đó có 34.489 người tử vong. Hiện Indonesia là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.    

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này có thêm 1.888 ca mắc COVID-19 và 20 người tử vong, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt là 561.169 và 12.088. Tổng cộng 522.843 người đã khỏi bệnh.     

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila,Philippines, ngày 19/1/2021. Ảnh:THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế Philippines, trong 24 giờ qua, đã có thêm 18 người nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, được cho là có tỷ lệ lây lan nhanh hơn. Trong số 18 người nhiễm biến thể mới, có 13 người Philippines trở về từ nước ngoài và 3 người là cư dân sinh sống ở miền Bắc nước này.    

Trung tâm xử lý tình hình dịch  COVID-19 của Thái Lan (CCSA) xác nhận 92 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, trong đó có 86 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 25.415 ca nhiễm, trong đó có 83 ca không qua khỏi.    

Campuchia cũng đã có thêm 17 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 15 ca liên quan tới "Sự cố cộng đồng ngày 20/2", đưa số ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng trong vụ này lên con số 47. Hai ca còn lại là người nhập cảnh vào Campuchia. Campuchia đang thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ nhưng cơ quan chức năng chưa có kế hoạch đóng cửa các trường học và một số địa điểm công cộng liên quan tới đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này ở thủ đô Phnom Penh.    

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 17/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, báo Nikkei đưa tin Tập đoàn Fujifilm của Nhật Bản sẽ tái khởi động thử nghiệm lâm sàng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19. Cuộc thử nghiệm mới sẽ có sự tham gia của 270 bệnh nhân. Fujifilm đặt mục tiêu xin phê chuẩn thuốc Avigan vào tháng 10 năm nay. Hiện đại diện của Fujifilm chưa phản hồi về thông tin trên. Trước đó, việc phê chuẩn sử dụng thuốc Avigan trong điều trị COVID-19 tại Nhật Bản đã bị trì hoãn sau khi một hội đồng y tế nước này tháng 12/2020 cho rằng các dữ liệu thử nghiệm không thuyết phục.      

Ngày 21/2, Australia đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên cả nước, với Thủ tướng Australia Scott Morrison là một trong những người đầu tiên được tiêm phòng tại một trung tâm y tế ở thành phố Sydney. Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố toàn bộ những người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 7. Chính phủ Anh nêu rõ mục tiêu hiện giờ là đến ngày 15/4, sẽ tiêm phòng mũi đầu cho toàn bộ những người trên 50 tuổi. Nếu toàn bộ những người trưởng thành được tiêm phòng mũi một vào cuối tháng 7, con số này sẽ vượt xa mục tiêu trước đó mà chính phủ đề ra là vào mùa Thu năm nay.    

Hàn Quốc thông báo sẽ bắt đầu tiêm 117.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho nhân viên y tế đang tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh vào ngày 27/2, một ngày sau khi số vaccine này dự kiến sẽ đến Hàn Quốc. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của công ty dược AstraZeneca (Anh) từ ngày 26/2, với những mũi tiêm đầu tiên dành cho nhân viên y tế và bệnh nhân dưới 65 tuổi tại các bệnh viện và cơ sở điều dưỡng.   

Malaysia đã quyết định đẩy sớm lịch tiêm phòng COVID-19 lên 2 ngày, sau khi lô vaccine đầu tiên của Pfizer/BioNTech đã đến nước này trong ngày 21/2.Tổng cộng có 312.390 liều vaccine của Pfizer/BioNTech đã đến Malaysia vào sáng cùng ngày. Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin nêu rõ lô vaccine thứ 2 sẽ đến vào ngày 26/2. Cứ hai tuần một lần, Malaysia sẽ nhận lô vaccine mới cho đến khi đơn hàng được hoàn tất.

Ông Khairy Jamaluddin cho biết chiến dịch tiêm phòng trên toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và ông Noor Hisham Abdullah, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, sẽ nằm trong số những người được tiêm đầu tiên.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link