Diễn biến COVID-19 tới 7h30 sáng 30/3: Số ca tử vong toàn cầu gần 34.000, nước Anh trong tình trạng khẩn cấp

30/03/2020 08:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/3, thế giới đã có trên 718.000 người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trên 33.800 người tử vong. Italy, Tây Ban Nha và Mỹ tiếp tục là các điểm dịch “nóng” nhất toàn cầu, dù ba nước này thậm chí còn chưa tới thời điểm đỉnh dịch.

Dịch COVID-19: Diễn biến dịch bệnh ngày 21/3

Dịch COVID-19: Diễn biến dịch bệnh ngày 21/3

Ngày 21/3, Trung Quốc đại lục thông báo ngày thứ 3 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới do lây lan trong nước nhưng đây lại là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm virus từ nước ngoài nhất. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu và có dấu hiệu nóng dần lên tại nhiều khu vực ở châu Á và châu Phi.

Tính tới 7h30 sáng 30/3 (theo giờ Việt Nam), số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 718.656. Trong vòng 24h qua đã có thêm 55.574 ca nhiễm mới. Theo số liệu của trang worldometers.info, ngày 29/3 là một trong những ngày thế giới chứng kiến số người tử vong cao nhất kể từ khi dịnh bệnh bùng phát tới nay với 3.035 ca, nâng tổng số người thiệt mạng trên thế giới lên 33.891.

Chú thích ảnh

Đại dịch COVID-19 hiện đã lan tới 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 150.918 trường hợp phục hồi sức khỏe. Mỹ, Italy, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Iran và Anh là những nước chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh chết người đang làm chao đảo thế giới này.

Châu Âu tiếp tục gồng mình chống dịch. Anh trong 24h qua cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh. Tới rạng sáng 30/3, số ca tử vong do COVID-19 tại Anh tăng thêm 209 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 1.228 người và 19.552 người bị mắc bệnh.

Chiều 29/3, Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương của Anh Robert Jenrick tuyên bố toàn bộ nước Anh hiện đặt trong tình trạng khẩn cấp, một điều chưa có tiền lệ trong thời bình.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Jenrick cho biết "chúng ta chưa bao giờ có lệnh này kể từ Thế chiến thứ 2", để chiến đấu chống lại virus SARS-CoV-2, các trung tâm điều phối chiến lược đã được thành lập trên khắp cả nước và chính phủ Anh sẽ không dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội được áp đặt hiện nay trong vài tuần tới.

Cũng tại cuộc họp báo, quan phụ trách y tế của vùng England, bà Jenny Harries, cảnh báo nguy cơ nước Anh sẽ đối mặt với làn sóng đỉnh dịch COVID-19 lần thứ hai nếu dỡ bỏ sớm những biện pháp phong tỏa, vốn được xem xét lại sau mỗi 3 tuần và cho rằng người dân Anh có thể sẽ phải thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài tới 6 tháng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một nhà ga ở London, Anh ngày 20/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Italy, giới chức y tế thông báo có thêm 756 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên tới 10.799 người kể từ khi dịch bùng phát tại đây ngày 21/2 vừa qua. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh tại Italy đã tăng thêm 5.217 ca lên 97.689 ca, chỉ xếp sau Mỹ - nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới.

Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Brescia Poliambulanza ở Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha đã công bố thêm 821 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua, một kỷ lục đáng buồn mới của nước này. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 29/3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 6.803 trường hợp, trong khi đó tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã tăng lên 80.110.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 30/3 – 9/4 tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra “chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế”. Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 20/3/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Pháp ngày 29/3 ghi nhận thêm 292 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng vì đại dịch COVID-19 tại nước này lên 2.606. Hiện tổng số ca mắc bệnh tại Pháp là 40.174, tăng 2.599 trường hợp so với một ngày trước.

Tại Đức, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29/3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay và không bác bỏ nguy cơ Đức sẽ rơi vào hoàn cảnh như ở Italy.

Ông Wieler nhận định có nguy cơ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới  máy thở trong các bệnh viện. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến trưa 29/3 theo giờ Đức, trên cả nước đã ghi nhận 58.247 ca nhiễm và 455 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở Bonn, Đức ngày 28/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nga, Thị trưởng thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, thông báo trong những ngày tới, việc rời khỏi nhà ra đường sẽ chỉ có thể nếu được cấp phép. Thị trưởng Sobyanin thông báo "trong những ngày tới, sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật và tổ chức, (công dân) sẽ có thể ra khỏi nhà nếu được cho phép, theo các quy định do chính quyền Moskva ban hành". Trong trường hợp không được cho phép, công dân sẽ không thể rời khỏi nơi cư trú. Để theo dõi hoạt động đi lại của người dân Moskva, Thị trưởng Sobyanin cho biết một hệ thống thông minh đặc biệt giám sát chế độ "cách ly" tại nhà sẽ được phát triển trong tuần tới.

Trước đó, chính quyền thủ đô Moskva thông báo, từ ngày 30/3, thủ đô nước Nga áp dụng chế độ "tự cách ly" đối với công dân mọi lứa tuổi. Người dân chỉ có thể rời nhà trong trường hợp cấp cứu và những trường hợp trực tiếp đe dọa tới tính mạng và sức khỏe khác; đi làm bắt buộc; mua sắm tại cửa hàng hoặc hiệu thuốc gần nhất; đưa vật nuôi đi dạo cách nhà không quá 100m; và đổ rác.

Chế độ "tự cách ly" đối với mọi cư dân tỉnh Moskva cũng được Thống đốc tỉnh Andrei Vorobyov công bố bắt đầu từ 20h00 ngày 29/3 tức 0h00 30/3 theo giờ Việt Nam. Tới nay, Nga đã ghi nhận 1.534 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 8 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 23/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ đã vượt qua cả Italy và Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Đến sáng 30/3, Mỹ đã ghi nhận 140.256 ca mắc và 2.457 ca tử vong do COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo dịch bệnh này sẽ tiếp tục tồi tệ hơn ở quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới này với số ca nhiễm tăng nhanh hằng ngày và đỉnh dịch có thể rơi vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tới.

New York là "tâm dịch" tại Mỹ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng đã lùi thời điểm tiến hành vòng bỏ phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 tại bang này từ ngày 28/4 sang ngày 23/6. New York hiện là tâm dịch COVID-19 tại Mỹ với số ca tử vong tại bang này chiếm tới 1/3 toàn nước Mỹ.

Ngày 29/3, Thống đốc Cuomo đã quyết định kéo dài lệnh đóng cửa mọi hoạt động tại tiểu bang này tới ngày 15/4 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại New York đã lên tới 59,513, tăng hơn 7.000 ca so với chỉ một ngày trước đó, với 965 người đã tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại nhà ga tàu hỏa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 25/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Á, sau một thời gian ngắn dịch bệnh có vẻ được kiểm soát tốt, ngày 30/3 Hàn QuốcNhật Bản đã chứng kiến các con số tăng trở lại.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 29/3 cho biết nước này sẽ tiến hành việc bắt buộc cách ly trong 2 tuần đối với tất cả những người nhập cảnh bắt đầu từ ngày 1/4 vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài ở Hàn Quốc đang gia tăng. Tính đến sáng 29/3, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 9.583 trường hợp và số ca tử vong là 152 trường hợp.

Đài NHK của Nhật Bản ngày 29/3 đưa tin, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 68 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Nhật Bản đã tăng lên gần 1.700 người, trong đó có 52 ca tử vong tính tới ngày 29/3, con số này không bao gồm những ca mắc bệnh trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly hồi tháng trước.

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh hồi tháng 12/2019, người phát ngôn Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mễ Phong cho biết, việc số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 "nhập khẩu" từ nước ngoài đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc làm tăng nguy cơ nước này sẽ phải đón nhận đợt lây nhiễm thứ 2. Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 693 ca nhiễm từ nước ngoài, điều đó có nghĩa là có nguy cơ tương đối lớn xảy ra một đợt lây nhiễm mới.

Tính tới rạng sáng 30/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 7.839 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 832 ca mới. 

Nhóm PV (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link