27/05/2020 07:30 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 26/5, Chủ tịch Ủy ban X (giám sát các vấn đề giáo dục, thanh niên, thể thao, du lịch, nghệ thuật và văn hóa) thuộc Hạ viện Indonesia, ông Syaiful Huda cho biết 143 trẻ em ở nước này đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Dẫn số liệu thống kê của Hiệp hội bác sĩ Indonesia (IDI), quan chức trên cho hay 129 trẻ em đã tử vong với các triệu chứng mắc bệnh, trong khi 14 em khác tử vong và đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Syaiful cũng kêu gọi Chính phủ cẩn trọng với kế hoạch mở lại các trường học do tỷ lệ lây nhiễm virus vẫn còn ở mức cao. Theo ông, việc buộc các trường học mở cửa trở lại vào thời điểm này "sẽ gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên".
Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ, tính đến ngày 26/5, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 23.165 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.418 ca tử vong.
Cùng ngày 26/5, truyền thông Indonesia đưa tin số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Indonesia dự kiến sẽ tăng mạnh vào tuần tới do nhiều người vi phạm các quy định về giãn cách trong kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri. Truyền thông địa phương dẫn lời người phát ngôn Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, ông Achmad Yurianto cho hay số ca nhiễm mới nhiều khả năng sẽ tăng mạnh vào tuần tới, dựa vào thời gian ủ bệnh trung bình của COVID-19.
Ông Achmad cho biết, trước lễ Idul Fitri, Lực lượng đặc nhiệm đã yêu cầu người dân tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng khi đi thăm gia đình và người thân, như tránh các cuộc tụ họp nơi công cộng, mang khẩu trang khi rời nhà, thường xuyên rửa tay sát trùng và đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, nhiều người đã không tuân thủ các hướng dẫn này.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Wahyono thuộc Đại học Indonesia cho rằng truyền thống tụ họp gia đình và bắt tay trong lễ Idul Fitri có thể làm suy yếu chính sách giãn cách xã hội của chính phủ và khiến số lượng người mắc COVID-19 gia tăng đột biến, đặc biệt là tại các vùng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vùng Đại Jakarta.
Theo ông Tri Wahyono, những người mắc bệnh song không xuất hiện triệu chứng có thể dễ dàng truyền bệnh cho những người khác. Theo tính toán, 1/5 trong số những người từng tiếp xúc với các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ bị mắc bệnh.
Ngoài ra, việc giảm khả năng xét nghiệm do nghỉ lễ cũng có thể góp phần làm gia tăng đột biến các ca nhiễm mới vào tuần tới. Dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ chưa đạt đỉnh vào đầu tháng 6 và số lượng các ca lây nhiễm có thể vượt 32.000 ca, khác với các dự báo.
Nguyễn Hữu Chiến/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất