Máy bay lớn nhất thế giới A380 bị nổ động cơ

05/11/2010 11:20 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 4/11, chiếc máy bay Airbus A380 mang theo 459 hành khách đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi một động cơ của nó phát nổ. Vụ việc đã chấm thêm một vết đen nữa vào “bảng thành tích” vốn đã khá nhiều sự cố của chiếc máy bay chở khách lớn nhất thế giới này.

Vụ nổ phát ra từ chiếc máy bay cỡ lớn của Hãng Hàng không Qantas (Australia), bay từ London (Anh) tới Sydney (Australia) thông qua điểm trung chuyển Singapore. Nhiều mảnh vụn đã bắn xuống đất ở khu vực miền Tây Indonesia. Chiếc máy bay sau đó hạ cánh an toàn trở lại Singapore để xử lý sự cố nhưng hành khách, phần lớn là người Anh, đã một phen khiếp vía.

Một sự cố nghiêm trọng

Theo báo chí Anh, khi chuyến bay QF32 của Qantas trở lại sân bay Changi, người ta có thể thấy động cơ số 2 ở cánh trái, nằm gần thân máy bay nhất, đã bị hỏng. 6 xe chữa cháy đã bao vây chiếc máy bay khi nó hạ cánh và một phóng viên địa phương chứng kiến sự việc từ đầu cho biết anh vẫn thấy khói bốc ra từ động cơ hỏng.


Động cơ chiếc A380 lộ rõ các hư hỏng sau vụ nổ

Các bức ảnh chụp lại cũng cho thấy động cơ có những vết cháy rõ rệt và bị mất một phần vỏ, vốn được sơn biểu tượng chú kangaroo màu đỏ của Qantas. Phần trên của cánh trái cũng bị hư hại một phần.

Geoff Reay, một người Australia sống ở đảo Batam của Indonesia kể rằng anh và hàng xóm nghe thấy tiếng nổ lớn bèn chạy ra phố. Họ thấy nhiều mảnh máy bay nằm khắp nơi trên mặt đất. Nhà chức trách Indonesia vẫn đang tìm hiểu xem vụ tai nạn có khiến ai thiệt mạng hay không.

Còn hành khách Rosemary Hegardy, 60 tuổi, người Sydney, nói rằng bà nghe thấy 2 tiếng nổ lớn và thấy lửa bùng lên ở ngoài cửa sổ. “Có lửa cháy với ánh lửa màu vàng... Bạn có thể thấy những vật nhỏ màu đen bắn ra khỏi đám khói, giống như những mảnh vỡ” - Hegardy kể. Thông tin của Hegardy đã được nhiều hành khách khác xác nhận. Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce đã bác bỏ việc động cơ bị nổ. Song ông đã ra lệnh cấm bay với toàn bộ phi đội A380 để điều tra nguyên nhân.

Vụ tai nạn gây ra nhiều đồn đoán. Kompas, một tờ báo hàng đầu của Indonesia đưa tin trên trang nhất rằng “có khả năng một chiếc máy bay Qantas đã phát nổ gần Batam”. Tiếp đó, tin tức lan nhanh trên mạng xã hội Twitter, khiến các quan chức Qantas phải lên tiếng bác bỏ.

Một phi công giấu tên của Qantas nói rằng trong các chuyến bay vòng quanh thế giới, chuyện động cơ ngừng hoạt động là điều bình thường. Tuy nhiên việc “nổ bay mất một phần động cơ là thảm họa hết sức nghiêm trọng”.


Nhiều mảnh vỡ của máy bay đã rơi xuống Indonesia

Điểm trừ cho “khách sạn bay 5 sao”

Airbus A380 là loại máy bay chở khách 2 tầng, 4 động cơ của Airbus. Nó bay thử lần đầu tiên vào ngày 27/4/2005 và bắt đầu các chuyến bay thương mại đầu tiên 2 năm sau đó. Nó được xem là máy bay chở khách lớn nhất, với khả năng mang theo 500 hành khách, “xanh nhất” vì xả ít khí thải gây hại môi trường và tĩnh lặng nhất khi hoạt động.

A380 thường được báo chí và giới chuyên gia gọi là “khách sạn bay 5 sao” vì đây là loại máy bay dân dụng duy nhất trên thế giới có các phòng ngủ với giường nệm, nhà hàng, quầy bar, phòng tắm spa. Máy bay cũng trang bị TV LED tại các không gian lớn trên máy bay và ở mỗi ghế ngồi. Hành khách có thể thưởng thức hơn 500 kênh truyền hình trên toàn thế giới, hơn 1.000 trò chơi và hàng chục nghìn bài hát, bản nhạc, bộ phim hoặc sử dụng mạng wifi tốc độ cao để giải trí và làm việc.

Kể từ khi ra mắt tới nay, chưa có vụ tai nạn chết người nào liên quan tới những chiếc A380. Song sự cố thì không phải hiếm. Hồi tháng 9/2009, một chiếc A380 của Singapore Airlines buộc phải quay trở lại xuất phát điểm Paris khi bay được nửa hành trình, do 1 trong 4 động cơ bị hỏng. Chiếc máy bay được thiết kế để có thể tiếp tục bay với 3 động cơ nhưng kíp lái đã chọn giải pháp an toàn. Tháng 4 năm nay, một chiếc A380 của Qantas đã vỡ 2 lốp khi hạ cánh xuống sân bay Sydney song không có ai bị thương.

Tro bụi núi lửa làm hỏng động cơ?

Giả thuyết tro bụi từ vụ phun trào núi lửa Merapi của Indonesia là nguyên nhân gây hỏng động cơ cũng đang được điều tra làm rõ. Ngọn núi lửa này nhả ra hàng đụn khói dày, trải dài về phía Nam tuyến đường chiếc máy bay đã bay qua.

Trước đó, hoạt động sản xuất A380 gặp sự cố vào năm 2006 khi người ta phát hiện ra rằng hệ thống dây điện được sản xuất ở Hamburg, Đức không lắp được vào những chiếc máy bay được lắp ráp ở Toulouse, Pháp, do xung đột phần mềm điều khiển. Việc bàn giao máy bay A380 cho các hãng hàng không cũng thường xuyên bị trì hoãn do nhiều lý do khác nhau.


Tính tới tháng 10/2010 có 234 chiếc máy bay Airbus A380 được đặt sản xuất và đã có 37 chiếc đang hoạt động trên toàn cầu. Ngoài 6 chiếc thuộc sở hữu của Qantas có 11 chiếc thuộc về hãng Singapore Airlines, 13 chiếc của hãng Emirates Airlines trong khi Air France có 4 chiếc và hãng Lufthansa của Đức có 3 chiếc.

Qantas nói rằng họ sẽ chỉ cho các siêu máy bay A380 cất cánh trở lại sau khi đã tìm ra nguyên nhân vụ hỏng động cơ, nhằm ngăn chặn các sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link