Mỹ không từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên

12/07/2018 15:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ sẽ không từ bỏ hoặc làm chệch hướng mục tiêu trong các cuộc đàm phán nhằm giải giáp chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trên đây là tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 11/7 khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News.

Trong bối cảnh xuất hiện những hoài nghi xung quanh việc Bình Nhưỡng giảm quyết tâm thực thi kế hoạch phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tháng 6 vừa qua giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Phó Tổng thống Pence khẳng định: "Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng rằng thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore có thể tiến triển và thông qua kết quả này chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác. Chúng tôi sẽ không từ bỏ hoặc làm chệch hướng mục tiêu này".

Trước đó, trong chuyến thăm Bình Nhưỡng nhằm bổ sung những chi tiết của thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ giải quyết mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên theo một cách thức hòa bình. Mặc dù thừa nhận còn nhiều việc phải làm, đặc biệt vấn đề thiết lập khung thời gian cho tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, song ông Pompeo khẳng định hai bên đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại một hội nghị ở Bang Maryland ngày 22/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau các cuộc hội đàm tại Bình Nhưỡng giữa Ngoại trưởng Pompeo và Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Mỹ và Triều Tiên đã đưa ra những phát biểu trái chiều về kết quả các cuộc đàm phán. Trong khi Washington cho là đã đạt được “bước tiến” trong mọi nội dung đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn, thì Bình Nhưỡng lại lấy làm tiếc về kết quả đàm phán và cho rằng phía Mỹ đã “đơn phương đưa ra những đòi hỏi thái quá”. Phía Triều Tiên cho biết đã đặt vấn đề chính thức tuyên bố chấm dứt chiến tranh trong tháng này nhân dịp kỷ niệm 65 năm ký hiệp định đình chiến năm 1953, nhưng Mỹ đã đưa ra nhiều lý do để hoãn kế hoạch trên. Triều Tiên khẳng định tuyên bố chấm dứt chiến tranh là một điều kiện tiên quyết để xây dựng lòng tin giữa các bên.

Liên quan tình hình Triều Tiên-Mỹ, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết ngày 12/7, Triều Tiên và Mỹ đã bắt đầu tiến hành cuộc thảo luận nghiệp vụ tại làng đình chiến Panmunjom về việc trao trả hài cốt binh lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các quan chức quân đội Triều Tiên và Mỹ đã tiến hành cuộc gặp tại khu vực an ninh chung (JSA) vào 9h00 ngày 12/7 (theo giờ địa phương) để thảo luận lịch trình và cách thức trao trả hài cốt binh lính Mỹ. Hiện có khoảng 100 hòm quan được chở trên các xe để sẵn sàng nhận các hài cốt binh lính Mỹ từ phía Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng và Washington đạt thỏa thuận.

Theo điều khoản 4 tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua, Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm kiếm và lập tức trao trả hài cốt những người thiệt mạng trong chiến tranh, tù binh sau khi xác minh rõ lai lịch.

Hơn 36.500 binh sĩ Mỹ đã tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Theo thống kê của quân đội Mỹ, khoảng 7.700 lính Mỹ bị coi là mất tích ở bán đảo Triều Tiên, trong đó 5.300 lính được cho là mất tích ở khu vực phía Bắc khu phi quân sự (DMZ) liên Triều. Vào những năm 1990, Triều Tiên đã trao trả Mỹ 46 bộ hài cốt, nhưng kết quả giám định cho thấy có nhiều bộ hài cốt bị trộn lẫn với nhau.

Mỹ, Hàn hợp tác chặt chẽ trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Mỹ, Hàn hợp tác chặt chẽ trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Các Bộ trưởng Quốc phòng của Hàn Quốc và Mỹ ngày 28/6 đã nhất trí theo đuổi các biện pháp xây dựng lòng tin với Triều Tiên chừng nào Bình Nhưỡng vẫn duy trì "đối thoại thiện chí".

TTXVN/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link