Mỹ mở đại sứ quán ở Bình Nhưỡng để đổi lấy kết quả phi hạt nhân hóa?

15/04/2018 14:27 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ sẵn sàng mở một đại sứ quán ở Bình Nhưỡng nếu như Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un diễn ra thành công, đạt được kết quả phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang họp bàn về các điều kiện để đạt được một thỏa thuận với các quan chức Triều Tiên nhằm cải thiện mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai quốc gia. Chi tiết về đề xuất của Mỹ luôn là tâm điểm quan tâm của giới truyền thông hiện nay trong bối cảnh cuộc gặp lịch sử dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6/2018.

Chú thích ảnh
Quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Sputnik

  Theo tiết lộ của kênh truyền hình CNN dẫn lời các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo và đội ngũ của ông tại CIA trong thời gian qua đã làm việc với phía Triều Tiên qua các kênh tình báo để thảo luận công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ sẵn sàng mở một đại sứ quán ở Bình Nhưỡng để đổi lấy kết quả phi hạt nhân hóa.

Quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho biết Triều Tiên đã cam kết thảo luận về vấn đề hạt nhân trong cuộc gặp tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hi vọng Mỹ sẽ đạt được kết quả mong muốn thông qua việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ.

Trong một tuyên bố, Văn phòng của Tổng thống Moon bày tỏ: “Tôi nghe rằng Mỹ và Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với tâm thế sẵn sàng và sự chân thành”.

Tổng thống Moon cũng gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với người đồng cấp Triều Tiên vào ngày 27/4 tới. Hiện cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Moon đang có chuyến thăm tới Washington để gặp người đồng cấp Mỹ John Bolton.

Hội nghị thượng đỉnh hai bên sẽ đánh dấu sự phát triển vượt bậc nhất trong quá trình đàm phám giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ Hiệp định khung được ký kết giữa hai nước năm 1994 tại Geneva. Bản thỏa thuận lúc đó quy định Triều Tiên sẽ phải ngưng sử dụng lò phản ứng nước nặng và được thay thế bằng lò phản ứng nước nhẹ, đồng thời Mỹ sẽ bình thường quan hệ thương mại và cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.

Thậm chí phía Triều Tiên còn đề xuất chấm dứt mọi chương trình của quốc gia liên quan đến việc sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung trong thời gian đàm phán sau khi ký kết Hiệp định khung, tuy nhiên phía Mỹ lại không tuân thủ cam kết, chưa bao giờ chuyển dầu cho Bình Nhưỡng cũng như thực hiện những điều kiện khác. Kết quả lịch sử Triều Tiên đã phải chứng kiến "Cuộc hành quân gian khổ" (Arduous March) – thời kỳ khủng hoảng kinh tế bao phủ Triều Tiên.

Đến năm 2003, Tổng thống lúc bấy giờ George W Bush, với ông John Bolton đang làm Trợ lý Ngoại trưởng giải quyết các vấn đề quốc tế, đã phá vỡ hiệp định khung chỉ vì nhận được thông tin tình báo cho rằng Triều Tiên lên kế hoạch làm giàu urani. Thậm chí ông Bolton còn hối thúc cựu Tổng thống Bush liệt Triều Tiên vào danh sách đen cùng với Iraq và Iran.

Đàm phán 6 bên được hình thành từ năm 2003 cũng không đem lại kết quả gì và chấm dứt trong thời kỳ đầu đương chức của cựu Tổng thống Barack Obama. Triều Tiên rút khỏi đàm phán vào tháng 4/2009 sau khi bị các quốc gia trừng phạt mạnh vì phóng vệ tinh – hành động mà cộng đồng quốc tế cho rằng thực chất để che giấu một cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Về sau, Mỹ cũng từ chối đối thoại trực tiếp với Triều Tiên.

Mặc dù lịch sử các bên đều chứng kiến những buổi đàm phán bỏ lửng không đem lại kết quả, song Tổng thống Moon Jae-in vẫn giữ nguyên thái độ lạc quan về các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên. “Tôi hi vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ đạt được những bước tiến đáng kể để đemlại kết quả phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình lâu dài tại đây”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa, sẵn sàng đối thoại với Mỹ

Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa, sẵn sàng đối thoại với Mỹ

Ngày 28/3, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã có chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm đầu tiên.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link