Nhìn lại diễn biến chính trong một năm xảy ra đại dịch Covid-19

11/03/2021 16:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/3/2021 đánh dấu tròn một năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Dịch Covid-19: WHO hoãn công bố báo cáo tạm thời về nguồn gốc dịch bệnh

Dịch Covid-19: WHO hoãn công bố báo cáo tạm thời về nguồn gốc dịch bệnh

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hoãn kế hoạch công bố báo cáo tạm thời về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 do một nhóm nhà khoa học của tổ chức này thực hiện trong chuyến điều tra tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - nơi được cho là khởi phát dịch bệnh vào tháng 12/2019.

Trong một năm qua, dịch bệnh đã diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường với những “tâm dịch” liên tục thay đổi. Cùng nhìn lại các diễn biến chính kể từ khi WHO tuyên bố về đại dịch COVID-19 một năm trước.

Những ca tử vong đầu tiên vì COVID-19       

Ngày 31/12/2019, Trung Quốc thông báo với WHO về việc xuất hiện một loại virus mới gây bệnh viêm phổi cấp. Sau đó hơn một tuần, đến ngày 10/1/2020, Trung Quốc thông báo đã có ca tử vong đầu tiên do virus này tại Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Và đến ngày 23/1/2020, Trung Quốc quyết định phong tỏa toàn bộ Thành phố Vũ Hán.   

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo về bệnh viêm phổi lạ, một số nước cũng đã xác nhận có các ca nhiễm đầu tiên như: Thái Lan (13/1/2020); Nhật Bản (15/1/2020); Hàn Quốc (20/1/2020). Châu Âu ghi nhận ca bệnh đầu tiên là ở Pháp (ngày 24/1/2020)…   

Philippines là nước ghi nhận ca tử vong đầu tiên bên ngoài Trung Quốc (ngày 2/2/2020), trong khi Pháp là nước ghi nhận có ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á (ngày 15/2/2020).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

WHO tuyên bố đại dịch toàn cầu   

Trong bối cảnh xuất hiện các ca bệnh viêm phổi lạ, ngày 22/1/2020, WHO đã triệu tập cuộc họp khẩn với giới chức y tế trên toàn thế giới.   

Đến ngày 30/1, WHO đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC), rồi sau đó xác nhận đây là “đại dịch toàn cầu” vào ngày 11/3/2020. Ở thời điểm này, con số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần chỉ trong vòng 2 tuần, với số quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lên 114, so với hồi đầu tháng 1/2020. Từ châu Á, chủng virus này đã xuất hiện ở châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ và châu Phi.

Châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa   

Sau Trung Quốc, “tâm dịch” COVID-19 chuyển từ Vũ Hán sang châu Âu, với Italy là “nạn nhân” đầu tiên của đại dịch. Italy đã phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có tiền lệ từ ngày 10/3/2020 do tốc độ lây lan khủng khiếp của virus. Sau Italy, Tây Ban Nha cũng ban bố lệnh phong tỏa (ngày 14/3/2020), Pháp (ngày 17/3/2020)...   

Đến ngày 17/3/2020, toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối. Các nhà lãnh đạo đã thống nhất áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào EU, trừ một vài ngoại lệ nhỏ. Cùng với đó, EU thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa và trang thiết bị y tế được thông suốt.   

Ngoài đóng cửa biên giới, phong tỏa các khu vực dân cư..., chính phủ hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tiến hành chính sách hạn chế giao lưu xã hội với mức nghiêm ngặt chưa từng có tiền lệ trong thời bình, nhằm giảm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 và không để hệ thống y tế quốc gia sụp đổ.   

Sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, ngày 13/3/2020, Mỹ cũng ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, đóng cửa để phòng dịch COVID-19, ngày 19/2/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Một nửa thế giới chịu tác động từ đại dịch COVID-19   

Ngày 2/4/2020, số liệu của hãng AFP cho biết, hơn 3,9 tỷ người - một nửa dân số thế giới - được yêu cầu hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết để tránh dịch bệnh lây lan. Ở thời điểm này, tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 1 triệu người.   

Đại dịch COVID-19 còn trở thành thứ dịch bệnh không chừa một ai, không phân biệt giàu nghèo, tuổi tác, giới tính, trình độ, giai cấp, quốc tịch. Kể cả các nguyên thủ thế giới, từ Thủ tướng Anh Boris Johnson - nguyên thủ đầu tiên trên thế giới mắc COVID-19 (ngày 27/3/2020), đến Thủ tướng Nga Mikhaiil Mishutin (ngày 30/4), Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (ngày 7/7), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngày 2/10)… đều không miễn nhiễm với COVID-19.   

Lúc này, thế giới bắt đầu chứng kiến những biến động vô cùng lớn bởi đại dịch thế kỷ COVID-19. Ngày 29/4/2020, hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ đã phải cắt giảm 16 nghìn việc làm. Nhiều hãng hàng không, nhà sản xuất ô tô, các hãng du lịch, cửa hàng đều bị ảnh hưởng và buộc phải sả thải nhân viên.

Làn sóng dịch lan sang Mỹ Latinh   

Ngày 7/6/2020, số người tử vong trên toàn cầu do COVID-19 lên tới hơn 400 nghìn người. Ở thời điểm này, Brazil đã trở thành quốc gia có số cả tử vong lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Rio De Janeiro, Brazil, ngày 6/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Những cột mốc nghiệt ngã   

Ngày 28/6/2020, tức là hơn 6 tháng sau khi dịch bùng phát, thế giới đạt mốc nửa triệu ca tử vong và số ca nhiễm bệnh là vượt 10 triệu người.   

Ngày 28/9/2020, sau 8 tháng rưỡi kể từ sau ca tử vong đầu tiên ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô cấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người trên toàn thế giới.

Ngày 15/1/2021, số người tử vong do COVID-19 trên toàn cầu vượt mốc 2 triệu người, trong khi số người nhiễm bệnh là hơn 94 triệu ca.   

Riêng nước Mỹ, ngày 22/2/2021 đã ghi nhận dấu mốc nửa triệu ca tử vong vì COVID-19, cao hơn ở bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào và chiếm khoảng 1/5 tổng số người trên thế giới chết vì virus SARS-CoV-2. Con số này nhiều hơn cả số binh sĩ Mỹ đã chết trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.

Sự xuất hiện của biến thể mới   

Trong 2 tuần cuối tháng 12/2020, số ca nhiễm mới tại Anh tăng lên đến 70%. Đây là mức gia tăng lây nhiễm vô cùng lớn nếu so với đỉnh dịch hồi mùa Xuân 2020. Sự gia tăng này được cho là do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2, vốn được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 9/2020 tại hạt Kent, sau đó nhanh chóng lây lan từ giữa tháng 12/2020. Đến đầu tháng 1/2021, biến thể mới đã lan rộng khắp toàn nước Anh.   

Ngoài biến thể được phát hiện ở Anh, các chủng dễ lây lan khác còn được phát hiện ở Nam Phi và Brazil.  

Hy vọng khống chế đại dịch nhờ vaccine   

Từ đầu tháng 12/2020, các chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19 đã bắt đầu được thực hiện ở Anh, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và tăng tốc từ đầu năm 2021.   

Tính đến ngày 9/3/2021, hơn 300 triệu liều vaccine trên đã được sử dụng trên toàn cầu.

An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link