12/05/2013 08:34 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về Reshma Akhter được xem là phép lạ trong thảm họa sập một tòa nhà 8 tầng ở Bangladesh, khi cô được tìm thấy còn sống sót sau 17 ngày xảy ra vụ tai nạn làm ít nhất 1.000 người thiệt mạng. Sau khi được giải cứu, cô đã lần đầu tiên kể về câu chuyện đặc biệt của mình từ trên giường bệnh.
Mỗi ngày, lực lượng cứu hộ lại gọi tìm người sống sót trong vụ tai nạn sập tòa nhà 8 tầng mang tên Rana Plaza ở Bangladesh, song chẳng có ai trả lời.
Tới ngày 10/5, một giọng nói yếu ớt của một cô gái bất ngờ vang lên: "Cứu tôi". Câu nói này đã mở màn cho một cuộc giải cứu chớp nhoáng được xem là phép lạ trong tấn thảm kịch.
Khi tòa nhà bắt đầu sập xuống, Reshma Akhter kể rằng cô đang làm việc trên tầng 2, trong nhà máy dệt may New Wave, nơi giúp sản xuất quần áo cho Primark và Bonmarche - các mặt hàng thời trang giá rẻ ở Anh.
Reshma Akhter, thời điểm mới được đưa ra khỏi đống đổ nát
Cô vội vã chạy ra ngoài xuống theo cầu thang, nhưng nhanh chóng thấy rằng mình đã mắc kẹt trong một khoảng trống an toàn, hình thành từ các trụ nhà gãy gục.
May mắn là Rana Plaza còn có trong nó một khu dịch vụ, với những cửa hàng bán đồ tạp hóa và cả hàng ăn. Nhờ vậy, Akher vẫn có thức ăn và nước đóng chai để dùng khi bị mắc kẹt.
Akher kể rằng có 3 đồng nghiệp cũng mắc kẹt cùng cô trong đống đổ nát. Nhưng tất cả đều đã chết trong nhiều ngày và có thể là nhiều tuần sau đó. Akhter đã dành những ngày cuối cùng sống trong cảnh giam cầm cạnh những cái xác thối rữa của họ.
Thức ăn dần cạn kiệt, tới chỗ chỉ còn lại chút đồ khô. Nước uống cũng cạn và Akhter phải uống nước cứu hỏa người ta phun vào tòa nhà để dập một số đám cháy bùng lên.
Nhưng Akhter vẫn không ngừng nghĩ tới việc thoát thân. "Tôi liên tục dùng gậy và sắt đập vào đống đổ nát để thu hút sự chú ý. Nhưng chẳng ai nghe thấy tôi cả. Tình cảnh thật tồi tệ. Tôi đã tưởng sẽ không còn được thấy ánh mặt trời thêm một lần nữa" - Akhter nói trong một cuộc phỏng vấn sau đó từ trên giường bệnh.
Tòa nhà Rana Plaza đã tước đi mạng sống của hơn 1.000 người khi nó sập xuống
Chỉ cần những lời cầu nguyện
Và rồi thần may mắn đã mỉm cười với cô. Jamal Sheikh, một nhân viên cứu hộ đã tình cờ nghe thấy tiếng cô khóc vào lúc 3 giờ chiều ngày 10/5. Trước đó, trong nhiều ngày, anh và các cộng sự đã chẳng tìm thấy gì ngoài các thi thể. Khi tòa nhà nặng hàng ngàn tất sập xuống, hàng trăm người bị nghiền nát ngay lập tức và vô số người khác chết vì kiệt sức trong lúc chờ được giải cứu dưới đống đổ nát. Shiek thậm chí đã tin rằng nhiệm vụ của mình và các cộng sự đang chuyển dần từ việc tìm người sống sót sang chỗ dọn dẹp đống đổ nát có khối lượng lên tới 7.000 tấn.
"Sau tiếng khóc là một tiếng thét: "Giúp tôi, cứu tôi với" - Sheikh hồi tưởng - "Tôi đã hỏi có ai ở trong đống đổ nát đó không và rồi một cô gái đã trả lời". Ngay lập tức, một chiến dịch giải cứu đã được vạch ra và kéo dài trong 40 phút. Người ta đã phải khoan một lỗ lớn tới chỗ Akhter để lôi cô lên khỏi đống đổ nát.
Kỳ tích sống sót sau khi bị mắc kẹt - Naqsha Bibi, bị chôn vùi 63 ngày trong căn bếp của nhà bà sau trận động đất Pakistan hồi năm 2005. Bà sống nhờ nước và đồ ăn đã ôi thiu. - Evans Monsignac, bị mắc kẹt 27 ngày trong
đống đổ nát sau trận động đất Haiti 2010 và chỉ giữ được
tính mạng nhờ uống nước cống. Park Seung Hyun, được kéo ra khỏi
đống đổ nát của một siêu thị ở Hàn Quốc vào năm 1995, 16
ngày sau khi nó sập xuống. Park sống nhờ uống nước mưa. - Pedrito Dy đã có 14 ngày sống trong đống đổ nát của một khách sạn sau trận động đất Philippines 1990. Anh sống nhờ uống nước và nước tiểu của mình. |
Chỉ khi ở trên giường bệnh, Akhter mới nhoẻn cười yếu ớt trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình. Cô cũng nhận điện thoại từ Thủ tướng Sheikh Hasina. Qua điện thoại, bà Thủ tướng nói với Akhter rằng sự sống sót của cô là "một kỳ tích phi thường". Akhter chỉ đáp lại nhẹ nhàng rằng cô vẫn khỏe và chỉ xin Thủ tướng cầu nguyện cho mình.
Tai qua nạn khỏi
Trả lời phỏng vấn báo chí, gia đình Akhter cho biết họ tưởng như con mình đã chết. Cha mẹ và các em cô đã thông báo việc cô bị mất tích với Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo, một nhóm tình nguyện địa phương chuyên thống kê người mất tích trong vụ tai nạn, và còn dành nhiều ngày để tới các bệnh viện, nhà xác, nhằm tìm hiểu về số phận con họ.
Mỗi ngày trôi qua, số người chết từ vụ tai nạn lại tăng lên vùn vụt, từ chưa đầy 200 người trong 24 giờ đầu tiên lên mốc 1.045 người. Vì lẽ đó, khi tổ chức từ thiện gọi tới báo cho mẹ Akhter biết rằng con bà vẫn còn sống, bà đã sốc tới mức phải được đưa vào viện điều trị.
Em gái của Akhter là Asma nói với một đài truyền hình địa phương rằng gia đình đã thắp nến kể từ vụ sập Rana Plaza, nhưng họ đã dần trở nên tuyệt vọng. "Chúng tôi đã đón chị ấy trở về khi tất cả đều đã không còn hy vọng sau mỗi ngày trôi qua. Thượng đế thật nhân từ" - cô nói.
Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất