28/04/2020 21:45 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - "Làn sóng lây nhiễm thứ hai" dịch COVID-19 là cảnh báo được nhắc tới nhiều vào thời điểm hiện nay khi các quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa - vốn được áp đặt nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Mặc dù sau 4 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc và lan ra khắp thế giới, khiến trên 3 triệu người mắc với trên 211.000 ca tử vong, tới nay có trên 924.000 người nhiễm virus được chữa khỏi, tâm dịch đầu tiên, tỉnh Vũ Hán hiện cũng không còn ca bệnh nào tại bệnh viện, song giới chuyên gia vẫn cho rằng virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo” với khả năng lây lan nguy hiểm, khó lường.
Thực tế diễn biến lây nhiễm COVID-19 trên thế giới đã cho thấy hàng loạt yếu tố "bất thường": 1/3 số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc không có triệu chứng, được coi là nhóm người "mang bệnh thầm lặng"; gần 200 ca tái nhiễm ở Hàn Quốc chỉ sau một thời gian ngắn được xác định khỏi bệnh; xuất hiện rất nhiều những ca mắc COVID-19 có thời gian ủ bệnh rất lâu hoặc những ca không xác định được nguồn gốc lây nhiễm...
Những yếu tố này khiến mối lo ngại về "làn sóng lây nhiễm thứ hai" càng có cơ sở, nhất là sau "hồi chuông cảnh báo" từ Singapore, quốc gia từng được coi như "hình mẫu" chống dịch thành công giai đoạn đầu, hồi cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm nay, sau một tháng đang trở thành "điểm nóng" dịch COVID-19 của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Singapore được đánh giá đã kiểm soát hiệu quả "làn sóng lây nhiễm thứ nhất" nhờ các biện pháp mạnh như kiểm soát biên giới chặt chẽ, truy dấu tích cực người nghi ngờ mắc bệnh, cách ly nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và có tỷ lệ xét nghiệm hàng loạt hàng đầu thế giới ngay khi các ca bệnh đầu tiên ở nước này được công bố cuối tháng 1...
Tình hình bắt đầu vượt tầm kiểm soát với ổ dịch bùng phát tại nhà hàng ở khu vui chơi giải trí Safra Jurong đầu tháng 3, do các hoạt động tập trung đông người tiếp tục được tổ chức, trường học, nhà hàng vẫn mở cửa bình thường. Bộ Y tế Singapore hồi trung tuần tháng 3 xác định rằng khoảng 1/5 trong tổng số 160 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc đảo này vào thời điểm đó đã không hạn chế tiếp xúc, tiếp tục đi làm, ra đường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng... Tiếp đó là tình trạng lây lan mạnh trong các khu tập thể dành cho lao động nhập cư.
Từ trên 100 ca (đầu tháng 3), số bệnh nhân COVID-19 ở Singapore sau 1 tháng tăng lên trên 1.000 người và đến ngày 28/4, nước này đứng đầu Đông Nam Á về số ca nhiễm, với 14.951 ca. Giới chuyên gia cho rằng các ca mắc COVID-19 tăng vọt tại đảo quốc với 5,7 triệu dân này, chủ yếu xuất phát từ làn sóng lây nhiễm bệnh thứ hai, với gần 80% số ca mắc liên quan đến lao động nhập cư sống trong 43 nhà tập thể trên cả nước cũng như liên quan đến người dân Singapore trở về từ Mỹ và Anh. Dù Singapore đã áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 7/4, song virus đã kịp lây lan ở cấp độ cộng đồng.
Đáng lo ngại hơn, dù đã nỗ lực truy vết tiếp xúc để chặt đứt chuỗi lây nhiễm, phong tỏa đất nước trong hai tuần, song tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn chưa thể kiềm chế và ngày càng xuất hiện nhiều ca mất dấu bệnh nhân đầu tiên (F0).
Thống kê cho thấy, hiện Singapore không thể tìm thấy nguồn lây nhiễm của 17 trong số 25 ca bệnh mới mỗi ngày. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 68% trường hợp lây lan trong cộng đồng ở Singapore được coi là mất dấu F0 và rất nhiều người có khả năng mắc bệnh mà vẫn chưa được phát hiện. Singapore đã phải gia hạn lệnh đóng cửa đất nước tới ngày 1/6 để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai,
Tại Trung Quốc, đầu tháng 4, người dân nước này chưa hết hân hoan khi thành phố Vũ Hán được gỡ bỏ lệnh cách ly, thì ngày 23/4, thành phố Cáp Nhĩ Tân - một trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa quan trọng ở vùng Đông Bắc, cũng là cơ sở công nghiệp quan trọng, đã phải phong tỏa chỉ vì để lọt 1 ca bệnh là du học sinh, 22 tuổi, trở về từ New York (Mỹ) hồi tháng 3. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy âm tính và do không hề có những triệu chứng thông thường của người mắc COVID-19 nên bệnh nhân chỉ được cách ly tại nhà. Du học sinh này sau đó đã lây cho hàng xóm.
Kết quả là ngày 9/4 xuất hiện 1 ca nhiễm mới ở Cáp Nhĩ Tân và đến nay thành phố này đã có trên 80 người mắc bệnh, biến thành phố 11 triệu dân trở thành tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Trung Quốc.
Ở tỉnh Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, việc gỡ bỏ phong tỏa quá sớm được cho là một trong những nguyên nhân khiến làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 quay trở lại. Cũng từng được coi là “mô hình thành công" trong việc khống chế COVID-19, khi dịch bệnh tràn vào Nhật Bản, cuối tháng 2 vừa qua, Hokkaido là địa phương đầu tiên của Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa các trường học, cấm tụ tập đông người và khuyến khích người dân ở nhà. Chính sách này phần nào đã phát huy hiệu quả khi số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ngày 19/3, chính quyền tỉnh đã quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, 26 ngày sau, chính quyền tỉnh này phải ban bố tình trạng khẩn cấp trở lại khi số ca mắc mới tăng tới 80% trong chưa đầy 1 tháng.
Bác sĩ Kiyoshi Nagase, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hokkaido, đã phải thừa nhận: “Tôi rất hối hận. Chúng tôi đáng lẽ không nên gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp”. Theo bác sĩ Nagase, làn sóng lây nhiễm thứ hai bắt đầu khởi phát khi thông báo gỡ bỏ phong tỏa được đưa ra ngay trước kỳ nghỉ cuối tuần và người dân Hokkaido đã tràn ra đường, ngồi lại trong các quán cà phê và tổ chức ăn mừng sau nhiều tuần “chôn chân tại nhà”. Trong khi đó, người dân Nhật Bản ở các vùng khác bắt đầu tới Hokkaido để du lịch, sinh viên trở lại học tập và các doanh nghiệp cử người lao động đến Hokkaido từ Tokyo hay Osaka.
Giới chuyên gia Nhật Bản cũng thừa nhận rằng chính quyền nhìn thấy nguy cơ từ những người đến từ nước ngoài, nhưng không nghĩ rằng việc di chuyển trong nước cũng có khả năng mang virus trở lại và “những gì xảy đến ở Hokkaido cho thấy sẽ rất nguy hiểm,… ngay cả khi khống chế được làn sóng lây nhiễm đầu tiên, chúng ta cũng không thể thỏa mãn”.
Theo quan điểm của Phó giáo sư về dịch tễ tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) Justin Lessler, dịch bệnh cũng như những đám cháy, khi có sẵn nguồn nhiên liệu, chúng sẽ bùng phát không kiểm soát; còn khi nguồn nhiên liệu dần cạn kiệt, chúng sẽ cháy âm ỉ. Điều này có nghĩa là một dịch bệnh đã tạm lắng dịu hoàn toàn có thể tái bùng phát khi có những điều kiện thích hợp, và nguy cơ này càng nghiêm trọng hơn khi những người mang mầm bệnh tồn tại trong cộng đồng không được phát hiện, bởi rất nhiều người nhiễm bệnh không hề có triệu chứng hoặc người tái nhiễm sau khi được công bố khỏi bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng không thể chắc chắn những người từng xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đã khỏi bệnh sẽ không bị tái nhiễm.
Ngay cả ở những nước được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh thành công như Việt Nam, với 270 ca mắc tính đến tối 28/4, trong đó 82% đã được điều trị khỏi (222 ca), không có ca tử vong và liên tiếp 12 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, song nhiều chuyên gia y tế cho rằng nguy cơ dịch vẫn tiềm ẩn, bởi tại Viêt Nam cũng xuất hiện các ca dương tính trở lại sau khi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Thực tế thì Việt Nam đã trải qua 3 giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, trong đó mỗi giai đoạn đều xuất hiện những yếu tố gây nguy cơ mới đòi hỏi các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn.
Giai đoạn đầu, Việt Nam đã đạt được thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập với những biện pháp tích cực và mau lẹ kể từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên ngày 23/1, và chỉ sau 1 tháng, toàn bộ 16 ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày không có ca bệnh mới, Việt Nam bước vào giai đoạn hai, từ ca xâm nhập lây sang người Việt Nam sau khi các ca bệnh 17 và 34 từ nước ngoài trở về nước.
Với quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ 0 giờ ngày 22/3, đồng thời thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với mọi trường hợp nhập cảnh, Việt Nam đã chặn tất cả nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Song cùng lúc đó, Việt Nam đã ghi nhận 3 ca bệnh mở đầu cho giai đoạn ba của dịch COVID-19: giai đoạn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, với các ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (Thành phố Hồ Chí Minh), sau đó là xã Sơn Lôi, huyện Mê Linh (Hà Nội). Thông qua các biện pháp giãn cách xã hội kịp thời, quyết liệt, dịch bệnh đã không bùng phát và Việt Nam đã kiểm soát được sự lây lan của virus.
Mặc dù vậy, các chuyên gia đánh giá giãn cách xã hội cũng không thể giải quyết được 100% dịch bệnh cũng như sự lây nhiễm trong cộng đồng, chỉ có thể giảm tối đa việc người mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành và ngược lại, hạn chế được sự lây lan một cách thấp nhất. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, với khoảng 40% người mang mầm bệnh không có triệu chứng, chưa thể loại trừ còn trường hợp người mang mầm bệnh đang sống trong cộng đồng, chưa kể những ca dương tính trở lại. Đó sẽ là nguồn “lây lan thầm lặng” tạo ra "làn sóng lây nhiễm thứ hai" khó kiểm soát khi thế giới vẫn chưa có vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 hay thuốc đặc trị.
Nói như ông Paul Anantharajah Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh học lâm sàng khu vực châu Á - Thái Bình Dương: "Chúng ta không an toàn ở bất cứ đâu cho tới khi mọi người trên toàn thế giới được an toàn". Bài học lịch sử, dịch cúm năm 1918, khiến 50 triệu người thiệt mạng, là ví dụ điển hình rằng dịch bệnh tấn công theo từng đợt nối tiếp nhau, đợt sau nghiêm trọng hơn đợt trước. Bài học tái bùng phát dịch dịch COVID-19 từ Nhật Bản, Singapore,... cũng đều cho thấy làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng và chỉ được phát hiện khi đã lay lan cho nhiều người.
Điều đó có nghĩa là nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai hoặc thậm chí thứ ba, thứ tư... vẫn đang rình rập, mà chỉ một chút chủ quan, lơi lỏng cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
NGỌC HÀ - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất