14/04/2021 08:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến gần 8h00 ngày 14/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 138.000.531 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.971.104 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 111.021.778 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 577.169 ca tử vong trong tổng số 32.069.660 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 172.115 ca tử vong trong số 13.871.321 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 358.718 ca tử vong trong số 13.601.566 bệnh nhân. Đáng chú ý, cả ba quốc gia trên chứng kiến dịch bệnh phức tạp hơn trong nhiều ngày qua.
Ấn Độ tiếp tục là điểm nóng của dịch bệnh khi đứng đầu thế giới về số ca mắc mới, lên tới 185.248 ca trong vòng một ngày qua, trong khi Brazil ghi nhận số ca tử vong cao nhất là 3.687 ca và số ca lây nhiễm mới là 80.157 ca. Mỹ cũng ghi nhận 76.596 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Còn tại châu Âu, tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu khả quan dù các nước đang triển khai mạnh mẽ chương trình tiêm vaccine. Cụ thể, Pháp đứng đầu châu lục này với 39.113 ca mắc mới, tiếp đó là Italy và Ba Lan lần lượt có thêm 13.447 và 13.222 ca mắc. Đức cũng xác nhận có thêm 10.772 ca lây nhiễm mới. Tại châu Á, ngoài Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng kiến tình hình dịch nghiêm trọng hơn khi tiếp tục ghi nhận 59.187 ca mắc mới.
Tại Ấn Độ, chính quyền bang Maharashtra - địa phương giàu có nhất Ấn Độ, đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó có áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn bao gồm cả thủ phủ Mumbai trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh và nguồn cung khí oxy thiếu hụt.
Theo quy định mới, tất cả cửa hàng không thiết yếu, trung tâm thương mại, cửa hàng và dịch vụ giao hàng thương mại điện tử sẽ phải dưng từ ngày 14/4 đến ngày 1/5. Các hoạt động quay phim, chương trình truyền hình cũng phải tạm dừng.
Các cuộc tụ họp hơn 5 người sẽ bị cấm. Các biện pháp trên được đưa ra sau khi bang Maharashtra áp đặt lệnh phong tỏa hồi cuối tuần, buộc 125 triệu người của bang này phải ở nhà cho đến cuối tháng 4, trừ ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Israel đang dần được kiểm soát nhờ các nỗ lực tiêm vaccine và những quy định hạn chế trong thời gian qua, Chính phủ Israel đã quyết định mở cửa cho du khách nước ngoài kể từ ngày 23/5 tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Yuli Edelstein và Bộ trưởng Bộ Du lịch Orit Farkash-Hacohen cho hay du khách nước ngoài được phép nhập cảnh vào Israel nhưng phải nằm trong các chương trình được tổ chức chặt chẽ. Lý do là để bảo đảm khả năng kiểm soát nguy cơ lây nhiễm. Du khách cần phải xét nghiệm PCR trước khi khởi hành tới Israel. Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben Gurion, du khách sẽ phải thực hiện 2 xét nghiệm gồm PCR và huyết thanh, nhằm xác nhận có kháng thể với SARS-CoV-2.
Israel hiện chưa công nhận giấy chứng nhận tiêm vaccine hay bình phục sau khi mắc COVID-19 của bất kỳ quốc gia nào. Chính phủ Israel dự kiến tiếp tục đàm phán với các nước liên quan đến việc công nhận chứng nhận đã tiêm vaccine của nhau để có thể bỏ qua khâu xét nghiệm huyết thanh.
Liên quan đến vấn đề vaccine, chính quyền ba bang bờ Đông nước Mỹ gồm New York, New Jersey và Connecticut ngày 13/4 đã phải ra lệnh hủy hàng nghìn ca đặt hẹn tiêm chủng vaccine do phải ngừng tiêm vaccine Johnson &Johnson (J&J) trong lúc nước Mỹ tiến hành điều tra tình trạng một số ca hiếm gặp bị đông máu sau khi tiêm vaccine J&J. Hiện cả ba bang đã yêu cầu người dân đặt lại hẹn trong lúc chính quyền bố trí thay vaccine J&J bằng vaccine Moderna và Pfizer.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 13/4, 6 phụ nữ tiêm vaccine J&J trong tổng số 6,8 triệu liều vaccine J&J đã được chủng cho người dân đến thời điểm này, gặp sự cố rối loạn đông máu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang ở Đức đã nhất trí ra khuyến nghị đối với những người tiêm mũi thứ hai sau khi đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca, theo đó những người dưới 60 tuổi đã được tiêm một mũi chế phẩm này có thể tiêm mũi thứ hai với một loại vaccine khác.
Theo đó, các trường hợp đã tiêm mũi một với AstraZeneca (công nghệ vector) nên tiêm mũi thứ hai với vaccine sử dụng công nghệ mRNA, có thể là vaccine BioNTech/Pfizer hoặc Moderna. Theo ông Klaus Holetschek, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế Đức, đây là giải pháp cơ bản tốt để bảo vệ hiệu quả mọi người. Tính đến tối 13/4, Đức đã tiêm chủng được 18,68 triệu liều, trong đó có 5,11 triệu người được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 6,2% dân số.
Thanh Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất