Thế giới có hơn 119 triệu ca bệnh, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất

12/03/2021 10:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 12/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 119.097.838 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.640.870 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 94.635.281 người.     

Dịch Covid-19: LHQ phát động phong trào ủng hộ cung cấp vaccine một cách bình đẳng

Dịch Covid-19: LHQ phát động phong trào ủng hộ cung cấp vaccine một cách bình đẳng

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 11/3, LHQ đã phát động phong trào lan tỏa trên mạng xã hội thông điệp ủng hộ cung cấp vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 một cách bình đẳng trên toàn thế giới với hashtag #OnlyTogether (tạm dịch: Chỉ có thể cùng nhau).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 543.599 ca tử vong trong tổng số 29.922.897 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 158.326 ca tử vong trong số 11.305.979 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 273.124 ca tử vong trong số 11.284.269 bệnh nhân.       

Tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 211 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 193 người và Slovenia 188 người/100.000 dân.       

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 39,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 886.000 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 707.400 ca tử vong trong hơn 22,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 551.500 ca tử vong trong hơn 30 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 261.400 ca tử vong trong hơn 16,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 107.100 ca tử vong, châu Phi có hơn 106.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là 958 người.     

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 11/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Mỹ, Chính phủ Argentina ngày 11/3 thông báo sẽ giảm tiếp nhận các chuyến bay từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Brazil và các nước Mỹ Latinh khác kể từ tuần tới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo quyết định trên, số chuyến bay từ Brazil, Mexico và châu Âu sẽ giảm 20%; từ Chile, Colombia, Ecuador, Panama và Peru sẽ giảm 30%; và từ Mỹ sẽ giảm 10%. Đây là biện pháp mới nhất nhằm hạn chế sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, Argentina sẽ không đóng cửa hoàn toàn biên giới như từng được áp dụng khi đại dịch COVID-19 mới xuất hiện.  Đến nay Argentina đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc COVID-19 khiến 53.359 người tử vong.  

Tại châu Phi, Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên ở khu vực Đông Phi được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, khi chiến dịch tiêm phòng được bắt đầu triển khai trong khu vực vài ngày gần đây. Trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Kagame (63 tuổi) xác nhận ông và vợ đã được tiêm phòng.

Tuy nhiên, ông không nêu rõ đã được tiêm loại vaccine nào. Vào tháng 2/2021, Rwanda là quốc gia Đông Phi đầu tiên triển khai tiêm vaccine chống COVID-19. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao, trong đó có các nhân viên y tế đã được ưu tiên tiêm phòng ngay sau khi Rwanda mua được 1.000 liều Moderna. Nước này có kế hoạch tiêm chủng cho 30% trong tổng số 12 triệu dân trong năm 2021 và 60% dân số vào năm 2022. Đến nay, Rwanda đã nhận được khoảng 100.000 liều Pfizer-BioNTech và 240.000 liều AstraZeneca/Oxford. Khoảng 230.000 người đã được tiêm vaccine.     

Kể từ khi dịch bùng phát, Rwanda đã áp đặt một số biện pháp nghiêm ngặt nhất để phòng chống virus SARS-CoV-2 lây lan và là một trong những nước đầu tiên của châu Phi đóng cửa hoàn toàn hồi tháng 3/2020. Thủ đô Kigali đã bị tái phong toả toàn bộ vào tháng 1/2021 sau khi số ca nhiễm mới gia tăng.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động nhập cư tại Gyeongsan, Hàn Quốc, ngày 11/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một số nước khác ở khu vực Đông Phi như Kenya và Uganda cũng đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng. Ethiopia - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở khu vực cũng sẽ bắt đầu triển khai tiêm phòng vào ngày 12/3.   

Tại châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sẽ bắt đầu tự cách ly sau khi ông tiếp xúc với một thành viên trong gia đình có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngoại trưởng Le Drian (73 tuổi) dự kiến xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lần đầu vào tối 11/3 (theo giờ Pháp) và xét nghiệm thứ lần hai vào ngày 17/3 - một tuần sau khi tiếp xúc với ca mắc COVID-19. Trong ngày 11/3, ông Le Drian - nhân vật số 2 trong Nội các Pháp - đã có cuộc gặp với những người đồng cấp của Đức, Jordan và Ai Cập nhằm thảo luận về tiến trình Trung Đông. Trước đó vào tối 10/3, ông Le Drian cũng đã có cuộc gặp song phương với đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry.   

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng cao kỷ lục trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50 triệu dân trước mùa Thu năm nay, nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Từ ngày 14/1 vừa qua, quốc gia có dân số khoảng 83 triệu người này đã tiêm chủng khoảng 10,56 triệu liều vaccine COVID-19 do hãng dược Sinovac Biotech Ltd của Trung Quốc sản xuất. Theo Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, hiện nước này đã ghi nhận 2,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 29.000 người đã tử vong.     

Nước Đức sẽ tiếp tục chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID19 của hãng AstraZeneca do chưa có bằng chứng rõ rệt nào về các phản ứng phụ nghiêm trọng từ việc tiêm phòng loại vaccine này. Thông báo của Viện Paul Ehrlich (PEI) - cơ quan chuyên trách phê duyệt vaccine của Đức - tối 11/3 khẳng định cho tới nay không có bằng chứng cho thấy ca tử vong ở Đan Mạch có liên quan đến vaccine của AstraZeneca.

Theo PEI, với những kết quả kiểm tra sơ bộ, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã tái khẳng định những đách giá tích cực đối với loại vaccine này. Việc có 30 người gặp sự cố về huyết khối gây tắc mạch trong số gần 5 triệu người được tiêm vaccine của AstraZeneca chỉ tương đương với tỷ lệ ghi nhận trong dân số khi họ không được tiêm chủng.     

Đức đưa ra tuyên bố trên sau khi có một số nước trong khu vực như Đan Mạch, Na Uy và Iceland báo cáo về một số trường hợp bị rối loạn đông máu sau khi được tiêm phòng vaccine.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link