Triều Tiên chìa 'cành ô liu' hiếm hoi cho Hàn Quốc?

02/01/2018 14:01 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Mặc dù mới gửi lời cảnh báo “nút hạt nhân luôn có sẵn trên bàn” gửi tới Mỹ song đối với Hàn Quốc, Triều Tiên dường như hạ giọng, chìa cành ô liu hiếm hoi cho quốc gia láng giềng khi đề nghị hai bên đối thoại về việc gửi phái đoàn tới Thế vận hội Olympics Mùa đông vào tháng tới.

Phát biểu trước sóng truyền hình quốc gia trong lời chúc năm mới gửi tới toàn dân ngày 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố lời chúc “về một nghị quyết hòa bình với quốc gia biên giới phía nam”.

Park Soo-hyun – người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Văn phòng Tổng thống rất hoan nghênh lời phát biểu của ông Kim về sự cần thiết cải thiện mối quan hệ liên Triều và mong ước của ông về việc gửi phái đoàn tới Thế vận hội.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia phát biểu lời chúc tới toàn dân năm mới. Ảnh: CNN
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia phát biểu lời chúc tới toàn dân năm mới. Ảnh: CNN

“Văn phòng Tổng thống bày tỏ mong muốn đối thoại với Triều Tiên bất kỳ lúc nào, tại bất kỳ đâu và không màng đến thủ tục lễ nghi nếu như điều đó góp phần làm bình thường hóa quan hệ hai nước và đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”, ông Park Soo-hyun khẳng định.

Những lời đề nghị từ phía nhà lãnh đạo Kim Jong-un đối với Hàn Quốc đã khiến giới phân tích bất ngờ và mô tả những câu từ đó là phần “đáng chú ý nhất” trong bài phát biểu của ông Kim, trong bối cảnh căng thẳng Bán đảo Triều Tiên suốt năm 2017 leo thang vì chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi một nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên: “Triều Tiên và Hàn Quốc phải phối hợp cùng nhau để giảm thiểu căng thẳng và tìm kiếm nền hòa bình, sự ổn định”.

Ông cũng tiết lộ thêm đại diện Triều Tiên sẽ bắt đầu các cuộc đối thoại với những người đồng cấp Hàn Quốc “sớm nhất có thể” để thảo luận về việc gửi phái đoàn tới Thế vận hội Mùa đông 2018 tổ chức tại Pyeongchang vào tháng tới.

Nhà lãnh đạo Kim cũng chúc Hàn Quốc tổ chức thế vận hội một cách thành công và cho rằng sự kiện lớn đó là “cơ hội tốt” để cho quốc tế thấy được sự vĩ đại của người Triều Tiên. Lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận được sự đồng thuận từ Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc.

Euan Graham – Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện nghiên cứu Lowy (Mỹ) - nhận định động thái hạ giọng từ phía Triều Tiên đối với Hàn Quốc là một điều bất ngờ.

“Cành ô liu Triều Tiên chìa ra cho Hàn Quốc, đó là sự thay đổi đáng kể nhất, vì từ trước đến nay, họ chưa từng thể hiện hứng thú muốn nối lại quan hệ với Hàn Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào vì vấn đề đó. Nhưng cành ô liu này lại được gói trong ‘giấy bọc’ có tính chiến đấu của Triều Tiên, nó không đồng nghĩa với việc chấm dứt chương trình hạt nhân… Thậm chí nếu họ gửi phái đoàn tới Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, tôi cũng không ngạc nhiên khi họ tiếp tục chương trình thử tên trong mùa xuân tới, có thể đó là một vụ phóng vệ tinh hoặc phóng từ tàu ngầm”, ông Euan Graham giải thích.

Cũng trong bài phát biểu mừng năm mới, nhà lãnh đạo Kim một lần nữa lên án các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. “Những cuộc tập trận quân sự mà các ông đang hợp tác với kẻ thù của chúng tôi là Mỹ phải được dừng lại ngay lúc này, vì động thái đó chỉ tạo thêm khói lửa và sự hủy diệt lên đất nước tươi đẹp này”, ông Kim Jong-un tuyên bố, rõ ràng gửi tới Hàn Quốc.

Tong Zhao – một nghiên cứu viên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua (Bắc Kinh, Trung Quốc) - phân tích rõ ràng nhà lãnh đạo Kim “không muốn thể hiện theo lối đe dọa và gây hấn”.

Chuyên gia Tong giải thích: “Ông muốn thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng vũ khí hạt nhân của nước này hoàn toàn để phục vụ mục đích phòng vệ và muốn một giải pháp được đàm phán với Mỹ trên điều kiện ông vẫn muốn giữ năng lực phòng thủ hạt nhân của nước mình. Sau khi đạt được năng lực hạt nhân chiến lược sơ bộ, Triều Tiên có thể muốn làm giảm căng thẳng và coi Thế vận hội Mùa đông là một cơ hội vàng. Sự kiện đó là nơi mà Washington và Soeul có thể đáp ứng yêu cầu từ phía Bình Nhưỡng trong việc điều chỉnh các cuộc tập trận quân sự - mà không bị mất mặt và thể hiện sự yếu đuối trước Bình Nhưỡng”.

Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đồng thuận áp đặt một loạt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên sau khi nước này thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 vào ngày 29/11. Các lệnh trừng phạt nhằm chặn nguồn cung năng lượng cho nước này và thắt chặt các hoạt động buôn lậu, sử dụng người lao động Triều Tiên tại nước ngoài.

Theo bài viết được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xuất bản ngày 30/12, Bình Nhưỡng cam kết vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân trong năm 2018 và cảnh cáo thế giới “không nên hi vọng bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách”.

Từ những năm 1990, Triều Tiên đã mua một lượng lớn công nghệ tên lửa của Nga

Từ những năm 1990, Triều Tiên đã mua một lượng lớn công nghệ tên lửa của Nga

Chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo trong những tháng gần đây và tuyên bố rằng hiện Bình Nhưỡng đã có được năng lực tấn công vươn tới lãnh thổ trên đất liền của Mỹ bằng bom hạt nhân.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link