26/09/2012 08:57 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 25/9, Trung Quốc đã chính thức đưa tàu sân bay đầu tiên của nước này vào trang bị, trong bối cảnh tranh chấp biển đảo với Nhật Bản đang dâng cao. Tuy nhiên hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc còn khiến nhiều hàng xóm khác ở châu Á lo ngại.
Trung Quốc đã tiến hành lễ bàn giao tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh cho Hải quân với sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp nhất là Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, như một màn phô trương sức mạnh trong thời điểm căng thẳng với Nhật Bản đang tăng cao liên quan tới quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.
Công cụ bảo vệ lợi ích quốc gia
Tàu Liêu Ninh, tên cũ Varyag, đã được đóng trong những năm 1980 cho quân đội Liên Xô, nhưng chưa bao giờ hoàn thành. Khi Liên Xô sụp đổ trong năm 1991, Varyag đã nằm lại tại xưởng đóng tàu của Ukraina. Một công ty có quan hệ với Quân đội Giải phóng Trung Quốc (PLA) đã tiến hành mua lại con tàu, khi Ukraina định rã nó làm sắt vụn. Công ty này mua Varyag thành công hồi năm 2001, khi công bố ý định biến nó thành một sòng bạc nổi và đặt trên vùng biển Macau. Tuy nhiên con tàu đã được kéo thẳng tới cảng Đại Liên của Trung Quốc để trùng tu. Năm 2011, quân đội Trung Quốc mới xác nhận việc Varyag đang được tân trang để là tàu sân bay đầu tiên của nước này.
Dù Đại Liên vẫn chưa có chiếc máy bay nào ở trên nó, giới chức Trung Quốc đã vội vã dành hết lời ca tụng nó. Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong thông báo chính thức có nói rằng việc bổ sung tàu sân bay mang tên Liêu Ninh vào trong trang bị sẽ giúp "nâng cao sức mạnh chung của hải quân Trung Quốc" và giúp Bắc Kinh bảo vệ hiệu quả chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia".
Zhang Zheng, thuyền trưởng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc |
Hay chỉ là một biểu tượng?
Bất chấp việc dư luận Trung Quốc sốt sắng mong chờ rằng tàu sân bay mới sẽ sớm trở thành soái hạm của Hải quân, các chuyên gia quốc phòng nói rằng con tàu sẽ chỉ đóng vai trò biểu tượng và nền tảng thử nghiệm nhiều hơn là một vũ khí chiến đấu khiến đối phương e ngại. "Sẽ có nhiều yếu tố chưa lường trước xuất hiện, nhưng Trung Quốc sẽ phải mất từ 3-5 năm để con tàu có thể đi vào hoạt động hoàn chỉnh" - Carlo Kopp, sáng lập viên tổ chức tư vấn Air Power Australia đánh giá.
Một thách thức lớn nhất là Trung Quốc đang đối mặt là chế tạo các máy bay phản lực cánh cố định với khả năng hoạt động trên con tàu. Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển mẫu máy bay J-15, được cho là sao chép lại từ nguyên mẫu Su-33 của Nga, vốn thiết kế để hoạt động trên loại tàu Varyag. Dù mẫu J-15 đã khá hoàn chỉnh, nhưng việc chỉnh sửa để các phần mềm điều khiển bay, hệ thống điện tử, vũ khí, ra đa... hoạt động hoàn hảo trong bộ khung nhái là một thách thức lớn, có thể khiến Trung Quốc tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc.
"Có rất nhiều lĩnh vực kỹ thuật mà Trung Quốc phải nghiên cứu kỹ trước khi họ có một chiếc máy bay có thể hoạt động một cách tin cậy trên tàu sân bay" - Kopp đánh giá. Ngoài máy bay phản lực, Trung Quốc còn thiếu máy bay trực thăng phục vụ hoạt động chống tàu ngầm, máy bay cảnh báo sớm, tìm kiếm và cứu hộ. Trung Quốc cũng chưa có một chiến lược và học thuyết để sử dụng và bảo vệ các tàu sân bay khi nó hoạt động xa bờ biển quê nhà. Cần biết rằng các tàu sân bay Mỹ luôn phải hoạt động dưới sự bảo vệ của rất nhiều tàu chiến, tàu hỗ trợ và tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân.
Tàu Liêu Ninh trong lễ bàn giao cho Hải quân Trung Quốc |
Tiến chậm nhưng chắc chắn
Khó khăn và thách thức là rất lớn, nhưng các chuyên gia nói rằng Trung Quốc vẫn đang tiến về phía trước một cách từ từ, tới chỗ trở thành một lực lượng có tàu sân bay hoạt động hoàn chỉnh. Được biết Trung Quốc đã đặt tham vọng tự đóng được các tàu sân bay nội địa vào năm 2015 cùng các tàu hỗ trợ đi cùng chúng.
Tờ Wall Street Journal đánh giá thời gian tới các hàng xóm của Trung Quốc ở Đông Nam Á, cũng như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Australia và Mỹ sẽ theo dõi kỹ các diễn biến tiếp theo ở Trung Quốc. Người ta muốn biết sau khi Liêu Ninh được đưa vào Hải quân, Trung Quốc sẽ sử dụng con tàu ra sao và họ sẽ đóng thêm bao nhiêu tàu sân bay nữa.
Quan trọng hơn, thông qua việc quan sát các diễn biến liên quan tới Liêu Ninh, người ta có thể thấu hiểu được tham vọng của Trung Quốc trên biển, cũng như ý định sử dụng các công cụ cần thiết để thực hiện tham vọng. Có thể thấy điều này qua tuyên bố của tướng Trung Quốc Qian Lihua hồi tháng 11/2008: “Câu hỏi không phải anh sẽ sắm tàu sân bay hay không, mà anh sẽ dùng tàu sân bay ra sao".
Các nước có tàu sân bay trên thế giới: Mỹ có 11 tàu trong phục vụ, 3 tàu đang được đóng mới Nga có 1 tàu, mang tên Đô đốc Kuznetsov Anh còn 1 tàu HMS Illustrious chở trực thăng và 2 tàu khác đang được đóng Trung Quốc có tàu Liêu Ninh, hiện chưa được trang bị máy bay Pháp sở hữu tàu Charles de Gaulle Ấn Độ sở hữu tàu Viraat, tên cũ là HMS Hermes. Nước này cũng đang biến đổi một tàu sân bay khác là Đô đốc Gorshkov, thành Vikramaditya. Một con tàu khác cũng đang được đóng. Italia sở hữu 2 tàu sân bay là Giuseppe Garibaldi và Cavour Tây Ban Nha có 1 tàu sân bay, mang tên Principe De Asturias |
Tường Linh (Theo Reuters)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất