Trung Quốc: Ngoại giao “đệ nhất phu nhân”

27/03/2013 11:40 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Với nụ cười nở trên môi, trên người bận một bộ váy màu đen đơn giản và tay cầm một chiếc túi không thương hiệu, tân đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện đã tự tin bước ra trước ánh đèn sân khấu quốc tế hôm 23/3.

Với cư dân Trung Quốc, lối ăn mặc giản dị nhưng trông sang trọng khiến bà lập tức trở thành một biểu tượng thời trang mới. Còn theo giới quan sát, việc bà xuất hiện nổi bật như thế đã nằm trong chiến lược khuếch trương quyền lực mềm của Trung Quốc.

Cộng đồng mạng phát sốt

Hình ảnh bà Bành Lệ Viện bước ra khỏi máy bay ở Moskva, trong chuyến công du đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra nước ngoài, vẻ bền ngoài sang trọng và xinh đẹp bên cạnh chồng đã khiến cộng đồng mạng Trung Quốc như phát sốt.

“Đẹp quá, Bành Lệ Viện, quá đẹp! Thật điềm tĩnh, thật quý phái" - một người sử dụng viết trên mạng xã hội Sina Weibo của Trung Quốc. "Làm sao người ta có thể không yêu mến một quý bà như thế?" - người khác viết.

Nhiều người tỏ ý băn khoăn không biết bà Bành mặc gì mà trông sang trọng thế. "Đôi giày của bà trông giống như loại hạng nhất và ai đã thiết kế túi xách cho bà thế?" - một người viết trên Weibo. Những người tinh mắt đã chỉ ra rằng chiếc túi da bà cầm và chiếc áo khoác đen là sản phẩm của thương hiệu thời trang Exception có trụ sở ở Quảng Châu.

Bà Bành Lệ Viện xuất hiện đầy tự tin tại Moskva...

Exception đã được đánh giá là một trong những thương hiệu thời trang độc lập hàng đầu của Trung Quốc, chuyên cho ra các sản phẩm đơn giản nhưng độc đáo và nổi bật trong một ngành công nghiệp thời trang nội địa đầy rẫy đồ nhái theo phương Tây.

Việc bà Bành sử dụng các mặt hàng thời trang do Trung Quốc sản xuất như thế đã lập tức được ca ngợi sẽ giúp khích lệ ngành công nghiệp thời trang trong nước. Người ta thậm chí đã so sánh khoảnh khắc bà Bành bước ra khỏi máy bay với "khoảnh khắc Jason Wu". Wu là nhà thiết kế người Canada gốc Đài Loan, đã nổi tiếng khi đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama mặc một trong các bộ trang phục do ông thiết kế.

"Các thương hiệu cao cấp lớn ở châu Âu hoặc Mỹ thường là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc giàu có khi họ ăn diện" - Hong Dongni, một cố vấn của Trung tâm Tư vấn quản lý thương hiệu thời trang Golden Wisdom có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết - "Nhưng tôi tin rằng các thương hiệu thời trang hàng đầu ở trong nước sẽ gây chú ý nhiều hơn tại quê nhà, sau khi bà Bành cho thấy sự sang trọng và tự tin dù mặc đồ nội địa".

Exception được Mao Jihong và Ma Ke thành lập vào năm 1996 ở Quảng Châu và có 60 cửa hàng tại đây. Trong mấy ngày qua, những chiếc áo khoác và túi da giống loại bà Bành sử dụng đã bán hết veo. Không chỉ có Exception mà một số thương hiệu thời trang nội địa khác như công ty quần áo phụ nữ Lancy và thương hiệu thời trang Trands hay hãng sản xuất đồ da Kaiser cũng tăng mạnh lượng hàng bán ra.

Phá vỡ truyền thống

Với việc bước ra chính trường nổi bật như thế, bà Bành đã phá vỡ truyền thống ở Trung Quốc. Truyền thống đó là các đệ nhất phu nhân chỉ đóng vai trò mờ nhạt ở hậu trường.

“Đây là sự thay đổi hoàn toàn" -  Li Huiying, một học giả tại Trường Đảng trung ương ở Bắc Kinh nói. "Lần đầu tiên đệ nhất phu nhân Trung Quốc xuất hiện như một người phụ nữ hiện đại. Bà mặc rất đẹp, có gu và rất tự tin" - Zhang Yu, Tổng Biên tập tạp chí Vogue Trung Quốc nhận xét - "Đây là một sự kiện ghi dấu mốc".

...Và tại Tanzania

Thực tế, trước chuyến công du này, bà Bành đã nổi tiếng hơn chồng, bởi bà là ca sĩ với sự nghiệp được ca ngợi. Bà Bành, 50 tuổi, là một thiếu tướng trong Quân đội giải phóng Trung Quốc và thường biểu diễn trước cả ngàn người trong các buổi hòa nhạc. Thậm chí bà còn biểu diễn trước hàng trăm triệu người, khi tham gia các chương trình truyền hình mừng năm mới.

Nhưng năm 2008, khi ông Tập Cận Bình bắt đầu thăng tiến sự nghiệp, bà đã chấp nhận lui vào hậu trường, từ bỏ nghề ca sĩ. Bà bắt đầu gây dựng hình ảnh một phu nhân theo hướng truyền thống hơn, tập trung vào làm từ thiện và quan tâm tới các vấn đề y tế. Bà đã xuất hiện cùng các bệnh nhân HIV/AIDS và còn là Đại sứ Y tế của LHQ. Trong khuôn khổ chuyến công du, bà sẽ thăm các địa điểm có liên quan tới hoạt động của mình.

Ngoài ra, khác với truyền thống bí mật lâu nay, các câu chuyện riêng tư liên quan tới đời sống của gia đình ông Tập Cận Bình cũng bắt đầu được tiết lộ ra ngoài. Tình cảm của họ đã là chủ đề của hàng chục bài báo và phóng sự ảnh trên báo chí chính thống.

“Khi ông ấy về nhà, tôi chẳng bao giờ nghĩ có nhân vật lãnh đạo nào hiện diện trong nhà. Trong mắt tôi, ông chỉ là chồng tôi" - bà Bành thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007, mô tả chồng là người đạm bạc, làm việc hăng say và chân thành.

Khuếch trương quyền lực mềm

New York Times đánh giá những thay đổi so với truyền thống đã phản ánh sự đổi thay trong tư duy của giới làm chính sách Trung Quốc. Họ nhận ra rằng dù ngày càng giàu lên, Trung Quốc vẫn thiếu hình ảnh tích cực ở nước ngoài và họ đã dùng bà Bành để mang tới một hình ảnh mới về Trung Quốc - về một người vợ kiều diễm, nhưng vẫn hết sức chu đáo, bên cạnh người chồng quyền lực của mình.

Báo chí Trung Quốc thực tế đã đề cập khá thẳng về vai trò của bà Bành trong việc khuếch trương quyền lực mềm. Sau khi nói rằng bà đã viếng thăm một trường dành cho trẻ mồ côi ở Moskva, tờ Thời báo Hoàn cầu đánh giá những chuyến thăm như thế có vai trò quan trọng.

“Trung Quốc nhận ra rằng ngoại giao đệ nhất phu nhân là một yếu tố cấu thành rất cần thiết của ngoại giao nói chung" - tờ báo dẫn lời Wang Lijiu, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, cho biết -  "Là một ca sĩ nổi tiếng, bà Bành có thể giúp quảng bá văn hóa Trung Quốc và thúc đẩy mạnh quyền lực mềm của đất nước".

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link