07/08/2015 06:10 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Khi mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào đảo Réunion của Pháp, Malaysia và Australia đã yêu cầu Pháp trao lại mảnh vỡ, nhưng Pháp đã từ chối, vì sao?
*Các mảnh vỡ mới không liên quan đến MH370
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 6/8, công tác phân tích giám định mảnh vỡ máy bay được tìm thấy trên đảo Réunion bước sang ngày thứ hai. Các nhà điều tra Pháp không đưa ra thông tin gì mới ngoại trừ việc bác bỏ thông tin liên quan đến việc Malaysia tìm thấy thêm một số hiện vật như đệm ghế, ô kính cửa sổ và mảnh nhôm trên đảo Réunion.
Báo chí Pháp cũng dẫn ý kiến của các chuyên gia phân tích sự khác biệt trong các tuyên bố được nhà chức trách Malaysia và Cơ quan Công tố Pháp đưa ra trước đó liên quan đến việc xác nhận mảnh vỡ có thuộc về chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines hay không.
Báo Le Figaro dẫn quan điểm của chuyên gia nghiên cứu đáy biển Paul-Henri - cựu điều phối viên chiến dịch xác minh chiếc máy bay Airbus A330 mang số hiệu AF447 của hãng hàng không Air France rơi trên Đại Tây Dương năm 2009 khi bay từ Rio de Janeiro (Brazil) về Paris (Pháp) - cho biết, chỉ một mảnh vỡ của máy bay Boeing 777 thì khó có thể phá tan bức màn bí ẩn trong vụ máy bay MH370 biến mất ngày 8/3/2014.
Theo chuyên gia này, chỉ có dữ liệu từ hộp đen mới cho phép xác định nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn, theo đó chiếc máy bay đã phát nổ trên không hay bị phá hủy khi lao vào mặt nước.
Theo ông, mảnh vỡ được tìm thấy tại đảo Réunion cho thấy khu vực tìm kiếm hiện nay ở phía tây Australia là địa điểm phù hợp trên cơ sở phân tích hướng đi của dòng hải lưu.
Phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV, chuyên gia Gérard Feldzer cho rằng việc phát hiện ra mảnh vỡ trên đảo Réunion là yếu tố quan trọng sau hơn 500 ngày tìm kiếm mà không phát hiện được bất kỳ mảnh vỡ nào.
Tuy nhiên, theo ông, với hơn 3.000 mảnh ghép để sản xuất một chiếc máy bay, nhất định trong thời gian tới sẽ có những mảnh vỡ khác tiếp tục trôi dạt vào đảo Réunion hoặc các nước nằm ở phía Đông châu Phi. Ông cũng đưa ra một số giả thuyết về nguyên nhân vụ tai nạn, chẳng hạn như phi công tự vẫn, máy bay bị khủng bố hoặc một tai nạn bất ngờ với một vụ cháy...
Theo ông, cần phải có thêm nhiều bằng chứng khác mới có thể đưa ra được kết luận về chiếc máy bay MH370. Trước tuyên bố của nhà chức trách Malaysia xác nhận rằng mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở Ấn Độ Dương là từ MH370, chuyên gia Gérard Feldzer cho rằng tuyên bố đó được đưa ra "hơi nóng vội".
* Vì sao Pháp muốn giành quyền giám định các mảnh vỡ?
Báo chí Pháp cũng giải thích lý do Pháp được quyền tiến hành giám định mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Réunion.
Theo một công ước quốc tế, Malaysia là quốc gia chịu trách nhiệm tiến hành công tác tìm kiếm và điều tra. Trên thực tế, Malaysia đã tiến hành công tác đó cùng với Australia trong hơn một năm qua với lý do là khu vực tìm kiếm nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây của Australia.
Khi mảnh vỡ máy bay trôi dạt vào đảo Réunion của Pháp, Malaysia và Australia đã yêu cầu Pháp trao lại mảnh vỡ, nhưng Pháp đã từ chối vì nhiều lý do: bốn hành khách trên máy bay MH370 là người Pháp; các công tố viên Paris cũng đã mở một cuộc điều tra sơ bộ ngày 11/3/2014 và một cuộc điều tra pháp lý ngày 7/5/2014 "về tội ngộ sát"; ngoài ra mảnh vỡ được tìm thấy trên lãnh thổ hải ngoại của Pháp.
Trong công tác giám định, Cơ quan Công tố Pháp là cơ quan có thẩm quyền trong việc đưa ra các tuyên bố trong khi Cơ quan điều tra tai nạn hàng không của Pháp (BEA) chỉ tiến hành các điều tra kỹ thuật.
Trước đó, tối 5/8 (theo giờ Pháp), Cơ quan Công tố Pháp đã thận trọng tuyên bố rằng "có rất nhiều khả năng" là mảnh vỡ tìm thấy trên đảo Réunion thuộc về chiếc máy bay MH370. Chỉ trước đó ít phút tại cuộc họp báo rạng sáng 6/8 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chính thức xác nhận mảnh vỡ được tìm thấy gần đảo Réunion ở Nam Ấn Độ Dương là từ chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hàng không Malaysia Airlines.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất