Xoay trục sang Triều Tiên, Tổng thống Trump cần vượt qua ba trở ngại này

13/05/2018 19:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi rất nhiều thỏa thuận và chỉ đang xây dựng một thỏa thuận với Triều Tiên.

Thực hiện lời hứa từ khi tranh cử tổng thống, ông Trump đã lần lượt đưa Mỹ rời Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và mới nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Đó là chưa kể Chính quyền Tổng thống Trump đã đàm phán lại một số thỏa thuận thương mại song phương và đa phương.

Về vấn đề Triều Tiên, cuộc gặp sắp tới tại Singapore với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ là cơ hội để ông chứng tỏ bản thân. Theo tạp chí Financial Times, nếu ông Trump thành công với Triều Tiên, làm được điều mà cả ông George W Bush và Bill Clinton đã thất bại, danh tiếng của ông sẽ được khẳng định.

Chú thích ảnh
Có nhiều yếu tố tác động tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: WCNC

Nếu ông Trump có thể thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thực sự, ông có thể xứng đáng nhận Giải Nobel Hòa bình. 

Các lãnh đạo như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã nhận định về triển vọng giành giải Nobel Hòa bình của ông Trump.

Bản thân ông Trump ngày 9/5 đã nói với các phóng viên rằng trong khi mọi người đều nghĩ ông xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vì góp phần làm ấm quan hệ với Triều Tiên, thì với ông, giải thưởng duy nhất mà ông muốn là một chiến thắng cho thế giới.

Nếu giành giải Nobel Hòa bình, ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ thứ 5 có vinh dự này sau các Tổng thống Theodore Roosevelt, Woodrow Wilson, Jimmy Carter và Barack Obama.

Tuy nhiên, viễn cảnh Nobel Hòa bình sẽ không thể trở thành sự thật nếu ông Trump không thể vượt qua những trở ngại sau đây.

Thứ nhất, trở ngại do chính ông tạo ra: xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Động thái này của ông chủ Nhà Trắng gây ra rất nhiều phiền phức, từ sự chia rẽ trong nội bộ phương Tây, sự tức giận của Iran cho tới mối nguy đối đầu Iran-Israel tại Syria. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất ngay trước mắt chính là đàm phán Mỹ-Triều. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump và bản ghi nhớ vừa ký ngày 8/5 về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Ảnh: AP

Ông Tony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ tham gia đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cho rằng nhiệm vụ của ông Trump với Triều Tiên hiện giờ sẽ gai góc hơn. Ông Blinken nói: “Khi Mỹ vứt bỏ một thỏa thuận mà người Iran đang tuân thủ, tại sao ông Kim Jong-un lại phải tin lời ông Trump nói khi họ thực sự bắt đầu đàm phán? Tại sao ông Kim Jong-un phải tin tưởng những gì được viết trên giấy nếu như Mỹ sẵn sàng xé bỏ nó”.

Thứ hai, ảnh hưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Lần thứ 2 trong năm, ông Kim Jong-un ngày 7/5 đã đáp máy bay tới thành phố cảng Đại Liên, Trung Quốc, để gặp ông Tập Cận Bình. Động thái này cho thấy Triều Tiên thể hiện sự coi trọng Bắc Kinh và muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn trong đàm phán, dù là với Hàn Quốc hay Mỹ.

Nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra đúng kế hoạch vào 12/6 tới tại Singapore, hội nghị có lẽ sẽ bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Theo Financial Times, nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, một thỏa thuận khả thi liên quan tới Bán đảo Triều Tiên là rất khó đạt được. 

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) đã bay tới Đại Liên để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà không tham vấn Trung Quốc – một bên tham gia ký kết – có thể sẽ là điều cản trở ông Trump tại hội nghị Mỹ-Triều.

Hơn nữa, ông Trump cách đây không lâu đã tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc. 

Khi Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc vì làm ăn với Iran, Trung Quốc sẽ thấy ít lợi ích trong việc ủng hộ Tổng thống Trump. Nếu không có sự trao đổi với Bắc Kinh, Tổng thống Trump khó lòng đạt được một thỏa thuận như mong muốn với Triều Tiên.

Thứ ba là tác động của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Cách đây hai tuần, ông Bolton cho biết ông muốn Triều Tiên đi theo mô hình giải giáp hạt nhân của Libya. 

Năm 2005, nhà lãnh đạo Libya Moammer Gaddafi đã được thuyết phục từ bỏ hạt nhân để đổi lấy dỡ bỏ trừng phạt từ phương Tây. Vài năm sau đó, ông đã chết thảm dưới tay lực lượng đối lập tại Libya.

Chú thích ảnh
Kế hoạch A của ông Bolton là giải pháp quân sự đối với Triều Tiên. Ảnh: AP

Trong trường hợp đàm phán Mỹ-Triều không thuận lợi, Triều Tiên có thể không đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Khi đó, ông Bolton sẽ có cơ hội để đưa ra kế hoạch A của mình: triển khai hành động quân sự chống Triều Tiên. Nếu ông Trump thất bại tại hội nghị Mỹ-Triều sắp tới, có khả năng ông sẽ phải ngả theo ảnh hưởng của ông Bolton – một cố vấn nổi tiếng có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Kim Jong-un và ông Trump đã đồng ý gặp nhau tại Singapore, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên thuộc Viện Hòa bình Mỹ, ông Frank Aum, nhận định: "Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim sẽ không gặp nhau trừ khi hai nước đã nhất trí một số điều". 

Theo ông, hai bên có khả năng sẽ đạt một thỏa thuận rõ ràng về phi hạt nhân hóa và hòa bình, cùng với một số nhượng bộ trước mắt. Triều Tiên có thể nhất trí đóng băng các hoạt động tên lửa đạn đạo và hạt nhân để đổi lấy cam kết của Mỹ chấm dứt việc sử dụng các vũ khí chiến lược và hạt nhân của Washington trong các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

VIDEO: Triều Tiên dùng thuốc nổ phá hủy khu thử hạt nhân Pyunggye-ri

VIDEO: Triều Tiên dùng thuốc nổ phá hủy khu thử hạt nhân Pyunggye-ri

Theo tin của KCNA, việc phá bỏ và đóng cửa bãi thử hạt nhân Pyunggye-ri diễn ra theo quy trình sau: dùng thuốc nổ đánh sập các đường ống, bịt lối vào, di dời tất cả cơ sở quan sát và nghiên cứu cũng như kết cấu đơn vị bảo vệ. 

Thùy Dương/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link