Thể hiện, bảo vệ chủ quyền của quốc gia bằng văn hóa

13/05/2021 07:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đưa ra cách tiếp cận tổng thể về nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Xây dựng một xã hội hạnh phúc cũng chính là thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Xây dựng một xã hội hạnh phúc cũng chính là thực hiện khát vọng phát triển đất nước

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu: "Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn", trong đó có kể tới mối quan hệ "giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường".

1. Trong số các nguồn lực của sức mạnh mềm, văn hóa có vai trò quan trọng. Văn hóa biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức mạnh tiềm năng và vị thế, tầm vóc của một dân tộc.

Công nghiệp sáng tạo đòi hỏi phải thay thế tư duy cũ khi coi văn hóa chỉ nhận sự trợ cấp chứ không phải một ngành kinh tế có đầu tư sinh lợi nhuận. Do đó, văn hóa phải được coi là một bộ phận của nền kinh tế, bởi vậy các quốc gia trên thế giới đã và đang thay đổi tư duy về quản lý, đề ra những chính sách phát triển văn hóa.

Trong chính sách đó, văn hóa được đầu tư với vai trò là một ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước. Đổi mới tư duy về văn hóa sẽ đưa đến việc đầu tư có chính sách cụ thể, chiến lược nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa. Lĩnh vực văn hóa không còn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách.

Chú thích ảnh
Văn hóa cần phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững đất nước

2. Để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về văn hóa và con người – hai phạm trù luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, hẳn rằng ngành văn hoá không chỉ tập trung vào các nội dung liên quan đến văn hoá, mà có lẽ phải có kế hoạch tổng thể về văn hoá và con người, tức là về văn - thể - mỹ, về giáo dục nhân cách lối sống, về đào tạo kiến thức chuyên môn...

Cụ thể, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, văn hoá và con người có mối quan hệ biện chứng với nhau. Phát triển văn hoá để xây dựng con người và ngược lại. Chính vì thế, phát triển văn hoá cần được xem là mục đích của mọi sự phát triển kinh tế - xã hội vì nó hướng đến con người. Tuy nhiên, bất cứ điều gì liên quan đến con người đều rất phức tạp...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (Ban chấp hành Trung ương Khoá XI) đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”, và đề ra các nhiệm vụ như: chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; xây dựng và phát huy lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người"; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Đồng thời Nghị quyết cũng khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn; tăng cường giáo dục nghệ thuật; phát huy vai trò của văn học - nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người.... Như thế, chúng ta đã tiếp cận tổng thể trong việc xây dựng con người.

Văn kiện Đại hội XIII, một lần nữa, nhấn mạnh đến nhiệm vụ “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước; mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân” để từ đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây chính là điểm mới quan trọng, vì giờ đây, sau những nỗ lực phát triển đất nước để chúng ta có được cơ đồ, vị trí, uy tín quốc tế như ngày hôm nay, chúng ta đã có đủ điều kiện và tiềm lực để chăm sóc cho đời sống tinh thần của nhân dân. Và như vậy, văn hoá giờ đây, hơn lúc nào hết, cần phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững đất nước, cơ sở để thúc đẩy mỗi người dân thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và phồn vinh.

Xác định rõ ràng về vị thế và tiềm lực của đất nước cũng như coi trọng vai trò của văn hoá là một điểm nhấn để chúng ta tự tin bước vào thế giới của toàn cầu hoá. Nơi đó, văn hoá của mỗi quốc gia thể hiện chủ quyền của quốc gia đó, và sự lệ thuộc về văn hoá ở bất cứ một hình thức nào chính là sự mất độc lập thực sự của mỗi quốc gia.

Huy Thông (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link