'The Lost Leonardo': Phim tài liệu về bức tranh đắt nhất quả đất

16/06/2021 15:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, phim tài liệu The Lost Leonardo đã được chọn để trình chiếu tại Liên hoan phim (LHP) Tribeca hôm 13/6. Bộ phim vén màn những tranh cãi xung quanh bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci - từ tác phẩm giá rẻ đến khi lập kỷ lục thế giới là bức tranh đắt nhất từng được bán đấu giá và rồi... không còn xuất hiện trước mắt công chúng kể từ đó.

Triển lãm Leonardo da Vinci lập kỷ lục khách tham quan tại Bảo tàng Louvre

Triển lãm Leonardo da Vinci lập kỷ lục khách tham quan tại Bảo tàng Louvre

Triển lãm quy mô lớn chưa từng có, quy tụ hơn 100 tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci, diễn ra tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp trong 4 tháng qua, đã thu hút gần 1,1 triệu khách tham quan trước khi chính thức kết thúc vào ngày 22/2. Theo Louvre, đây là số khách tham quan cao kỷ lục trong lịch sử tổ chức triển lãm của bảo tàng này.

The Lost Leonardo sắp tới sẽ được trình chiếu tại LHP tài liệu AFI Docs (ngày 26/6) trước khi chính thức được ra mắt tại các rạp Hoa Kỳ vào ngày 13/8 do Sony Pictures Classics phân phối.

Bức tranh đạt kỷ lục đấu giá thế giới

Salvator Mundi là bức tranh sơn dầu được thực hiện trên gỗ, vẽ Chúa Jesus mặc áo choàng phong cách Phục hưng, tay phải Ngài giơ lên ban phước lành và tay trái cầm một quả cầu pha lê. Bức tranh này do Leonardoda Vinci vẽ vào năm 1506 dưới sự ủy quyền của Vua Pháp Louis XII. Salvator Mundi từng thuộc quyền sở hữu của Vua Anh như Charles I, Charles II, James II và George III...trước khi bị thất lạc nhiều thế kỷ.

Chú thích ảnh
Bức tranh “Salvator Mundi”. Ảnh: AFP/Getty Images

Năm 1900, Salvator Mundi xuất hiện trong khung mạ vàng được Sir Francis Cook mua lại để sưu tầm nhưng thời đó được cho là tác phẩm của Bernardino Luini - trợ lý của Leonardo. Tới 1958, gia đình này bán lại với giá chỉ 60 USD và được coi là tác phẩm của Giovanni Boltraffio- học trò của Leonardo.

Năm 2005, Phòng trưng bày Nghệ thuật Robert Simon ở New York (Hoa Kỳ) cùng một nhóm nhà buôn nghệ thuật đã mua lại bức tranh với giá 10.000 USD. Khi đó, bức tranh đã hư hỏng nặng, tổng thể trông rất tối tăm và ảm đạm.

Chú thích ảnh
Cuộc đấu giá “Salvator Mundi” tại Christie’s năm 2017. Ảnh: AFP/Getty Images

Sau khi được trùng tu dưới sự giám sát của Dianne Dwyer Modestini tại Đại học New York, các chuyên gia kết luận rằng đây không phải là tác phẩm của học trò Leonardo mà của chính danh họa. Năm 2011, bức tranh được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm Leonardo da Vinci: Painter at the Court of Milan tại Phòng trưng bày Quốc gia ở London (Anh).

Năm 2013, nhà buôn nghệ thuật người Thụy Sĩ Yves Bouvier mua bức tranh Salvator Mundi tại cuộc đấu giá của Sotheby’s với giá 83 triệu USD và bán lại cho nhà sưu tập người Nga Dmitry Rybolovlev với giá 127,5 triệu USD. Thu được lợi nhuận khổng lồ trong vòng chưa đầy 48 giờ nhưng Bouvier và Sotheby’s sau đó bị Rybolovlev kiện vì cáo buộc lừa đảo. Tới 2017, bức tranh tiếp tục được bán tại Christie’s ở New York với giá kỷ lục 450 triệu USD.

Chú thích ảnh
Người giám sát việc trùng tu “Salvator Mundi” - Dianne Dwyer Modestini

“Biến mất” một lần nữa

Salvator Mundi từ đó đã trở thành bức tranh đắt đỏ nhất trên thế giới từng được bán đấu giá, người mua được xác định là hoàng tử Ả rập Saudi Badr bin Abdullah. Tuy nhiên, cuối năm đó, Wall Street Journal đưa tin rằng hoàng tử Badr là người trung gian cho thái tử Mohammed bin Salman.

Đồng thời, nhà đấu giá Christie’s xác nhận rằng hoàng tử Badr đã thay mặt Sở Văn hóa và Du lịch Abu Dhabi để chuẩn bị trưng bày tác phẩm này tại Bảo tàng Louvre Abu Dhabi vào năm 2018 và Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) vào năm 2019. Dù vậy, tới nay, cuộc triển lãm đã bị hoãn vô thời hạn và nhiều báo cáo cho rằng tác phẩm được xem là “Mona Lisa phiên bản nam” một lần nữa “biến mất”.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong phim tài liệu “The Lost Leonardo”

Trong buổi ra mắt The Lost Leonardo, nam đạo diễn Andreas Koefoed cho biết: “Chúng tôi theo dõi câu chuyện này rất kỹ lưỡng. Salvator Mundi thuộc sở hữu của thái tử Mohammed bin Salman và ngay bây giờ không ai biết nó đang ở đâu”.

Bộ phim thậm chí còn thẳng thắn chỉ trích quyết định của Phòng trưng bày Quốc gia cách đây 1 thập kỷ bởi có một quy tắc “bất thành văn” rằng các phòng trưng bày công cộng không được trưng bày những bức tranh để bán. “Đó là nội dung của bộ phim, tất cả những người tiếp cận bức tranh đều muốn sử dụng nó cho mục đích riêng của họ” - Andreas bày tỏ. “Phòng trưng bày Quốc gia lúc đó đang lên kế hoạch cho một cuộc triển lãm lớn và họ rất muốn có tác phẩm mới được phát hiện của Leonardo da Vinci để thu hút khán giả”.

Đồng thời, The Lost Leonardo phơi bày những “mặt tối” của các cuộc giao dịch thương mại. “Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất trên thế giới đang bị giữ chặt qua những khu kinh tế tự do (miễn thuế) vì chúng được sử dụng như các khoản đầu tư” - Andreas nói thêm.“Tôi nghĩ điều đó khá buồn. Theo một cách nào đó, nghệ thuật nên thuộc về nhân loại và phải được tiếp cận để xem và thưởng thức”.

Phòng trưng bày Quốc gia, nhà đấu giá Christie’s, Bảo tàng Louvre ở Ả rập Saudi và Pháp đều từ chối tham gia vào bộ phim tài liệu.

Trailer phim tài liệu "The Lost Leonardo":

Thành Quách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link