10/05/2016 14:35 GMT+7
Dù chẳng phải vận động gì nhiều nhưng F1 đòi hỏi các tay đua phải có thể lực không thua bất kỳ môn thể thao nào khác. Thậm chí, F1 còn có những yêu cầu khắt khe về thể chất và tinh thần của những người tham gia.
Theo F1 Complete, G-force (hiệu lực của lực hấp dẫn khi bất cứ điều gì đó đang tăng tốc) khiến cho cho tay đua có cảm giác như họ đang đeo một thứ gì đó nặng tới 25kg trên cổ. Mỗi khi họ nhấn ga, lực G-force tác động theo chiều dọc lên người của tay đua, cộng với lực bổ sung từ việc tăng và giảm tốc. Thêm nữa, mỗi chiếc mũ bảo hiểm tay đua sử dụng nặng tới 7kg.
Một Lewis Hamilton nhìn nhỏ nhắn nhưng cần phải có sức chịu đựng khủng khiếp
Nhưng đó chỉ là khởi đầu của chuỗi những thử thách trong buồng lái. Theo một nghiên cứu, khi bắt đầu cuộc đua, nhịp tim của tay đua vào khoảng 170-190 bmp và trong khi đua, nó dao động khoảng 160 nhịp/phút và có lúc tới 200 nhịp/phút. Sẽ thật kinh khủng nếu biết rằng nhịp tim của một người đàn ông khỏe mạnh, thể lực tốt sống trong cùng khu vực chỉ có 60 bmp. Có nghĩa tim của các tay lái đập nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình trong 2 giờ đua.
Trên đường đua, một tay đua thực hiện tại mỗi chặng chính 2.600 lần chuyển số. Để đối phó với các khúc cua liên tục nối tiếp nhau, quãng đường một chiếc xe đua F1 tiếp tục “trôi” sau khi phanh thật lực từ tốc độ 200 km/h xuống tới 0 km/h là 55 m. Trong 1,9 giây, chiếc xe chạy chậm dần với gia tốc gấp 5 lần gia tốc trọng trường. Trong khi phanh như vậy, một tay đua nặng 75 kg sẽ tác động một lực tương đương với 375 kg lên dây đai an toàn.
Chưa hết, khoang lái còn thử thách giới hạn chịu đựng của tay đua ở một khía cạnh khác. Tại ống pô của xe F1, nhiệt độ là 950 độ C. Khi phanh gấp, nhiệt độ bề mặt lốp tăng lên 100 độ C, đĩa phanh tăng lên 600 độ C trong vòng một giây. Do bị bao bọc bởi khối khí nóng nên nhiệt độ trong khoang lái luôn ở mức 55 độ C. “Lò bát quái” này khiến tay đua hao tới 3kg chỉ trong vòng 2 giờ.
Ăn- ngủ-đua-tập luyện
Với những yêu cầu khắt khe như vậy, tay đua F1 cần phải làm gì để đáp ứng? Tăng cường sức chịu đựng và duy trì sự tập trung cao độ là điều bắt buộc với một tay đua muốn dấn thân vào F1. Để làm được điều đó, họ phải tập luyện và tập một cách thường xuyên, không ngơi nghỉ.
Ricciardo tập luyện mỗi ngày
“Cho tới kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới, tôi mới có thể cho phép mình thả lỏng lịch tập một chút. Chỉ một chút thôi bởi bước sang tháng 1, lịch tập luyện nặng sẽ kéo dài cho đến hết năm. Tôi cần phải giữ sức khỏe, ngủ tốt và tập luyện 2 lần mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần”, tay đua Daniel Ricciardo người Australia kể.
Ricciardo không phóng đại. Với mùa giải bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài tới tận tháng 11, càng bắt đầu tập luyện sớm, tay đua càng có sự chuẩn bị tốt về thể lực. “Thời điểm tập trung tăng cường thể lực là vào tháng 1. Từ lúc đó trở đi, chúng tôi tập trung cải thiện sức bền”, Phil Young- cựu HLV thể lực của tay đua Jenson Button cho biết.
Trong bóng đá, cầu thủ có thể nghỉ giải lao, chạy ngắn hoặc uống nước trong thời gian nghỉ giải lao. F1 không như vậy. Các tay lái không có thời gian nghỉ. Điều kiện khắc nghiệt của cuộc đua kéo dài trong 2 giờ bởi thế cải thiện sức bền và nhịp tim là điều tối quan trọng. Đạp xe là phương pháp sẽ giúp họ. “Chúng tôi yêu cầu tay đua đạp xe nhiều với đoạn đường xa. Thường thì họ phải đạp xe khoảng 60-80 km và sau đó tăng lên 120km”, Young cho biết.
Cường độ tập luyện của các tay đua F1 rất cao
F1 cũng đòi hỏi phải có tay, cổ và vai ‘hoàn hảo’. Ngoài cổ “khỏe” để gánh được sức nặng của mũ bảo hiểm và các lực tác động, các tay đua F1 còn phải duy trì khả năng dẻo dai mà không tăng cân hoặc vì buồng lái chật hẹp của F1 không “chứa” nổi một tay đua quá cỡ.
Chế độ ăn uống cũng là điều đáng phải quan tâm. Các tay đua F1 có chế độ ăn chẳng khác gì một vận động viên điền kinh, với thực đơn được điều chỉnh để kiểm soát chặt chẽ lượng carbohydrate và protein cung cấp cho cơ thể.
Một phần quan trọng không kém thể lực trong đua xe F1 chính là khía cạnh tinh thần. Nhiều đội đua F1 hiện đang hợp tác với các bác sĩ tâm lý học để đảm bảo rằng tay đua của họ có thể kiểm soát được suy nghĩ một cách vững vàng trong cuộc đua. Những phương pháp được sử dụng để cải thiện tâm lý này bao gồm việc hồi tưởng lại đường đua, mô phỏng lộ trình đua và một vòng đua hoàn hảo để tay đua có cảm giác như anh ta đã điều khiển xe trên lộ trình này nhiều lần ngay cả trước khi tới đây. Một số tay đua còn được dạy kỹ thuật thở để giữ được sự điềm tĩnh trong những thời khắc quan trọng.
Nhà tâm lý học thể thao nổi tiếng Saul Miller ví von rằng một khi tay đua F1 nhấn ga, họ giống như đang “chơi cờ ở tốc độ 250 km/giờ”.
Lịch thi đấu F1 mùa 2016 1. Australia (Melbourne, 20/3) 2. Bahrain (Bahrain, 03/4) 3. Trung Quốc (Shanghai, 17/4) 4. Nga (Sochi, 1/5) 5. Tây Ban Nha (Barcelona, 15/5) 6. Monaco (Monte Carlo, 29/5) 7. Canada (Montreal, 12/6) 8. Châu Âu (Baku, Azerbaijan, 19/6) 9. Áo (Spielberg, 3/7) 10. Anh (Silverstone, 10/7) 11. Hungary (Budapest, 24/7) 12. Đức (Hockenheim, 31/7) 13. Bỉ (Spa-Francorchamps, 28/8) 14. Italy (Monza, 04/9) 15. Singapore (Singapore, 18/9) 16. Malaysia (Sepang, 02/10) 17. Nhật Bản (Suzuka, 9/10) 18. Mỹ (Austin, 23/10) 19. Mexico (Mexico City, 30/10) 20. Brazil (Sao Paolo, 13/11) 21. Abu Dhabi (Abu Dhabi, 27/11) |
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất