Thể thao Việt Nam 2025 và SEA Games 33: Cơ hội tạo đà cho kỷ nguyên mới?

03/01/2025 05:42 GMT+7 | Thể thao

Tại Hội nghị triển khai công tác tổ chức cuối năm 2024, Cục TDTT xác định đây là năm 2025 mang tính bản lề của thể thao Việt Nam với sự kiện chính là SEA Games 33 tại Thái Lan. Có thể xem đây là đợt tổng kiểm tra năng lực thực tế của ngành thể thao trước khi bắt tay vào triển khai Chiến lược phát triển TDTT 2030-2045 (Chiến lược) đã được Chính phủ phê duyệt.

1. Liên tục trong năm 2024, đặc biệt là sau Olympic Paris, ngành thể thao tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo với nội dung tập trung tìm các giải pháp để có thể vận hành các mục tiêu của Chiến lược. Bầu không khí khẩn trương đó cũng phần nào cho thấy những khó khăn mà ngành thể thao phải đối mặt. Với các thách thức mà Chiến lược đặt ra, nhất là với cột mốc TOP 50 Olympic, thì vấn đề không phải là làm gì, mà là làm như thế nào. Nói cách khác, thể thao Việt Nam (TTVN) cần một giải pháp có tính toàn diện, vừa giải được bài toán thành tích nhưng cũng vừa phải tạo ra được nguồn tài chính ổn định để bảo đảm các giải pháp được thực thi theo hướng lâu dài, bền vững.

Nhưng trong khi vẫn chưa thể đưa ra kết luận về cách làm, thì ngành thể thao cũng đã được yêu cầu tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18. Cục TDTT cho biết là đã đề xuất xin được chậm thực hiện công tác này trong năm 2025 nhằm phục vụ cho hoạt động thi đấu trước mắt, nhưng sớm hay muộn thì việc tinh gọn cũng là một thách thức quan trọng bên cạnh việc giữ ổn định thành tích thể thao đỉnh cao.

Trên thực tế, thể thao là một trong những lĩnh vực tiên phong và có nhiều điều kiện nhất trong việc tinh gọn bộ máy do yếu tố đặc thù và yêu cầu của đời sống thể thao. Công việc này đã được triển khai hơn 2 thập niên qua dưới hình thức xã hội hóa và chuyển giao công tác điều hành cho các Liên đoàn/Hiệp hội. Rất nhiều môn thể thao có tính phổ biến cao hiện nay gần như không còn duy trì bộ máy quản lý ở cấp Tổng cục/Cục, nhờ sự năng động các Liên đoàn. Vấn đề là không có nhiều Liên đoàn/ Hiệp hội hoạt động hiệu quả. Thế nên mới có chuyện ngân sách cấp cho việc chi thường xuyên của ngành thể thao mỗi năm dù không nhỏ nhưng luôn trong tình trạng thiếu, phải bớt chỗ này, bù chỗ kia. Đơn cử như VĐV dự giải thế giới Billiards theo tư cách đại diện quốc gia nhưng lại phải bỏ tiền túi khi Liên đoàn không có nguồn kinh phí.

Tạm hiểu là dù thực hiện tinh gọn bộ máy rất sớm nhưng rốt cục, ngành thể thao lại phải… bắt đầu việc tinh gọn một lần nữa. Như vậy là công tác xã hội hóa đã không tốt, cũng có nghĩa là bài toán về tài chính cho đầu tư ở giai đoạn mới sẽ rất khó tìm ra lời giải.

2. Trong bối cảnh đó, SEA Games 33 liệu có phải là thời điểm để TTVN thực hiện "chuyển đổi trạng thái" để "ghi bàn"? Liệu năm 2025 sẽ là cột mốc để tạo đà và bứt phá?

Đây là kỳ SEA Games trên đất Thái Lan và chắc chắn là không có cơ hội để Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp đứng nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, mục tiêu tốp 3 nằm trong tầm tay, nhưng SEA Games 33 không phải là nơi để TTVN quan tâm nhiều đến việc đứng nhì hay đứng ba, khi mà sự kiện này diễn ra vào tháng 11/2025, tức là chỉ cách Asiad 2026 tổ chức tại Nhật Bản có 9 tháng mà thôi (dự kiến trung tuần tháng 9/2026).

Thể thao Việt Nam 2025 và SEA Games 33: Cơ hội tạo đà cho kỷ nguyên mới? - Ảnh 1.

SEA Games 33 năm 2025 rất quan trọng với thể thao Việt Nam nhưng chỉ nên với ý nghĩa là sự chuẩn bị cho Asiad 2026. Ảnh: Hoàng Linh

Nói cách khác, tính từ thời điểm này, chúng ta chỉ còn hơn một năm rưỡi cho Asiad lần thứ 20, một khoảng thời gian không nhiều nếu TTVN tính chuyện bứt phá về mặt thành tích, nhất là trong giai đoạn rất nhiều môn trọng điểm đang ở trong giai đoạn trẻ hóa như điền kinh, thể dục, bắn súng, cử tạ, bóng đá …

Có thể nói một cách hình tượng rằng: Sự kiện lớn nhất năm 2025 là SEA Games 33 nhưng "chủ đề" chính nên phải là Asiad 20. Như vậy, SEA Games 33 sẽ là một "phép thử" cho những nhà quản lý TTVN, liệu rằng chúng ta có kịp chuyển đổi trạng thái để biến SEA Games thành một đấu trường chuẩn bị cho Asiad bằng cách tập trung quyết liệt cho việc trẻ hóa ở các môn trọng điểm, không dồn mọi nguồn lực để cố gắng đạt vị trí thứ nhì toàn đoàn. Đấy sẽ là một cuộc "thử thách" cam go về năng lực thực hiện chiến lược đường dài của những người làm thể thao Việt Nam

3. Tại hội nghị tổng kế năm 2024, Cục trưởng TDTD Đặng Hà Việt có nhấn mạnh đến yếu tố công nghệ trong hoạt động thể thao đỉnh cao và cũng thừa nhận tỷ lệ "chuyển đổi số" của ngành mình chưa đạt yêu cầu.

Trong Chiến lược 2030-2045, ngoài đề mục Kinh tế thể thao, thì áp dụng công nghệ cũng được xem là nền tảng quan trọng mà TTVN phải thực hiện càng sớm càng tốt. Cho đến nay, tỷ lệ "chuyển đổi số" trong thể thao là rất thấp. Chưa nói đến sự thiếu hụt hàm lượng công nghệ cho các đội tuyển thành tích cao, mà ngay hoạt động quản lý vẫn theo mô hình cũ, từ đó mới xuất hiện các hiện tượng tiêu cực như cắt xén khẩu phần ăn của VĐV năng khiếu, chi tiêu sai nguyên tắc, thiếu minh bạch tiền bồi dưỡng VĐV. Ngay hoạt động tổ chức giải đấu, vận động tài trợ, truyền thông… của nhiều Liên đoàn cũng yếu về công nghệ tương tác với khán giả nên nguồn thu ngày càng teo tóp, thu không đủ chi, mất đi ý nghĩa cốt lõi của mục tiêu "giảm quản lý Nhà nước, tăng tự chủ xã hội hóa".

Ứng dụng công nghệ trong các khâu căn bản, có tính quyết định như khoa học dinh dưỡng thể chất, tuyển chọn tài năng và hoạt động thi đấu có thể tác động được nhanh đến thành tích quốc tế. Trên thế giới, xu hướng "số hóa" đang rất mạnh. Giá trị VĐV hay các dự báo thành tích đều dựa trên thống kê. Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ mới 2 năm trở lại đây, chúng ta mới áp dụng được công nghệ VAR cho bóng đá hay "Mắt thần" cho bóng chuyền, chưa thực sự có những kho dữ liệu theo thời gian thực cho từng VĐV. Điều này sẽ làm chậm quá trình đầu tư cho các tài năng ở những môn trọng điểm.

Với sự kiện SEA Games vào cuối năm, với tinh thần khẩn trương tìm giải pháp của ngành thể thao, hy vọng là năm 2025 sẽ là thời điểm tạo đà cho TTVN. Có thể thời gian quá gấp, bộ máy hiện tại khó "chuyển mình" kịp, nhưng nói cho cùng, để thực hiện yêu cầu phù hợp với kỷ nguyên mới của đất nước, và vẫn bảo đảm hoạt động huấn luyện – thi đấu tương xứng với các mục tiêu tham vọng trong Chiến lược 2030-2045, ngành thể thao gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đầu tư trọng điểm hơn nữa cho các môn trọng điểm và ứng dụng khoa học công nghệ một cách triệt để cho đời sống thể thao cả ở góc độ quản lý và chuyên môn.

Xu hướng chung của thể thao thế giới là đầu tư có trọng tâm vào công nghệ, dinh dưỡng chứ không đầu tư vào bộ máy, con người. VĐV được tuyển chọn, đánh giá và dự báo thành tích để đầu tư dựa trên công nghệ AI với nền tảng Big Data nhằm tráng lãng phí thời gian và tiền của cho việc đào tạo. Những giải pháp về công nghệ cũng tác động mạnh đến những hoạt động phụ trợ như truyền thông, tài chính, ví dụ như các giải đấu được livestream trên nền tảng OTT thay vì truyền hình truyền thống, các VĐV tham gia mạng xã hội tích cực, chủ động để tạo ảnh hưởng cho môn chơi và thu hút tài trợ. Điều này cho phép ngành thể thao tinh gọn bộ máy mà vẫn bảo đảm theo kịp kế hoạch phát triển chung.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link