Thể thao Việt Nam: Đâu rồi những 'lò' đào tạo chuyên nghiệp

04/02/2025 07:58 GMT+7 | Thể thao

Sự nở rộ và những phát triển vũ bão của pickleball trong thời gian gần đây khiến nhiều người nhớ đến sự thịnh hành của cầu lông cách đây 2 thập niên. Đó cũng là giai đoạn để cầu lông Việt Nam từ môn chơi mang tính phong trào đã có những VĐV vươn đến đẳng cấp thế giới mà tiêu biểu là tay vợt từng đứng hạng 5 BWF, Nguyễn Tiến Minh.

Một trong những ước mơ của Tiến Minh khi còn ở thời đỉnh cao chính là sẽ mở một học viện mang tên anh sau khi giã từ sự nghiệp. Tất nhiên, đây không phải là các kiểu "học viện" đang nhan nhản khắp nơi mà trên thực tế chỉ là các trung tâm tập luyện và cho thuê tổ chức thi đấu cầu lông.

Khái niệm "học viện" mà Tiến Minh đề cập ngày nào, đó là nơi chuyên nghiệp huấn luyện các tài năng thực thụ, một 'lò" đào tạo VĐV chuyên nghiệp. Cũng theo Tiến Minh, cầu lông Việt Nam không thiếu VĐV nhưng lại gần như không có một quy trình để đào tạo một tay vợt nhà nghề. Những học viện như thế không chỉ đào tạo chuyên môn mà còn trang bị cho VĐV những nền tảng công nghệ, dinh dưỡng, tâm lý và cả văn hóa để họ có thể đủ hành trang thi đấu quốc tế một cách độc lập sau này.

Thực tế cho thấy chúng ta có tiềm năng lớn để đưa cầu lông vươn tầm thế giới. Tay vợt nữ có đẳng cấp cao nhất hiện nay là Nguyễn Thùy Linh hiện đang ở tốp 30 BWF và từng có thời gian lọt vào tốp 20.

Trong bảng xếp hạng cả nam lẫn nữ của cầu lông thế giới, dù có khá nhiều quốc gia góp mặt bao gồm châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng các tay vợt hàng đầu thế giới đa số vẫn là những VĐV gốc châu Á. Như vậy, dựa trên thực tế của Tiến Minh, Thùy Linh cũng như sự phát triển của cầu lông thế giới thì có thể thấy Việt Nam nằm trong nhóm có ưu thế ở môn chơi này.

Thế nhưng, kể cả khi có phong trào tốt, có gương mặt ngôi sao, thì cầu lông Việt Nam vẫn phát triển như mọi môn thể thao khác. Có rất nhiều trung tâm cầu lông, nhưng lại không có một học viện hiện đại và nhà nghề ở đẳng cấp thế giới.

Đâu rồi những “lò” chuyên nghiệp  - Ảnh 1.

Tay vợt Thùy Linh hiện đang ở tốp 30 thế giới và từng có thời gian lọt vào tốp 20. Ảnh: Hoàng Linh

Một mô hình như Học viện bóng đá HAGL hay PVF chẳng hạn, mặc dù chi phí đầu tư chắc chắn là nhỏ hơn rất nhiều. Trong thế giới thể thao nhà nghề, nhất là ở các môn thể thao cá nhân như cầu lông, quần vợt… thì các tay vợt hàng đầu thế giới đều là các "sản phẩm hoàn chỉnh" của một quy trình đào tạo chuyên nghiệp, khắc khổ.

Những trường hợp "vượt lên chính mình" như Tiến Minh hay Thùy Linh của Việt Nam là rất hiếm, dù qua đó, thể thao Việt Nam cũng nhìn thấy được tiềm năng của môn chơi này.

Có thể "học viện cầu lông" như Tiến Minh mong muốn chưa thể xuất hiện, nhưng còn pickleball thì sao? Đây là môn thể thao rất gần gũi, rất phù hợp và lại được ưa chuộng. Quá trình xúc tiến để đưa pickleball từ môn thể thao đại chúng trở thành môn chính qui đã được triển khai với tốc độ chóng mặt, cho thấy tiềm năng vô cùng lớn để phát triển. Thế nên sẽ rất tiếc nếu ở giai đoạn tràn trề các điều kiện thuận lợi cũng xuất phát điểm không kém so với thế giới, mà không thể có một học viện đào tạo VĐV nhà nghề cho pickleball.

Nhìn rộng ra, để thể thao Việt Nam có thể vươn tầm ở châu lục và thế giới, các môn thể thao mang tính tập thể sẽ khó đi nhanh như những môn cá nhân do đặc thù trong công tác đầu tư và đào tạo con người. Nhưng có một nghịch lý là chính các môn tập thể lại đang hình thành những "lò" đào tạo khá bài bản như ở bóng đá, bóng chuyền.

Ngược lại, thể thao Việt Nam gần như không có những học viện tư nhân chuyên sâu cho các môn cá nhân mặc dù các trung tâm đào tạo huấn luyện có mặt hầu hết ở địa phương, xuống tận đến cấp quận, huyện.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link