Thể thao Việt Nam lại 'tắc' ở khâu 'tiền đâu để đầu tư'

31/03/2025 05:59 GMT+7 | Thể thao

Hội thảo góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic, Asiad giai đoạn 2026-2046 được Cục TDTT tổ chức hôm 28/3 đã đưa ra được một tính toán có tính thức tế, đó là trung bình mỗi năm thể thao Việt Nam (TTVN) cần 170-180 tỷ đồng cho 17 môn dự kiến được đưa vào chương trình trọng điểm.

Với con số này, đem chia đều thì trung bình mỗi môn sẽ cần tối thiểu 10 tỷ đồng/năm. Đây là con số không lớn và có thể chưa tính đến chi phí cho các chuyến tập huấn nước ngoài dài ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà nhiều Liên đoàn/Hiệp hội thể thao còn chưa đạt được 1 tỷ đồng doanh thu/năm thì con số 10 tỷ kia thật sự quá "khủng". Thế nên, "chốt" lại hội thảo, những người tham gia đều cho rằng điểm mấu chốt là phải phát triển kinh tế thể thao để tạo nguồn tài chính cho hoạt động đầu tư. Vì một số tiền lớn như vậy thì không thể dựa đến 90% vào ngân sách Nhà nước.

Xem ra, TTVN vẫn đang đi theo một qui trình ngược. Chúng ta tổ chức các Hội thảo có tính chuyên môn, nghiệp vụ tầm Chiến lược, thế nhưng trong công tác kiếm tiền cho thể thao thì đến nay, cũng chỉ tổ chức vài ba cuộc trao đổi mang tính chất tọa đàm về kinh tế thể thao. Lẽ ra phải ngược lại mới đúng, tức là phải liên tục có các cuộc hội thảo liên quan đến việc kiếm tiền, với khách mời đa dạng với các nội dung khác nhau để tìm ra một lối mở cho kinh tế thể thao. Sau khi xây dựng được lộ trình kiếm tiền, thì hãy bàn đến việc tiêu bao nhiêu, như thế nào cho các môn thể thao trọng điểm.

Trên thực tế, kinh tế thể thao nghe thì to tát nhưng ngay tại Việt Nam, những gì mà bóng đá đang làm hơn thập niên qua, hoàn toàn có thể trở thành công thức chung cho nhiều môn thể thao khác. Nhiều, ít thì tùy mỗi giai đoạn khác nhau, nhưng điều dẫn nhận thấy nhất của việc kiếm tiền mà VFF đang triển khai đó là "đa dạng nguồn": Tài trợ của đội tuyển quốc gia nam, quỹ chuyên nghiệp hằng năm mà Công ty VPF phải đóng để phát triển bóng đá trẻ, rồi hoạt động liên kết với các đơn vị xã hội tổ chức các giải U để giảm chi phí, bản quyền hình ảnh của đội tuyển, tiền từ các tổ chức cấp trên FIFA, AFC thông qua những chương trình toàn cầu …

Lại “tắc” ở khâu “tiền đâu để đầu tư” - Ảnh 1.

Chạy bộ là môn thể thao rất dễ kiếm tài trợ hiện tại. Ảnh: Ngọc Tú

Nghĩa là chẳng phải học đâu xa, chỉ cần làm được như bóng đá thì các môn thể thao khác sẽ có được nguồn tài chính để góp vào, cùng với ngân sách để lo cho hoạt động đầu tư trọng điểm. Tất nhiên, bóng đá là môn có sự phổ biến cao nên cũng dễ tạo được nguồn thu hơn. Nhưng thực ra, những gì bóng đá đang làm cũng chỉ là các bước cơ bản của cái gọi là Kinh tế thể thao, về lý thuyết, môn nào cũng có thể làm được các hạng mục tương tự. Còn thu được nhiều hay ít, thì còn tùy vào cách làm.

Khoảng 20 năm trước, môn bơi lội đã từng tổ chức "Cúp tốc độ" chuyên dành riêng cho các cự ly ngắn tại hồ bơi Phú Thọ - TP.HCM được một số thương hiệu nổi tiếng nước ngoài liên quan đến bơi tài trợ. Bóng chuyền có Grand Prix 3 vòng đấu mỗi năm dành cho nam. Môn bóng bàn có giải Cây vợt vàng danh tiếng, từng được Samsung tham gia … Tuy nhiên càng về sau, các giải đấu có yếu tố sự kiện ấy ngày một ít đi và nguồn thu của các liên đoàn vì thế cũng teo tóp.

Đây là một nghịch lý. Rất nhiều môn thể thao trọng điểm của Việt Nam hiện đã có thành tích châu Á, thế giới, sở hữu lực lượng VĐV tài năng đông đảo hơn trước rất nhiều, thế nhưng số giải đấu quảng bá cho môn thể thao của họ lại ngày càng ít đi.

Trong khi đó, các môn mới nổi như marathon thì lại "lấy" người từ đội tuyển điền kinh Việt Nam sang để tạo tiếng vang cho các sự kiện, môn pickleball thì thuyết phục được các tay vợt hàng đầu của tennis "rẽ ngang" để quảng bá phong trào, trong khi các liên đoàn điền kinh hay quần vợt thì hiện không còn khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy cho môn của mình.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link