Thể thao Việt Nam: Thời cơ trước mắt, thách thức lâu dài

20/08/2016 06:21 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau cú hích mang tên Hoàng Xuân Vinh, ngay từ bây giờ, ngành thể thao sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính lâu dài.

Thay đổi cách tiếp cận mục tiêu

Thành quả phi thường tại Rio đã đặt ra cơ hội và đòi hỏi chính đáng với ngành thể thao: Phấn đấu để có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương, kể cả Vàng ở một số môn có khả năng. Qua đó, Việt Nam sẽ có một thứ hạng, vị thế ổn định, và từng bước nâng cao ở đấu trường quốc tế danh giá này, chứ không phải bước vào Top 50 theo kiểu “đột xuất” như lần này.

Muốn thế, TTVN sẽ phải tạo được bước đột phá về nền tảng, cũng như quy trình, phương thức đào tạo tài năng, bắt đầu từ cái gốc là cách tiếp cận mục tiêu. Olympic lâu nay chưa phải là một đích nhắm chính, và khá mờ nhạt bên cạnh ASIAD và nhất là SEA Games. Chưa kể, trước mỗi kỳ Đại hội, chính những người trong cuộc cũng lúng trúng giữa hai việc: Giành suất và tranh huy chương. Chuyện tranh huy chương chỉ dừng lại ở mức hi vọng và phấn đấu.

Sự tập trung các nguồn lực cho Olympic, trực tiếp và cụ thể là đầu tư cho những tuyển thủ trọng điểm rất hạn chế, bị gián đoạn bởi đủ các sân chơi lớn nhỏ khác. Thực chất, chúng ta mới chỉ có thể tập trung cao độ khoảng 1 năm trước Olympic, với rất nhiều bó buộc về kinh phí, điều kiện.

Và sự thay đổi, phải bắt đầu từ việc xác lập lại mục tiêu của TTVN mà ở đó Olympic phải là trung tâm, có liên thông chặt chẽ với ASIAD, và tránh ảnh hưởng tiêu cực từ SEA Games. Huy chương Olympic phải là chỉ tiêu chứ thể mãi là hi vọng và phấn đấu như lâu nay, mà nếu bất thành cũng chỉ viện dẫn một lý do đơn giản đến mức hồn nhiên “quá tầm”.

Hướng tới một đề án Olympic chuyên biệt

Chuyện chăm lo cho các tuyển thủ hàng đầu của các môn Olympic của TTVN đã tốt hơn rất nhiều, nhờ sự quan tâm của nhà nước,  cùng quyết tâm nỗ lực từ chính ngành thể thao. Đơn cử có 48 tuyển thủ của 12 môn nhận được mức tiền công, tiền ăn 800 nghìn đồng/người/ngày. Giải pháp đưa quân ra nước ngoài, qua những đợt tập huấn ngắn hạn và thi đấu tại các giải tầm cỡ, đã phát huy hiệu quả tối đa, với tổng kinh phí đầu tư khiếm tốn 40 tỷ đồng.

Hoàng Xuân Vinh tranh thủ ‘selfie’ cùng đoàn TTVN trước khi rời Olympic

Hoàng Xuân Vinh tranh thủ ‘selfie’ cùng đoàn TTVN trước khi rời Olympic

Sau khi đoạt 2 chiếc huy chương quí giá cho đoàn thể thao Việt Nam ở môn bắn súng, người hùng Hoàng Xuân Vinh đã chuẩn bị lên đường về Việt Nam.


Thế nhưng, nếu chỉ dựa vào nguồn lực hạn hẹp, cách làm tình thế như vậy, quá khó để TTVN đảm bảo cho mục tiêu có 2-3 huy chương Olympic, 3-5 HCV ASIAD ổn định ở vài kỳ Thế vận hội và Á vận hội tới. Theo thống kê, mức kinh phí được cấp trong nhiều năm gần đây chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế, cho dù ngành thể thao luôn ưu tiên tối đa cho mảng thành tích cao.

Tất cả chỉ có thể được giải quyết căn bản bằng một bản đề án Olympic chuyên biệt được nhà nước phê duyệt, cụ thể hóa bằng kế hoạch đào tạo lực lượng theo mỗi chu kỳ Đại hội, với nguồn kinh phí riêng.  Đây là một “chiến lược” mà ngành thể thao cần tính đến ngay để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.  Trước đây, ngành thể thao từng có một chương trình mục tiêu quốc gia nhắm tới  SEA Games 2003 trên sân nhà với mức 100 tỷ đồng/năm. Nhờ thế,  qua 10 năm, Việt Nam đã có một lực lượng tuyển thủ đủ để bứt hẳn lên nhóm dẫn đầu SEA Games.

Phải làm gì cho Tokyo 2020?

Trong khi chờ những cú “hích” từ vĩ mô, chính ngành thể thao cần phải đổi mới quyết liệt cách nghĩ cách làm, để ít nhất cũng có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic 2020. Thành công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio, hay trước đó của một vài đô cử hạng cân nhẹ, rồi karatedo được đưa vào chương trình thi đấu, đã chứng tỏ TTVN có cơ sở vững chắc để “tấn công” vào Olympic.

Điều quan trọng nhất, ngoài việc xác định rõ mục tiêu, chính là việc tiếp tục phân cấp mạnh mẽ để tập trung cao độ cho những môn, nội dung, tuyển thủ trọng điểm có khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Trong đó, ba môn karatedo, bắn súng, cử tạ cần có một kế hoạch đầu tư riêng, thậm chí kỹ lưỡng tới từng nội dung, từng tuyển thủ để có những giải pháp đào tạo chuyên biệt, dài hạn, theo đúng chuẩn quốc tế.

Mẫu hình của kình ngư Ánh Viên có sự kết hợp giữa ngành thể thao với đơn vị chủ quản để đảm bảo mỗi năm 3-4 tỷ đồng, cần được nhân rộng. Sự bó buộc chung về kinh phí cũng hoàn toàn có thể đột phá cho từng môn, hay từng tuyển thủ xuất sắc theo hướng xã hội hóa. Không quá khó vận động để Xuân Vinh cùng tổ súng ngắn của anh, hay lực sĩ Thạch Kim Tuấn cùng một vài trụ cột của đội cử tạ được doanh nghiệp “chống lưng”.


Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link